HDBank dự kiến dành tối đa 9.000 tỷ đồng để tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - HĐQT HDBank trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt chủ trương việc HDBank thực hiện góp vốn điều lệ, với mức không quá 9.000 tỷ đồng vào một ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

HĐQT Ngân hàng HDBank vừa công bố Tờ trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc tham gia chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Theo đó, HĐQT HDBank trình Đại hội đồng cổ đông xem xét thông qua chủ trương HDBank tham gia thực hiện tái cơ cấu một tổ chức tín dụng theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại cổ phần được kiểm soát đặc biệt.

Nội dung cơ bản của việc nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém như sau: Sau khi HDBank nhận chuyển giao bắt buộc, ngân hàng thương mại (NHTM) được chuyển giao bắt buộc hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.

ĐHĐCĐ phê duyệt chủ trương việc HDBank thực hiện góp vốn điều lệ, với mức không quá 9.000 tỷ đồng vào NHTM được chuyển giao bắt buộc tại ngày chuyển giao bắt buộc và tiếp tục thực hiện việc góp vốn phù hợp với lộ trình của Phương án nhận chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.

HDBank lên kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại trong diện kiểm soát đặc biệt

HDBank lên kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại trong diện kiểm soát đặc biệt

NHTM được chuyển giao bắt buộc là pháp nhân độc lập với HDBank, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính. HDBank được loại trừ ngân hàng được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất.

Khoản góp vốn vào NHTM được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giám giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của HDBank.

HDBank tham gia hỗ trợ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc về quản trị, điều hành, hỗ trợ hạ tầng công nghệ, quản trị rủi ro và các biện pháp hỗ trợ khác phù hợp với Phương án nhận chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.

Trong thời gian thực hiện Phương án, HDBank được xử lý phần vốn góp, xử lý cổ phần dưới các hình thức phù hợp hoặc sáp nhập theo Phương án nhận chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.

Theo HĐQT HDBank, việc tái cơ cấu này sẽ giúp NHTM được chuyển giao bắt buộc dần khôi phục hoạt động bình thường, không còn trong diện được kiểm soát đặc biệt, trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục, an toàn và phát triển.

Đối với HDBank, HĐQT Ngân hàng cho rằng, việc thực hiện nhận chuyển giao bắt buộc NHTM vừa nhằm thực hiện nhiệm vụ đối với ngành ngân hàng, vừa giúp HDBank có cơ hội bứt phá để tăng trưởng quy mô cao hơn.

Đặc biệt, việc hỗ trợ cơ chế ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm giúp HDBank có thể tăng trưởng đột phá, chiếm lĩnh thị trường và trở thành một trong các ngân hàng top đầu trong 5 năm tới.

HĐQT Ngân hàng cũng cho biết, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền sẽ giúp HDBank nâng cao năng lực tài chính, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn vốn trong hoạt động, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng, tác động có thể xảy ra trong quá trình nhận chuyển giao bắt buộc.

Bên cạnh đó, việc tham gia tái cơ cấu sẽ giúp HDBank mở rộng, tối ưu mạng lưới kênh phân phối, tăng độ bao phủ phục vụ khách hàng theo chiến lược bán lẻ và chuyển đổi số của HDBank.

Chính sách cổ tức, phân phối lợi nhuận và các quỹ của HDBank không phụ thuộc hoặc ảnh hưởng bởi việc nhận chuyển giao bắt buộc này và độc lập với kết quả kinh doanh của NHTM được chuyển giao bắt buộc trong thời gian thực hiện phương án nhận chuyển giao bắt buộc.

Hiện chưa rõ ngân hàng yếu kém mà HDBank nhắm đến trong chủ trương tái cơ cấu này. Trong số 4 ngân hàng thương mại trong diện kiểm soát đặc biệt, OceanBank và CBBank đã có phương án xử lý chuyển giao bắt buộc cho các ngân hàng thương mại lớn là MB và Vietcombank. Hai ngân hàng còn lại là GPBank và DongABank.