Hết công kích Izumo, Trung Quốc chuyển sang săm soi F-35B

ANTĐ - Tiếp theo loạt bài phản đối quyết liệt việc Nhật hạ thủy tàu sân bay trực thăng DDH-183 Izumo lớp 22DDH, tờ Thời báo Hoàn Cầu lại quay sang xăm soi tiến độ thử nghiệm của F-35B. Đây là loại máy bay chiến đấu mà Trung Quốc cho rằng, nó sẽ được triển khai trên tàu sân bay Izumo trong tương lai.

Ngày 06/08 vừa qua, tàu sân bay lớn nhất của Nhật Bản DDH-183 mang tên Izumo được hạ thủy, đã gây ra một cơn địa chấn ở khu vực đông Á và làm dấy lên một làn sóng phản đối trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Thế nhưng, không dừng lại ở đó, ngay ngày hôm sau (07/08), các phương tiện truyền thông của Nhật cho biết, nước này sẽ tiếp tục đóng chiếc tàu sân bay thứ 2 tương tự như Izumo.

Các phương tiện truyền thông Nhật Bản và Trung Quốc đều cho rằng, trong tương lai DDH-183 Izumo sẽ được trang bị F-35B. Căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa Bộ Quốc phòng Nhật và chính phủ Mỹ, lô máy bay F-35 đầu tiên sẽ được bàn giao cho Nhật vào năm 2016, nếu Nhật trang bị phiên bản F-35B trên tàu sân bay này, năng lực tác chiến thống nhất không - hải, của lực lượng phòng vệ Nhật sẽ được nâng lên rất mạnh.

Ngày hôm qua (08/08), tờ Thời báo Hoàn Cầu đã viện dẫn thông tin của các phương tiện truyền thông Mỹ cho biết, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35B, do Hãng chế tạo vũ khí Lockheed Martin thiết kế và chế tạo đã hoàn tất lần thử nghiệm cất, hạ cánh thứ 500 trên tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp vào ngày 03/08 vừa qua. Ngày nó được biên chế chính thức trên các tàu đổ bộ tấn công không còn xa nữa.

Hết công kích Izumo, Trung Quốc chuyển sang săm soi F-35B  ảnh 1

Viễn cảnh DDH-183 Izumo mang theo F-35B tung hoành trên biển làm Trung Quốc lo lắng


Hiện nay, các chuyên gia quân sự đánh giá có 2 hướng sử dụng tàu sân bay Izumo của Nhật. Một là sử dụng nó làm một phương tiện chuyên chở máy bay trực thăng vận chuyển hải quân đánh bộ, đổ bộ tấn công tầm xa. Bởi vì các đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc đều có diện tích rất nhỏ, không tiện triển khai mô hình đổ bộ tấn công quy mô lớn, sử dụng nó làm phương tiện vận chuyển trực thăng, sẽ nâng cao hiệu quả của phương thức đổ bộ vuông góc hoặc đổ bộ lập thể.

Thứ 2 là sử dụng theo mô hình tàu đổ bộ tấn công máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Biên chế kiểu này sẽ tăng cường khả năng tấn công mặt đất và kiểm soát không phận, có vai trò cực kỳ quan trọng tác chiến đổ bộ quy mô lớn. Hiện nay, Nhật Bản cũng có các tàu đổ bộ trực thăng lớp Hyuga có khả năng mang theo các máy bay vận tải đổ bộ MV-22 Osprey, nếu sử dụng theo cách thứ nhất sẽ lãng phí chức năng tấn công của DDH-183.

Vì vậy, sử dụng Izumo theo hướng thứ 2 là hợp lý và cực kỳ hiệu quả, vì hiện nay Nhật chưa có phương tiện mang máy bay tác chiến tầm xa. Nếu các tàu đổ bộ lớp 22DDH được sử dụng theo hướng này sẽ là cánh tay nối dài, nâng tầm tác chiến cho máy bay Nhật Bản, khống chế toàn bộ biển Hoa Đông. Đây cũng là mô hình tác chiến mà Trung Quốc sợ nhất.

Hết công kích Izumo, Trung Quốc chuyển sang săm soi F-35B  ảnh 2

F-35B đang thử nghiệm cất, hạ cánh trên tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp của hải quân đánh bộ Mỹ


F-35B là phiên bản F-35 cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (VTOL). Bắt đầu từ tháng 3/2010, sau khi F-35B hoàn tất lần cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng đầu tiên tại Trạm thử nghiệm hải quân, tại căn cứ Patuxent River đến nay, nó đã hoàn tất thành công 500 cuộc thử nghiệm trong khoảng thời gian 3 năm 6 tháng.

Theo kế hoạch, ngay trong tuần sau F-35B sẽ bắt đầu triển khai thử nghiệm giai đoạn 2 (DT-2) trên tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp. Thử nghiệm giai đoạn 2 chủ yếu giúp F-35B kiểm nghiệm các tính năng, thuộc khái niệm tác chiến trên tàu đổ bộ tấn công, trong lực lượng hải quân đánh bộ Mỹ. Đây là giai đoạn quyết định để nó chính thức trở thành một thành viên của lực lượng này, sau đó sẽ được bàn giao cho các đồng minh của Hoa Kỳ.

Nếu như F-35B hoàn thành thuận lợi thử nghiệm giai đoạn 2 tức là thành thục chức năng của 1 tiêm kích trên tàu đổ bộ tấn công, thì dự kiến nó sẽ được biên chế chính thức cho lực lượng hải quân đánh bộ Mỹ vào năm 2015. Sợ viễn cảnh F-35 cất cánh trên tàu sân bay Nhật, nên các phương tiện truyền thông Trung Quốc quay sang săm soi tiến độ thử nghiệm của F-35B cũng là điều dễ hiểu.