Gửi thông báo vi phạm Luật Giao thông đường bộ về nơi cư trú:
Hiệu quả thấp, do đâu?
(ANTĐ) - Sau gần 3 tháng thực hiện Thông tư 38 của Bộ Công an quy định việc gửi thông báo về công an phường, xã nơi cư trú của người vi phạm Luật Giao thông, có một thực tế đó là “thông báo gửi đi nhiều nhưng số phản hồi lại rất ít”. Điều này dẫn tới câu hỏi phải chăng quy trình xác minh, gửi và phản hồi hiện đang bị “lỗi”.
Người dân cần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông Ảnh: TRÍ BẢO |
Gửi gần 8.000, phản hồi 38
Thời gian đầu triển khai Thông tư, theo ghi nhận của PV và phản ánh của lực lượng CSGT, khó khăn vẫn phải kể tới đó chính là việc xác định đúng địa chỉ của người vi phạm để ra quyết định gửi thông báo về nơi cư trú. “Mặc dù vậy, đây không phải là trăn trở lớn nhất của các lực lượng trong đó có CSGT, bởi điều chúng tôi quan tâm nhất chính là công tác tiếp nhận, giải quyết và phản hồi của các cấp chính quyền cơ sở đối với những thông báo này như thế nào”-Trung tá Trần Ngọc Ánh-Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng CSGT cho biết.
Những băn khoăn của CSGT về vấn đề này không phải là không có căn cứ khi số liệu thống kê của Phòng CSGT tính từ ngày 29-11-2010 đến nay cho thấy, trong số 7.819 thông báo về công an các phường, xã nơi người vi phạm cư trú để phối hợp tuyên truyền, giáo dục trên tổng số 93.695 trường hợp vi phạm, chỉ có 38 thông báo được phản hồi. Trong tổng số 38 thông báo phản hồi có 2 thông báo của công an phường, xã nêu không xác định được người vi phạm.
Tại Đội CSGT số 5, trung bình mỗi tháng đơn vị cũng gửi đi 100 thông báo và cho đến nay mới chỉ nhận được 8 thông báo phản hồi trên tổng số 722 thông báo đã được gửi. Không chỉ riêng lực lượng CSGT, tình trạng thông báo “một đi không trở lại” cũng tương tự ở các đơn vị xử lý khác của CATP. Tại Đội CS113 số 1 của Phòng CSTT, trong tổng số 972 trường hợp thông báo được gửi đi thì chỉ có 55 thông báo được phản hồi.
Trách nhiệm cần rạch ròi
“Nếu như trong tháng đầu tiên thực hiện Thông tư, số thông báo phản hồi lại ít, chúng ta có thể đổ lỗi cho một số yếu tố khách quan như thời gian ngắn nên thông báo chưa đến được công an phường, xã nơi người vi phạm cư trú. Tuy nhiên, sau quãng thời gian gần 3 tháng, việc chậm trễ hoặc không có thông báo phản hồi từ công an phường, xã nơi người vi phạm cư trú, đặc biệt là ở những quận nội thành hoặc các tỉnh lân cận từ nguyên nhân trên cần phải được xem xét lại”-Trung tá Nguyễn Văn Quang-Đội phó Đội CS113-Phòng CSTT nhận định.
Những thông báo gửi đi cần phải có sự phản hồi từ các cấp chính quyền cơ sở |
Để thực hiện hiệu quả Thông tư 38, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng, cần xem xét, làm rõ những quy định và trách nhiệm của các đơn vị nhận thông báo. Theo quy định, công an xã, phường, thị trấn khi nhận được thông báo vi phạm có trách nhiệm vào sổ theo dõi và chuyển thông báo vi phạm đó đến tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn nơi cư trú của người vi phạm hoặc đến cơ quan, trường học nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên để kiểm điểm, giáo dục; nơi nhận thông báo có trách nhiệm báo lại cho cơ quan đã ra thông báo vi phạm theo phiếu báo.
Trường hợp người vi phạm không có địa chỉ cư trú, công tác, học tập như ghi trong thông báo vi phạm thì chuyển trả lại thông báo vi phạm đó cho nơi đã thông báo vi phạm. Mặc dù vậy, quy định trên còn thiếu hình thức xử lý rõ ràng đối với những nơi nhận được thông báo mà không phản hồi lại. Công tác giám sát, kiểm tra giữa các đơn vị chức năng cũng chưa được đề cập đến cụ thể. Điều này đã dẫn tới tình trạng có phần “thờ ơ” của không ít đơn vị nhận được thông báo; gây ảnh hưởng xấu đến công tác xử lý, tuyên truyền giáo dục người vi phạm.
Hoàng Phong