Xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng (Bài 3):

Hiệu quả từ những điểm mới rõ nét trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong các nhiệm kỳ, Đảng và Nhà nước ta luôn dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Trong giai đoạn mới hiện nay, nhiệm vụ này đã có những điểm mới rõ nét và bước đầu đạt kết quả.

Quan điểm nhất quán, xuyên suốt

Ngay tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, quan điểm của Đảng đã xác định về công tác phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn mới. Đó là “Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng. Áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng”.

Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện. Và chú trọng các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã yêu cầu: “Xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng”. Tháng 5-2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 21- KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí.

Trung ương Đảng tiếp tục đặt ra yêu cầu phải sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng tăng hình thức phạt tiền, miễn hoặc giảm hình phạt khác đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả. Tại Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7-12-2015, Bộ Chính trị chỉ đạo, trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đồng thời xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng.

Thể hiện quan điểm nhất quán, xuyên suốt, Kết luận số 10-KL/TƯ ngày 26-12-2016 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Bộ Chính trị yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Gần đây hơn, ngày 10-1-2019, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Cụ thể hóa trong chính sách hình sự

Từ những chỉ đạo nêu trên của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, ngày 27-11-2015, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 thay thế Bộ luật Hình sự năm 1999. Bộ luật mới này đã có một số thay đổi căn bản, cốt lõi về chính sách trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng so với chính sách hình sự trước đây.

Cụ thể, tại Điều 40, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về giảm hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân đối với trường hợp: “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. Theo luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, chính sách hình sự là chủ trương xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật bằng hình sự, trong đó nhấn mạnh phải cân nhắc giữa hậu quả hành vi và thái độ khai báo, ý thức khắc phục hậu quả, thông qua các điều luật cụ thể trong Bộ luật hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Những người có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tự nguyện nộp lại số tiền đã chiếm đoạt, chắc chắn sẽ được áp dụng những quy định theo hướng giảm nhẹ. Bởi theo quy định, việc xử lý hình sự không gây bất lợi, song cũng không hạn chế theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo. “Cùng là việc khắc phục hậu quả, người khắc phục 50% phải khác người đã khắc phục 100%. Đó là chưa kể đến những người còn tự giác trả các khoản tiền khác, ngoài tính toán của các cơ quan tố tụng mà họ không bắt buộc phải trả” - luật sư Giang Hồng Thanh phân tích. Theo vị luật sư này, việc làm đó của họ là những tình tiết giảm nhẹ hơn những người khác và sẽ được hưởng chính sách khoan hồng tương ứng.

Là người từng “cầm cân nảy mực” hàng loạt vụ án tham nhũng lớn, Thẩm phán Trương Việt Toàn, Tòa án nhân dân TP Hà Nội khẳng định: “Tất cả các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi đều được đưa ra xét xử kịp thời, đúng pháp luật. Việc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm và hình phạt được áp dụng theo đúng nguyên tắc pháp luật”. Đó là nghiêm khắc đối với những bị cáo chủ mưu, cầm đầu và khoan hồng đối với những bị cáo có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả và tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm… Thực tế các bản án về tham nhũng do Tòa án Hà Nội đưa ra thời gian qua đều được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.

Những hiệu quả rõ nét

Có thể nói với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán và sự cụ thể hóa trong hệ thống pháp luật hiện nay, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta đã đạt được những hiệu quả bước đầu rõ nét. Bằng chứng là trong những năm gần đây, liên tiếp các vụ án tham nhũng lớn đã, đang và tiếp tục được điều tra, truy tố, xét xử.

Những hành động cụ thể, quyết liệt của các cơ quan tố tụng hình sự một mặt bảo đảm mọi hành vi tham nhũng đều bị phát hiện, trừng trị kịp thời, nghiêm minh và “không có vùng cấm”, một mặt bảo đảm mục đích quan trọng thứ hai trong đấu tranh với tội phạm là thu hồi tài sản cho Nhà nước. Điển hình là vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Ngay trong giai đoạn điều tra, tổng số tiền cơ quan chức năng thu hồi được là 8.845 tỷ đồng (lớn hơn cả số tiền thất thoát là 8.697 tỷ đồng).

Ở vụ án Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) chi lãi ngoài hợp đồng và các “vụ án con” liên quan, mục tiêu thu hồi tài sản bất chính cũng đạt được kết quả rất tốt. Theo đó, nhiều giám đốc các chi nhánh, văn phòng giao dịch của OceanBank đã tự giác nộp lại tiền bị thất thoát, tích cực khắc phục hậu quả…

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng Giám đốc OceanBank) đã tự nguyện khắc phục 37 tỷ đồng (trong số 49 tỷ đồng tham ô) ngay tại phiên tòa phúc thẩm. Tương tự Ninh Văn Quỳnh (cựu Phó Tổng Giám đốc PVN) cũng tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền 20 tỷ đồng chiếm đoạt. Hay như vụ án “đất vàng” Đà Nẵng, cơ quan chức năng đã kê biên 42 tài sản, bất động sản. Hội đồng định giá tài sản xác định, tổng giá trị của 42 tài sản, bất động sản nêu trên tương ứng hơn 3.519 tỷ đồng.

Theo ông Lê Tiến, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, những vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ đa phần có số lượng tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát lớn nhưng rất khó thu hồi. Nguyên nhân là do các vụ án này thường được thực hiện trong thời gian dài mới bị phát hiện. Quá trình giải quyết vụ án, các đối tượng đã kịp tẩu tán tài sản, việc xác minh nguồn gốc tài sản để thi hành án gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tài sản do phạm tội mà có đã bị chuyển dịch trái phép ra nước ngoài.

Tuy nhiên, từ thực tế trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng gần đây đã cho thấy, các cơ quan bảo vệ pháp luật hiện đang hướng tới một biện pháp thu hồi khác khá hiệu quả. Đó là vận động, thuyết phục người phạm tội, người thân của người phạm tội tự giác khắc phục hậu quả, nộp lại tài sản tham nhũng. Xét về lâu dài, biện pháp vận động, thuyết phục sẽ đem lại nhiều hiệu quả, thu hồi được nhiều hơn số tài sản thất thoát mà không cần kê biên, phong tỏa. Thế nhưng biện pháp này luôn đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vận dụng nhiều kinh nghiệm, kỹ năng cũng như sự quyết liệt, tâm huyết làm hết trách nhiệm, không nể nang, né tránh.

“Tất cả các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi đều được đưa ra xét xử kịp thời, đúng pháp luật. Việc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm và hình phạt được áp dụng theo đúng nguyên tắc pháp luật”. Đó là nghiêm khắc đối với những bị cáo chủ mưu, cầm đầu và khoan hồng đối với những bị cáo có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả và tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm…”.

Thẩm phán Trương Việt Toàn (Tòa án nhân dân TP Hà Nội)

“Từ thực tế trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng gần đây đã cho thấy, các cơ quan bảo vệ pháp luật hiện đang hướng tới một biện pháp thu hồi khác khá hiệu quả. Đó là vận động, thuyết phục người phạm tội, người thân của người phạm tội tự giác khắc phục hậu quả, nộp lại tài sản tham nhũng. Xét về lâu dài, biện pháp vận động, thuyết phục sẽ đem lại nhiều hiệu quả, thu hồi được nhiều hơn số tài sản thất thoát mà không cần kê biên, phong tỏa”.

Ông Lê Tiến (Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao)

“Chính sách hình sự là chủ trương xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật bằng hình sự, trong đó nhấn mạnh phải cân nhắc giữa hậu quả hành vi và thái độ khai báo, ý thức khắc phục hậu quả, thông qua các điều luật cụ thể trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Những người có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tự nguyện nộp lại số tiền đã chiếm đoạt, chắc chắn sẽ được áp dụng những quy định theo hướng giảm nhẹ. Bởi theo quy định, việc xử lý hình sự không gây bất lợi, song cũng không hạn chế theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo”.

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

(Còn tiếp)

Bài 4: Chống tham nhũng với quyết tâm, hiệu quả cao hơn