Đã có phương án tái cơ cấu Ocean Bank và CBBank

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính phủ đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và DongABank; trong đó đã có phương án xử lý đối với CBBank và Ocean Bank.

Đây là một trong những nội dung mà Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong đó, Chính phủ cho biết, trong năm 2021 đã tích cực triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Trong đó, Chính phủ đã tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và xây dựng, hoàn thiện Đề án cho giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu phù hợp với diễn biến dịch bệnh; tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng để hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro...

Đặc biệt, Chính phủ đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongABank), tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện phương án cơ cấu lại theo định hướng mới, trong đó đã có phương án xử lý đối với Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank).

Phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đang được hoàn thiện

Phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đang được hoàn thiện

Theo thông tin được tiết lộ qua kỳ đại hội cổ đông vừa qua, Vietcombank và MB là hai ngân hàng đã được lựa chọn để tham gia tái cơ cấu hai ngân hàng yếu kém theo hình thức chuyển giao bắt buộc.

Nguyên tắc chuyển giao bắt buộc là các tổ chức tín dụng này sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính vào báo cáo tài chính hợp nhất của hai ngân hàng nhận chuyển giao.

Hai ngân hàng nhận chuyển giao sẽ không góp vốn vào tổ chức tín dụng trong thời gian tổ chức tín dụng còn lỗ lũy kế, đồng thời, không chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của các tổ chức tín dụng àny trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.

Vietcombank và MB sẽ tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ tại Phương án chuyển giao bắt buộc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, cả hai bên nhận chuyển giao và được chuyển giao đều được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại Phương án chuyển giao bắt buộc.

Được biết, ngoài Vietcombank và MB thì 2 ngân hàng khác là VPBank và HDBank cũng có tờ trình ủy quyền cho HĐQT xem xét tham gia chương trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố.