Hiểm họa từ thực phẩm

ANTĐ - Những thông tin liên tiếp về các vụ bê bối liên quan tới thực phẩm bẩn ở Trung Quốc thời gian qua đang làm dấy lên mối lo ngại của không chỉ người tiêu dùng quốc gia đông dân nhất thế giới này về mối lo an toàn thực phẩm.

Chính quyền Trung Quốc đang tiến hành điều tra về thông tin dùng formaldehyde giữ cho cải thảo tươi lâu

Cơ quan có trách nhiệm của Trung Quốc đang tiến hành điều tra thông tin về việc những người bán rau ở tỉnh Sơn Đông - một trong những vựa rau xanh lớn nhất nước - phun hoá chất độc hại formaldehyde lên bắp cải, cải thảo để giữ tươi lâu. Theo Tân Hoa xã, việc phun formaldehyde để bảo quản các loại rau này đã phổ biến ở miền Đông Trung Quốc từ nhiều năm nay bởi hầu hết các nông dân không có đủ khả năng sắm xe tải lạnh để bảo quản trong quá trình chuyên chở. 

Trong khi đó, formaldehyde - hoá chất thường được sử dụng để khử trùng và ướp xác - đã được giới chuyên môn xác định là một loại chất độc có khả năng gây ung thư, kích ứng da và các vấn đề về hô hấp... Từ năm 2008, Bộ Y tế Trung Quốc đã liệt chất này vào danh sách những chất phụ gia thực phẩm cấm sử dụng.

Trước thông tin bắp cải phun formaldehyde không lâu, người tiêu dùng Trung Quốc cũng đã xôn xao với thông tin Hòa Bình Xanh, một tổ chức bảo vệ môi trường chi nhánh Đông Á, tuyên bố họ đã phát hiện methonyl trong trà lài, trà xanh và trà Ô Long dạng túi lọc mang nhãn hiệu Lipton mua ngẫu nhiên tại các siêu thị ở Bắc Kinh cuối tháng 4 vừa qua. Methonyl là một loại thuốc trừ sâu cấm dùng trong ngành trồng trà, có thể làm tổn hại hệ nội tiết hoặc hệ sinh sản của nam giới.

Cho dù Văn phòng Unilever ở thành phố Thượng Hải sau đó có lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Hoà Bình Xanh, khẳng định sản phẩm của họ hợp chuẩn Trung Quốc và đã được kiểm định đàng hoàng, tuy nhiên, sự bác bỏ này chưa thuyết phục khi công ty này không đưa ra lời giải thích nào về những trường hợp cụ thể được đề cập tới.

Hàng loạt vụ bê bối mới đây càng làm cho người tiêu dùng Trung Quốc hoang mang, lung lay lòng tin vào hàng nội, từ thực phẩm đến dược phẩm, bởi trước đó, người dân nước này từng chấn động với những vụ scandal thực phẩm bẩn như chất tạo nạc trong thịt lợn, dầu bẩn... mà tai tiếng của nó còn vượt xa biên giới của quốc gia hơn 1,3 tỷ dân này.

Một trong những bê bối lớn nhất là vụ sữa nhiễm melamine khi có tới 6 trẻ em Trung Quốc tử vong và hơn 300.000 trường hợp khác phải nhập viện hồi năm 2008 do gặp phải những rắc rối lớn về sức khỏe khi dùng sữa công thức có chứa độc tố hóa học melamine. Đây là sự kiện gây phẫn nộ nhất đối với người dân Trung Quốc và thế giới, nó không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ra tổn thất kinh tế rất lớn với cả ngành công nghiệp sữa thế giới và sữa tại Trung Quốc nói riêng.

Hiện có quá nhiều cơ quan trực thuộc các bộ chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn thực phẩm (Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế) song khi có chuyện thì bộ này chỉ qua bộ kia, né tránh trách nhiệm. Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm cũng chưa hữu hiệu; các tội về thực phẩm bẩn không bị trừng phạt đích đáng, trừ những vụ án điểm như vụ sữa nhiễm melamine có 2 án tử hình còn hầu hết các vụ án khác đều được xử nhẹ.