Hết mình vì nhân dân trong bão lũ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi bài báo này đến với tay bạn đọc, nhiều nơi ở thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) vẫn đang bị ảnh hưởng vì ngập lụt. Chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, đặc biệt là Công an thị trấn vẫn đang ngày đêm túc trực ứng cứu, san sẻ cùng người dân để vượt qua khó khăn. Là một trong những chỉ huy của Công an thị trấn Kiện Khê, Trung tá Thái Thị Phương Lan chưa một ngày ngơi nghỉ từ khi lũ lụt dâng cao.
Trung tá Thái Thị Phương Lan tích cực hỗ trợ người dân nhận quà chuyển về khu vực hứng chịu ngập lụt nặng nề

Trung tá Thái Thị Phương Lan tích cực hỗ trợ người dân nhận quà chuyển về khu vực hứng chịu ngập lụt nặng nề

Trận lụt lịch sử

Đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô có mặt ở Kiện Khê vào một ngày cuối tháng 9 khi bốn bề nơi đây còn mênh mông nước. Đây là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão số 3 tại tỉnh Hà Nam. Hoàn lưu sau bão khiến nước sông Đáy dâng cao gây ngập lụt diện rộng, có nơi lên đến 1,5m - 2m. Nhiều công trình hư hỏng nặng do nước lũ, chủ yếu là trụ sở các cơ quan, tổ chức, trường học, trạm y tế và các cơ sở tôn giáo. Hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng do không có nước sạch và nguồn điện bị cắt để đảm bảo an toàn. Lực lượng chức năng hay các đoàn cứu trợ, thiện nguyện muốn di chuyển vào để tiếp cận nhà dân, đều phải đi bằng thuyền.

Gạt tay lên trán còn lấm tấm mồ hôi trên chiếc thuyền hướng vào tâm ngập lụt, Trung tá Thái Thị Phương Lan - Phó trưởng Công an thị trấn Kiện Khê kể cho chúng tôi nghe về trận lụt chưa từng xảy ra ở nơi đây sau hàng chục năm: “Bà con ở Kiện Khê, nhất là những người có tuổi, đều nói rằng chưa từng thấy trận lụt nào lớn như vậy. Cơn bão cũng như trận lụt này gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân, lúa và hoa màu đều chìm trong nước. Kiện Khê có nghề chính là sản xuất vôi và đá xây dựng. Nhưng nước bao trùm nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị khiến mọi hoạt động kinh doanh tê liệt, thiệt hại là khó đo đếm vào thời điểm này”.

Theo Trung tá Thái Thị Phương Lan, Công an thị trấn Kiện Khê đã phải huy động 100% quân số ứng trực trong suốt thời gian chống lũ cùng người dân. Nhiều gia đình có người già và trẻ em mắc kẹt, công an thị trấn và lực lượng chức năng đều hỗ trợ đưa mọi người đến điểm cao tránh trú. Nhiều tài sản có giá trị của bà con cũng được các cán bộ, chiến sĩ di dời đến nơi an toàn, mang lại sự an tâm tuyệt đối. Chính quyền địa phương, công an và các lực lượng chức năng ở Kiện Khê vẫn đang ngày ngày cố gắng, nỗ lực ứng cứu, hỗ trợ để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân, với tinh thần ‘không để ai bị bỏ lại phía sau” - Trung tá Phương Lan chia sẻ.

Đoàn công tác trên chiếc thuyền đặc biệt hướng vào tâm ngập lụt ở thị trấn Kiện Khê

Đoàn công tác trên chiếc thuyền đặc biệt hướng vào tâm ngập lụt ở thị trấn Kiện Khê

Giỏi việc nước, đảm việc nhà

Trong đợt ngập lụt lịch sử, bất chấp nước lũ dâng cao, hiểm nguy rình rập đe dọa sự an nguy của bản thân, các cán bộ, chiến sĩ Công an thị trấn Kiện Khê vẫn không quản ngại khó khăn với mục đích cuối cùng là để người dân được an toàn. Đơn vị neo người, chính vì thế dù là nữ giới nhưng Trung tá Thái Thị Phương Lan luôn tâm niệm phải đặt nhiệm vụ lên trên hết, vì sự bình yên của nhân dân. Trong những ngày lũ lụt hoành hành, Trung tá Phương Lan cùng đồng đội chèo xuồng đến từng nhà, rồi vượt tường thậm chí phải phá khóa để đưa nhiều người dân ra ngoài. Họ đã trở thành chỗ dựa tin cậy, là niềm hy vọng của bà con trong thời điểm gian khó nhất. “Người dân ở Kiện Khê bày tỏ sự cảm kích trước những hỗ trợ kịp thời không biết mệt mỏi từ chính quyền, công an và lực lượng chức năng. Và cũng thật khó để kể hết những tấm gương dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ Công an thị trấn Kiện Khê trong ứng cứu, hỗ trợ nhân dân trong bão lũ. Chúng tôi chỉ biết làm hết sức mình vì sự bình yên của người dân” - Trung tá Phương Lan nói.

Không một ngày ngơi nghỉ kể từ khi lũ về, những lúc đi sớm về hôm, những bữa cơm gia đình vội vã là chuyện thường nhật, nhưng Trung tá Phương Lan chưa bao giờ cảm thấy bị đánh gục bởi những khó khăn. Với chị, dù còn một người dân địa phương trong trạng thái “chưa an toàn” là lòng chị lại như lửa đốt, bồn chồn không yên. Trung tá Phương Lan chia sẻ chị may mắn có chồng và các con thấu hiểu, cảm thông với công việc của vợ, của mẹ vào thời điểm này. Trong bão lũ, công việc ấy lại càng nặng nề và hiểm nguy hơn, nhưng chị luôn có điểm tựa vững chắc là gia đình. “Chồng tôi rất tôn trọng và hiểu công việc của vợ. Có những lúc đi thuyền vào hỗ trợ bà con, anh lại gọi điện động viên và dặn vợ cẩn thận từ những điều nhỏ nhất như mặc áo phao. Đó là điều khiến tôi càng cảm thấy yêu gia đình và công việc của mình hơn. Chồng tôi nói nhớ những bữa cơm vợ nấu, nhưng anh cũng hiểu rằng để có trở lại những bữa cơm ấy thì ở ngoài kia, người dân trước tiên phải vượt qua bão lũ an toàn đã” - Trung tá Phương Lan nói.

Nhiều ngày sau cơn bão số 3, thị trấn Kiện Khê vẫn chìm trong mênh mông nước

Nhiều ngày sau cơn bão số 3, thị trấn Kiện Khê vẫn chìm trong mênh mông nước

Thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam rất nổi tiếng với Vương cung Thánh đường Sở Kiện, hay còn được gọi là Nhà thờ Kẻ Sở. Đây là nhà thờ Công giáo Roma thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội. Vương cung Thánh đường Sở Kiện được xây dựng theo kiến trúc vòm cao vút cổ điển phương Tây từ trần đến cửa. Đây là trung tâm hành hương của Giáo phận Hà Nội, từng giữ vai trò Nhà thờ Chính tòa của Tổng Giáo phận từ năm 1882 đến 1936. Cái tên Sở Kiện được ghép từ tên của làng Sở (hay Ninh Phú) chuyên làm ruộng và làng Kiện (hay Kiện Khê) chuyên nghề buôn bán, nung vôi.