“Hãy tặng một liều vaccine Covid-19”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
ANTD.VN - “Vaccine. Vaccine. Vaccine Covid-19”. Ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 đến tận thời điểm này, giới chuyên gia y tế toàn cầu không ngừng nhắc đến cụm từ “vaccine Covid-19”. Tại sao vậy? Vì một kịch bản tồi tệ có thể sẽ diễn ra, đó là vaccine Covid-19 tiếp tục được sản xuất, song phần lớn chúng chỉ đến được các quốc gia giàu có đủ khả năng để mua vaccine. Còn người dân ở những nước nghèo, họ có “bị bỏ lại phía sau”? Mắc bệnh và không có vaccine cứu chữa?

Quãng đường còn quá dài…

Mùa thu. Năm 2020. COVAX đặt ra mục tiêu rõ ràng - mua 2 tỷ liều vaccine và phân phối đến các quốc gia thiếu vaccine trước cuối năm 2021.

Mùa hè. Năm 2021. Chính xác là đến cuối tháng 5. COVAX mới chuyển giao được hơn 68 triệu liều (đi được 3,4% quãng đường để đạt được mục tiêu nói trên).

Khoảng 1,5 tỷ liều vaccine đã được phân phối trên toàn thế giới. Và chỉ 0,3% trong số đó đến được các quốc gia thu nhập thấp.

Cố vấn kỳ cựu thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách về chương trình COVAX - ông Bruce Aylward chia sẻ: “Mọi người hỏi tôi, điều gì khiến tôi tỉnh giấc vào ban đêm? Biến chủng của virus?”. Không. Đó là tình trạng bất bình đẳng trong vấn đề cung vaccine toàn cầu. COVAX đã rất nỗ lực. Họ đã đưa được những liều vaccine “cứu mạng” tới 124 quốc gia, từ Argentina tới Zambia và thuyết phục các nước giàu ra tay giúp đỡ. Phó Chủ tịch phụ trách vấn đề y tế toàn cầu tại Quỹ COVAX - bà Kate Dodson khẳng định: “COVAX là một công cụ thiết yếu. Tôi cho rằng điều này là không cần bàn cãi. Tuy nhiên, chương trình này đang khá chật vật hiện nay”.

Đâu là nguyên nhân khiến COVAX gặp khó khăn?

Giới chuyên gia xác định 3 rào cản chính: “Tiền - Nguồn cung vaccine - Sự sẵn lòng chia sẻ vaccine toàn cầu”. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đây đều là những vấn đề có thể giải quyết được. Và mỗi cá nhân có thể làm gì đó để chung tay giải quyết vấn đề.

WHO là 1 trong 3 tổ chức chỉ đạo chương trình COVAX. Hai tổ chức còn lại là Gavi - một đối tác công - tư đi đầu trong nỗ lực tiêm chủng tại các quốc gia đang phát triển và Liên minh đổi mới sẵn sàng ứng phó dịch bệnh - một tổ chức hợp tác quốc tế có mục tiêu sản xuất vaccine nhanh chóng khi dịch bệnh bùng phát. 3 tổ chức đã hợp tác nhằm xây dựng COVAX trở thành một cơ cấu thu hút tài chính độc nhất không vì lợi nhuận. COVAX được thiết kế để hoạt động như một quỹ tương hỗ chỉ dành riêng cho vaccine. Ý tưởng ở đây là các quốc gia thu nhập cao sẽ góp quỹ tài trợ công tác nghiên cứu và phát triển một danh mục gồm nhiều “ứng cử viên” vaccine khác nhau. Khoản đầu tư này sẽ giúp tăng khả năng tìm ra được một vaccine hiệu quả và phát triển loại vaccine này để sau đó cung cấp miễn phí cho 92 quốc gia thu nhập thấp không có khả năng mua vaccine.

Để triển khai hiệu quả cơ chế này như mong muốn ban đầu, cần có đủ số nước giàu tham gia đầu tư cho cơ chế COVAX và cam kết nhận vaccine thông qua quỹ này. Tuy nhiên, nhiều Chính phủ lại thực hiện các thỏa thuận song phương riêng lẻ với các công ty như Pfizer và Moderna, làm đình trệ quá trình triển khai những hợp đồng sản xuất lượng lớn vaccine dự kiến sản xuất trong năm 2021 theo cơ chế COVAX. Hệ quả là cơ chế Covax đã không nhận được đủ số vốn cần thiết ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch để có thể triển khai việc mua và cung cấp vaccine cho các nước nghèo.

COVAX muốn các quốc gia giàu có chia sẻ những liều vaccine Covid-19 đã được chuyển giao cho họ để nhường lại cho các quốc gia đang cần vaccine khẩn cấp hơn

COVAX muốn các quốc gia giàu có chia sẻ những liều vaccine Covid-19 đã được chuyển giao cho họ để nhường lại cho các quốc gia đang cần vaccine khẩn cấp hơn

COVAX: Thiếu vốn và nguồn nguyên liệu thô

Giám đốc chính sách y tế toàn cầu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu - một nhóm chuyên gia hoạt động phi lợi nhuận có trụ sở tại London và Washington - bà Amanda Glassman khẳng định: “Vấn đề chính hiện nay đó là thiếu vốn và vốn đến quá trễ. Nếu COVAX có đủ tiền ngay từ tháng 3-2020, thì việc chuyển giao vaccine có lẽ đã khác. Nếu có đủ tiền thì COVAX đã có thể dự trữ được vaccine trong khoảng thời gian từ tháng 3-7-2020”.

COVAX đã thiếu vốn để triển khai hoạt động mua vaccine. Và hiện nay, cơ chế này thậm chí còn không có nguồn vốn để mua đủ số liều vaccine đủ để tiêm cho 20% dân số ở mỗi quốc gia thu nhập thấp, thuộc nhóm nhân viên y tế và những người dễ bị lây nhiễm, trước cuối năm 2021. Để thực hiện được điều này, nó cần huy động thêm 2,6 tỷ USD.

Vấn đề vốn vẫn là rào cản trước tiên của COVAX. Vấn đề cấp thiết hiện nay đó là COVAX phải huy động thêm vốn bởi cơ chế này cần tiền mặt để mua thêm những liều vaccine đang bắt đầu được rao bán trực tuyến như Novavax và Sinopharm. Đến trước tháng 6-2021, COVAX cần ít nhất 1,6 tỷ USD trên mức vốn đảm bảo hiện nay mới có thể “chốt đơn” cho năm 2021 và đầu năm 2022. Nếu không, vaccine sẽ bị các nước giàu “nẫng tay trên” giống như họ từng làm hồi năm 2020.

Thách thức lớn thứ 2 mà COVAX đang đối mặt đó là vaccine và nguồn nguyên liệu thô để sản xuất ra chúng hiện đang rất thiếu thốn. Điều này xảy ra một phần do các nước giàu đã mua rất nhiều vaccine từ sớm, như đã đề cập ở trên. Một lý do khác đó là đại dịch khiến kế hoạch sản xuất gặp khó khăn. Nhà cung cấp chính cho Covax là Viện Serum của Ấn Độ, tổ chức đang sản xuất vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, với tình hình đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại Ấn Độ, nguồn cung vaccine của nước này đã được chuyển sang phục vụ trong nước. Lệnh hạn chế xuất khẩu đồng nghĩa với việc COVAX hiện nhận được ít vaccine hơn kỳ vọng và buộc phải hoãn việc cung cấp vaccine cho các quốc gia.

Trong bối cảnh nguồn cung vaccine vẫn là một bài toán nan giải thì giới chức các công ty dược phẩm chế tạo vaccine trên thế giới như Moderna hoặc Pfizer đề cập sự cần thiết phải tiêm mũi nhắc lại trước cuối năm 2021 đối với những ai đã được tiêm mũi đầu tiên ngay từ thời kỳ đầu đại dịch. Giải thích về việc này, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm quốc gia của Mỹ - ông Anthony Fauci nói rằng, kháng thể chống virus Corona không tồn tại mãi mãi nên chắc chắn cần phải tiêm mũi nhắc lại trong khoảng 1 năm sau khi tiêm mũi cơ bản đầu tiên.

COVAX muốn các nước giàu chia sẻ

Điều đó đồng nghĩa các nước giàu cần chia sẻ những liều vaccine đã được chuyển giao cho họ. Ví dụ, Mỹ hiện có khoảng 73 triệu liều đang nằm trong kho dự trữ. Tuy nhiên, sẽ là lý tưởng hơn nếu các nước giàu tặng lại vaccine trước khi chúng tới tay họ. Việc tặng lại các nước khác sau khi đã nhận về nước mình sẽ khó khăn vì liên quan đến công tác vận chuyển đảm bảo vaccine được bảo quản lạnh không bị gián đoạn ở bất kỳ khâu nào. Ngoài ra, những liều vaccine mới được rao bán trực tuyến, các nước giàu không nên “tranh chỗ” để được nhận vaccine trước. Nếu họ đã ký hợp đồng với nhà sản xuất vaccine, bản hợp đồng sẽ giữ chỗ cho họ trong danh sách khách hàng chờ, song họ có thể và nên nhường lại chỗ đó cho các quốc gia đang cần vaccine khẩn cấp hơn.

Trong tháng 5-2021, Quỹ WHO đã phát động một chiến dịch gây quỹ mang tên “Hãy tặng một liều vaccine”. Chiến dịch này kêu gọi mỗi cá nhân ủng hộ 7 USD để mua tặng một liều vaccine cho ai đó tại một quốc gia thu nhập thấp thông qua COVAX.

COVAX cần thêm 2 tỷ USD tài trợ để cung cấp vaccine cho nước nghèo

Chương trình chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu COVAX sẽ cần thêm 2 tỷ USD tài trợ vào đầu tháng 6-2021 để thúc đẩy chương trình tiêm chủng tại các nước nghèo (nâng mức độ bao trùm của chương trình lên 30%, đồng thời chốt số liều vaccine có thể phân phối trong năm 2021 và vào đầu năm 2022). Theo tuyên bố này, nếu các nhà lãnh đạo trên thế giới chung tay hỗ trợ, thì các mục tiêu ban đầu của COVAX là cung cấp 2 tỷ liều vaccine trên toàn thế giới vào năm 2021 và 1,8 tỷ liều cho 92 nền kinh tế có thu nhập thấp vào đầu năm 2022 sẽ vẫn có thể đạt được.

COVAX đã cung cấp 70 triệu liều vaccine cho 126 nước, song đang phải đối mặt với sự thiếu hụt 190 triệu liều vào cuối tháng 6-2021 do số ca mắc Covid-19 gia tăng chóng mặt tại Ấn Độ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung của COVAX trong quý II-2021. Hiện các nước Pháp, Đức, Thụy Điển, Italia, Tây Ban Nha, New Zealand và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất đang cam kết tài trợ vaccine cho chương trình này. Mỹ đã cam kết cung cấp khoảng 80 triệu liều vaccine, khoản tài trợ lớn nhất từ một quốc gia.