Hi Lạp trình lên chủ nợ đề xuất cải cách kinh tế mới

ANTĐ - Hi Lạp vừa trình lên các nhà tín dụng quốc tế bản đề xuất cải cách kinh tế nhằm giải cứu nước này khỏi phá sản, theo văn phòng báo chí của Eurogroup.

“Bản đề xuất mới đã được nhận bởi Chủ tịch Eurogroup, Jeroen Dijsselbloem”, Michel Reijns, người đại diện của ông Dijsselbloem, lãnh đạo nhóm các bộ trưởng tài chính các nước Eurozone, cho hay.

Hi Lạp đã đồng ý cắt giảm lương hưu và tăng thuế để đổi lấy cứu trợ

Ông Dijsselbloem sẽ không đưa ra bất kì lời nhận xét nào cho đến khi nội dung của đề xuất được xem xét thấu đáo bởi các cơ quan có trách nhiệm. 

Bản đề xuất này được đưa ra ngay trước khi hết hạn chót là vào đêm ngày 9-7. Sau khi xem xét, quốc hội EU sẽ bỏ phiếu thông qua lời đề nghị của Athens vào hôm 10-7.

Hi Lạp được cho là muốn một khoản vay trị giá 53,5 tỉ euro trong gói cứu trợ mới cho đến tháng 7-2018. Mặc dù, nội dung của đề xuất vẫn được giữ kín, tuy nhiên, một nguồn tin cho biết, Hi Lạp đồng ý cải cách lại vấn đề lương hưu, bãi bỏ việc về hưu sớm và tăng thuế, để đổi lại một kế hoạch cứu trợ trong vòng 3 năm. Ngân sách quốc phòng cũng được cắt giảm đi 100 triệu USD trong năm 2015 và 200 triệu USD trong năm 2016.

Vào hôm 8-7, Hi Lạp đã đề nghị các chủ nợ đưa ra một gói cứu trợ trong vòng 3 năm từ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) với việc hứa sẽ đưa ra một kế hoạch chi tiết về việc cải tổ kinh tế trước ngày 9-7. Khác với quan điểm trước đây, lần này Athens đã nêu lên một số biện pháp để trao đổi, trong đó có việc cải tổ lại chính sách thuế và sẵn sàng cắt giảm tiền lương hưu ngay trong tuần sau.

Mắc kẹt trong cuộc đàm phán với Athens, EU đã thúc giục Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras tìm ra một giải pháp nhằm ngăn nước này phải rời khỏi Eurozone.

Sau khi không trả được khoản nợ 1,6 tỉ euro cho IMF vào hạn chót 1-6, Hi Lạp đã trở thành quốc gia phát triển đầu tiên trên thế giới vỡ nợ theo các quy định quốc tế.