Công chứng và chứng thực:
Hiệu quả từ những thay đổi về luật
(ANTĐ) - Sau hơn một năm Luật Công chứng và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về “Cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký” có hiệu lực (từ 1-7-2007) và đi vào thực tiễn, công tác công chứng, chứng thực được đánh giá là có nhiều thành công.
Hết “sợ” đi...công chứng!
Theo Luật Công chứng, các Phòng Công chứng và Văn phòng Công chứng chỉ nhận công chứng các hợp đồng, giao dịch bằng văn bản mà không chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký. Việc xin cấp bản sao từ sổ gốc được giao cho chính cơ quan đã cấp bản chính; chứng thực bản sao từ bản chính bằng tiếng Việt được phân cấp tới các UBND xã, phường, thị trấn; Phòng Tư pháp cấp huyện có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính bằng tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài.
Sự tách bạch giữa công chứng và chứng thực đã đem lại hiệu quả cao trong công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Xóa bỏ tâm lý “sợ” của người dân mỗi khi phải đi công chứng như trước kia.
Ông Dương Đình Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) khẳng định, việc phân cấp hoạt động chứng thực bản sao, chữ ký theo quy định của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP đã được các cơ quan, tổ chức và người dân đánh giá là bước cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ.
Xóa bỏ tình trạng quá tải ở các Phòng Công chứng, tiết kiệm thời gian, công sức cho dân. Bên cạnh đó, theo Nghị định số 79/2007/NĐ-CP đã giao cho các cơ quan, tổ chức tiếp nhận hồ sơ tự mình đối chiếu bản sao với bản chính, đã khắc phục được tình trạng ỷ lại của các cơ quan này với cơ quan có thẩm quyền chứng thực, hạn chế xu hướng đòi hỏi bản sao có chứng thực khi nộp hồ sơ, gây tốn kém không cần thiết cho người dân.
Hiện tượng quá tải công chứng không còn nên “cò” công chứng tồn tại nhiều năm qua về cơ bản đã bị xóa bỏ.
Anh Nguyễn Văn Bộ, phố Hào Nam (Hà Nội) hồ hởi nói, trước kia nếu muốn đi công chứng thì mất rất nhiều thời gian, có lần phải đi công chứng học bạ cho con, tôi đã phải đến xếp hàng trước giờ làm việc tới 2 tiếng đồng hồ. Nhưng giờ thì khác, cũng chỉ trong hai giờ đồng hồ ấy là lấy được những giấy tờ mà mình muốn chứng thực.
Người dân đến chứng thực tại UBND phường Ô Chợ Dừa |
Đôi bên đều thuận
Đối với chứng thực, khi được trao quyền đến xã, phường, thị trấn đã tạo thuận lợi cho người dân một cách tốt nhất. Bà Đỗ Thanh Phương - Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa cho biết, đây là sự thay đổi lớn trong công tác hành chính, công tác tư pháp, đặc biệt là lĩnh vực hoạt động công chứng và chứng thực.
Tuy nhiên, để làm tốt được công việc này thì cán bộ Tư pháp cấp xã phải nỗ lực rất lớn. Một thực tế khó khăn về nghiệp vụ mà chúng ta không thể phủ nhận là việc nhận biết những văn bằng gốc.
Vấn đề này mới chỉ được thể hiện bằng kinh nghiệm, bằng một số buổi tập huấn nghiệp vụ. Do vậy, rất cần có lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ trong lĩnh vực này. Như vậy, hiệu quả thực hiện công việc sẽ còn cao hơn nữa.
Có thể nói, công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, trong đó hoạt động công chứng và chứng thực như hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu và lợi ích của người dân. Việc tinh giản bộ máy hành chính nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu nhiệm vụ là một thành công lớn về xây dựng bộ máy công quyền hữu hiệu.
Quang Trường