Hiểm họa cháy, nổ từ những điểm bán xăng lẻ trên vỉa hè Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều ngày qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xuất hiện các “cửa hàng” bán xăng trên vỉa hè, nơi nhiều phương tiện qua lại. Hành vi này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ mà còn vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh, dự trữ hàng hoá nguy hiểm không đúng quy cách.
Tích trữ, rót xăng thô sơ tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao

Tích trữ, rót xăng thô sơ tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao

Hiểm họa khôn lường từ việc tích trữ xăng dầu, bán lẻ

Những ngày qua, lợi dụng sự khó khăn trong việc cung cấp xăng, dầu tại các cây xăng, nhiều người dân trên một số ngả đường tuyến phố Thủ đô đã “mở” cửa hàng xăng dầu tự phát, bán lẻ bên đường. Điều nguy hiểm nhất là các dụng cụ chứa xăng dầu của “điểm bán di động” rất sơ sài, chủ yếu bằng những chai, can nhựa. Việc làm này không đảm bảo an toàn PCCC, nguy cơ cháy, nổ về cách bán, chứa, dự trữ xăng dầu tại gia đình và nơi công cộng.

Việc chứa xăng dầu bằng các dụng cụ không đúng tiêu chuẩn, quy cách đã gây nguy hiểm, nhưng cách bán hàng, đổ xăng cho phương tiện lại càng nguy hiểm hơn. Bởi theo ghi nhận thực tế của phóng viên An ninh Thủ đô, ngay cạnh những “cây xăng” này là hàng loạt các hoạt động đông người, thậm chí bên cạnh hành động rót xăng vào bình cho người mua, vẫn có người ngồi ngay gần đó châm lửa hút thuốc lá, rít thuốc lào một cách “hồn nhiên”.

Hình ảnh những điểm bán xăng, dầu tự phát mấy ngày qua trở nên phổ biến trên khắp ngả đường Hà Nội, đặc biệt là các điểm cửa ngõ từ ngoại thành vào các quận nội thành. Muôn hình vạn trạng hình thức bán xăng chứa vào chai, can bày la liệt ở cả nơi đông người, bên hành lang vỉa hè phố cổ Hà Nội..., đang đe dạo đến đời sống, sinh hoạt của đông đảo người dân. Do đó, rất cần cơ quan quản lý có biện pháp hiệu quả để “giải toả” nỗi lo này.

Ghi nhận tại đường Giải Phóng, gần cổng khu vực Bệnh viện Bạch Mai, khi phóng viên An ninh Thủ đô hỏi một thanh niên là “chủ” điểm bán xăng tự phát có hiểu thế nào về an toàn cháy, nổ? - Người này thản nhiên nói: “Tôi thấy xăng dầu khan hiếm, người dân xếp hàng đông kín nhưng chỉ mua được hạn chế, nên tôi đã mua xăng ra đây bán lẻ cho người cần và không muốn chờ đợi tại cây xăng, chứ chả nghĩ gì hết”. Được hỏi, số xăng đầu này cất ở đâu khi không bán hết, người này cho biết: “Tôi để dưới gầm giường khu nhà trọ”.

Một người đang bán xăng và ngay bên cạnh có một người khác hút thuốc lá

Một người đang bán xăng và ngay bên cạnh có một người khác hút thuốc lá

Đây là hiểm họa không chỉ gây nguy hiểm cho cá nhân người cất, tích trữ xăng, dầu trong gia đình hay nơi ở trọ, mà còn đe dọa những người hàng xóm, bởi cách tích trữ nhiên liệu dễ cháy thô sơ như vậy.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội đưa ra khuyến cáo: “Mùa hanh khô đã tiềm ẩn cháy nổ cao thì mấy ngày qua xuất hiện tình trạng dự trữ, bán xăng tràn lan bên đường là cực kỳ nguy hiểm. Chỉ cần thấy cách rót xăng thủ công của người bán xăng ở ngoài đường không đúng quy cách, hơi xăng bốc lên gặp phải ai đó hút thuốc lá, dùng lửa trần bên cạnh là cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đề nghị người dân cần nâng cao ý thức chủ động phòng cháy, không nên tích trữ xăng dầu trong gia đình và bán lẻ tự phát thiếu an toàn như hiện nay”.

Đừng để xảy cháy mới lo phòng ngừa

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ do người dân tích trữ xăng dầu trong nhà. Ngày 8-2-2020, đám cháy bùng phát tại nhà ông N.V.V (48 tuổi), ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Lúc đầu chỉ là đám cháy nhỏ, ngọn lửa sau đó bén vào can chứa 12 lít xăng, bùng phát mạnh. Ông V bị thương nặng, đã được điều trị xuất viện nhưng bé gái 5 tuổi trong gia đình đã không qua khỏi. Thời điểm cháy, cháu bé hoảng loạn, lùi vào phòng nhỏ bên trong, đóng cửa kín nên bị chết ngạt. Nguyên nhân vụ cháy được xác định hệ thống điện nhà ông V gặp sự cố. Ngọn lửa bén vào can xăng ông V tích trữ để bán lẻ, dẫn đến cháy lớn gây ra hậu quả đau xót.

Mới đây, vụ cháy tại ngõ 132 phố Cầu Giấy, Hà Nội là minh chứng. Mặc dù không phải do tích trữ xăng trong can nhựa, nhưng xăng có trong xe máy để tầng 1 nên ngọn lửa đã cháy lớn và nhanh chóng bao trùm diện rộng đe dọa tính mạng nhiều … Những vụ như cho thấy sự bốc hơi của xăng trong phòng kín là vô cùng nguy hiểm, chỉ cần chập điện hoặc gặp tia lửa điện bật vào thời điểm xăng bốc hơi là có thể trở thành hiểm họa chết người.

Theo Luật PCCC 2001 sửa đổi bổ sung 2013, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu tích trữ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ bị phạt tiền từ 15 triệu đến 25 triệu đồng. Hành vi tàng trữ xăng dầu có thể chịu trách nhiệm hình sự với tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy", theo điều 313, mục 3, chương XXI, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tuỳ theo mức độ thiệt hại về người và tài sản, người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thể bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù, khung hình phạt cao nhất lên tới 12 năm tù khi vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, chết người.

Mỗi người bán đều bày ra lòng đường hàng chục chai xăng
Mỗi người bán đều bày ra lòng đường hàng chục chai xăng

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân không tích trữ xăng, dầu tại nhà để bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho gia đình. Trường hợp cơ sở, hộ gia đình cần thiết tích trữ xăng dầu thì phải có biện pháp bảo quản an toàn như: bảo quản trong khu vực độc lập (kho riêng), tuyệt đối không tồn chứa xăng dầu trong khu vực có người ở.

Khu vực tồn chứa xăng, dầu phải tránh ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ cao và thông thoáng để giảm sự bốc hơi, tích tụ của hơi xăng, dầu. Ngăn cách và cảnh báo để trẻ em và người khác không tiếp cận được khu vực tồn chứa xăng, dầu. Người dân không nên vì chút lợi trước mắt mà phải gánh chịu hậu quả nặng nề, khi sự cố hỏa hoạn xảy ra do tích trữ xăng, dầu trong nhà.