Hiểm họa cháy, nổ ở chung cư mini - nhận diện những lỗ hổng cần sớm bịt (1): Nhìn đâu cũng thấy… nguy cơ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời Tòa Soạn: Với diện tích nhỏ, mật độ cư dân đông, chung cư mini thường nằm ở các địa bàn nội đô hoặc ven đô nhưng có tốc độ đô thị hóa nhanh và đặc biệt tiềm ẩn phức tạp về hỏa hoạn. Thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, nguy cơ có thể dẫn đến cháy, nổ, từ ý thức cư dân sinh sống ở chung cư mini, đến trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền cơ sở; và những kiến nghị từng bước tháo gỡ, giải quyết mối nguy, đó là mục đích của tuyến bài “Hiểm họa cháy, nổ ở chung cư mini - nhận diện những lỗ hổng cần sớm bịt.

Những tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) tại chung cư mini lâu nay đã được chỉ ra, nhưng hình như vẫn chưa có một giải pháp xử lý tối ưu, chưa thấy những hành động mạnh mẽ để quản lý, hạn chế nguy cơ hỏa hoạn xảy ra.

Chưa cháy, vẫn lo

Nhắc lại vụ cháy xảy ra hôm 23-10 vừa qua, tại ngõ 132 phố Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, càng cảm nhận rõ việc sinh hoạt ở nhiều chung cư mini đang thực sự có vấn đề về cháy, nổ. Rất may trong vụ việc này, có 11 người bị mắc kẹt trong đám cháy đã được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH kịp thời cứu thoát.

Vụ hỏa hoạn tại chung cư mini 8 tầng tại phố Trung Kính, quận Cầu Giấy (tháng 11-2019) khiến nhiều người mắc kẹt

Vụ hỏa hoạn tại chung cư mini 8 tầng tại phố Trung Kính, quận Cầu Giấy (tháng 11-2019) khiến nhiều người mắc kẹt

Trên diện tích đất hơn 50m2, chủ nhà xây dựng tới 6 tầng 1 tum được chia làm 13 phòng cho thuê trọ. Chỉ tính sơ bộ mỗi phòng có 2 người ở thì tổng số đã có tới gần 30 người trong ngôi nhà này. Điều đáng lo ngại nhất, do điều kiện kinh tế, thu nhập thấp nên hầu hết số phòng trọ này vừa dùng để ở và nấu nướng trong không gian nhỏ hẹp đó. Hiểm họa cháy luôn rình rập, điều này có thể nhìn thấy từ chính cách sinh hoạt, chứa đồ và lối thoát hiểm bị bịt kín bởi “chuồng cọp” bằng kim loại.

Hầu hết tất cả các nhà dạng chung cư mini đều có một điểm rất giống nhau, đó là khi xảy cháy ở dưới tầng 1 thì coi như sự sống của số đông người dân phía trên bị đe dọa, gặp nguy hiểm, không biết thoát nạn đi đâu. Khói, lửa từ tầng 1 sẽ bốc theo cầu thang lên trên cao. Cầu thang đã nhỏ hẹp, người trong phòng chạy ra thì bị lửa, khói gây ngạt, ở ban công phòng ở thì lồng sắt, “chuồng cọp” hàn chết cứng. Khi ấy, mỗi cá nhân đều rơi vào trạng thái vô vọng, hoảng sợ.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm phân tích: “Ngôi nhà khi xin phép xây dựng thì chỉ thiết kế cho một gia đình sử dụng, nhưng sau đó thực tế lại chuyển sang mục đích cho thuê với số lượng nhiều người ở, cùng chung sinh hoạt, tất yếu tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Hệ thống điện trong ngôi nhà khó đáp ứng được nhu cầu của đông người sinh hoạt. Do đó, tần suất quá tải của dây dẫn trong thời gian dài có thể dẫn đến chập, cháy. Chưa kể kèm theo đó xăng xe bốc hơi trong không gian hẹp, tích trữ thành khí và rất dễ bén lửa, chỉ cần gặp tia lửa điện cũng bùng phát thành đám cháy”.

Cũng theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, điều đáng lo ngại phần lớn các vụ cháy đều xảy ra về đêm, rạng sáng. Đây là thời điểm dễ thiệt hại về người nhất bởi khi đó tất cả đều đã ngủ say, ngọn lửa bùng phát lớn mới phát hiện.

Vụ hỏa hoạn tại chung cư mini ngõ 132, phố Cầu Giấy, quận Cầu Giấy khiến 11 người bị mắc kẹt được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cứu thoát nạn an toàn

Vụ hỏa hoạn tại chung cư mini ngõ 132, phố Cầu Giấy, quận Cầu Giấy khiến 11 người bị mắc kẹt được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cứu thoát nạn an toàn

Công tác quản lý vẫn lúng túng

Chung cư mini xuất hiện trên địa bàn Hà Nội cũng khoảng 20 năm trở lại đây, nhưng tới giờ, công tác quản lý vẫn cho thấy sự lúng túng.

Chung cư mini như một giải pháp tối ưu dành cho những người thu nhập thấp có nơi sinh sống và cũng mang lại nhiều lợi nhuận cho người bán hoặc cho thuê. Tuy nhiên, một phần do công tác quản lý không chặt chẽ và cũng một phần do chỉ chú trọng lợi ích trước mắt về kinh tế mà người kinh doanh đã “quên” sự an toàn về PCCC của công trình. Nhà đầu tư chăm chăm tìm mọi cách để xây dựng được chung cư mini cao nhất, nhiều phòng nhất, rồi rao bán, cho thuê, còn hậu quả thì người mua tự… chịu. Chính vì vậy, hiện nay, có nhiều công trình cơ quan chức năng không tìm thấy chủ nhân chính để làm việc, yêu cầu khắc phục tồn tại, vi phạm về PCCC đảm bảo sự an toàn cho người dân.

Có một thời gian, chung cư mini mọc như nấm sau mưa. Điển hình như địa bàn quận Cầu Giấy, theo thống kê có đến hơn 2.000 công trình dạng này. Qua các đợt kiểm tra an toàn PCCC hay điều kiện kinh doanh thì đều là con số 0 tròn trĩnh: Không thẩm duyệt, nghiệm thu công trình, không lối thoát nạn thứ hai, không đầy đủ hệ thống chữa cháy…

Nhiều người đặt câu hỏi công tác thẩm duyệt nghiệm thu về PCCC đối với công trình chung cư mini ra sao? Vì sao không đủ điều kiện vẫn được xây dựng và hoạt động, tồn tại?. Qua tìm hiểu được biết hầu hết các công trình này đều đã bị yêu cầu đình chỉ hoạt động. Thế nhưng, do lợi nhuận và không hiểu vì lý do gì, các chủ cơ sở vẫn chây ỳ, không khắc phục tồn tại hoặc không thể khắc phục được.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy cho biết: “Khi xin phép xây dựng, chủ nhà thường xin dạng nhà để ở, rồi sau đó chuyển công năng, mục đích sử dụng cho thuê căn hộ. Bởi trên thực tế không có quy định nào cấp giấy phép cho xây chung cư mini, nhưng lại không cấm người dân xây nhà ở, đó là lý do dẫn đến thực trạng như hiện nay”.

Để chấn chỉnh thực trạng chung cư mini xây dựng, mua bán tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp năm 2020, Bộ Xây Dựng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, nhấn mạnh tại một số địa phương xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, các hộ gia đình, cá nhân đã tự ý xây dựng công trình nhà riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ mà không tuân thủ các quy định của pháp luật, như xây dựng không phép, xây dựng sai phép, xây dựng sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng... rồi tự do mua bán, chuyển nhượng. Bộ Xây dựng cho rằng, nếu không siết chặt quản lý sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư; quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; không cấp được Giấy chứng nhận sở hữu cho người mua căn hộ do vi phạm về thiết kế, mật độ xây dựng, dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện giữa người mua và người bán.

Về công tác thẩm duyệt nghiệm thu công trình này, Trung tá Vũ Trọng Sang - Phó Trưởng CAQ Cầu Giấy nêu rõ: “Không đầy đủ hồ sơ theo quy định thì đồng nghĩa với việc không thể thẩm duyệt nghiệm thu về PCCC. Đối với những công trình dạng này, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng đã đưa ra biện pháp hướng dẫn, tuyên truyền, chỉ rõ tồn tại để chủ cơ sở khắc phục. Tuy nhiên, hiện nay các công trình dạng này vẫn thuộc diện nhà ở nên việc lập biên bản đình chỉ hoạt động, xử phạt theo quy định rất khó khăn. Việc tìm chủ sở hữu để làm việc đã khó và việc “cấm cửa” không hoạt động với dạng công trình này thì khó hơn, gần như không thể thực hiện được với lý do không ai “mời” được người dân ra khỏi công trình, mặc dù nó vi phạm”.

(Còn tiếp)