"Hạt sạn" đắt giá

ANTĐ - Vào ngày 6-8 tới Bộ GTVT sẽ phải chi 155,5 tỷ đồng cho nhà thầu Tokyu (Nhật Bản). Khoản tiền này được gọi là “bổ sung chi phí”, nhưng có thể hiểu là tiền đền bù cho nhà thầu vì chậm giải phóng mặt bằng (GPMB, dẫn đến kéo dài thời gian, phát sinh chi phí. Trước khi “chốt” số tiền hơn 155 tỷ đồng, phía nhà thầu Nhật đã “ đòi” 200 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được cộng thêm vào tổng chi phí ngân sách dành cho dự án cầu Nhật Tân.

Theo kế hoạch, tháng 10-2014, cây cầu này sẽ hoàn thiện và đi vào khai thác. Tuy nhiên, hiện tiến độ toàn dự án chậm mất gần 2 năm, hao tổn nguồn lực xã hội, hậu quả công trình bị giảm sút do kéo dài thời gian thi công, phát sinh chi phí. 

Cũng không chỉ ở dự án cầu Nhật Tân, còn nhiều ban quản lý dự án khác đang lo lắng trước nguy cơ nhà thầu kiện, đòi tiền bồi thường như Dự án Nhà ga T2 Nội Bài (thuộc địa phận huyện Sóc Sơn, Hà Nội); Dự án Cao tốc Hà Nội - Lào Cai đều “dính” mặt bằng tại Hà Nội hay dự án cao tốc Hà Nội -Thái Nguyên, nửa tuyến đường phía Thái Nguyên đã tưng bừng thông đường đi vào khai thác, còn phần dài khoảng 24 km ở địa phận Hà Nội thì vẫn… tắc, chưa biết khi nào có đủ mặt bằng để thi công. Cũng may, công trình này do các nhà thầu trong nước thực hiện nên chưa bị kiện đòi bù lỗ do nguồn vốn bị ứ đọng, lãi vay ngân hàng, rồi chi phí lao động phát sinh, giá cả vật tư tăng lên và muôn vàn các chi phí khác.

Nguyên nhân của việc chậm GPMB thì có nhiều như tại dự án cầu Nhật Tân chủ yếu là do cơ chế đền bù - cùng một khu vực, các dự án có mục tiêu khác nhau lại có giá đền bù khác nhau không tạo ra sự công bằng, đồng thuận trong việc đền bù với người dân. Chính cơ chế chính sách chưa đảm bảo, thiếu tính thực tiễn đã dẫn đến sự “va chạm quyền lợi” với người dân. Nhưng quan trọng là các đơn vị thực hiện GPMB cũng chưa làm hết trách nhiệm. Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết: “Các tỉnh Lào Cai, Yên Bái vào cuộc GPMB rất quyết liệt, hiệu quả. Sao cứ đến Hà Nội lại vướng. Cán bộ của Hà Nội cần thêm sự nhiệt tình vì các địa phương khác.

Vụ hơn 155 tỷ đồng phải đền bù do GPMB  chậm có thể là hậu quả từ sự làm việc tắc trách của cơ quan chức năng đặt ra kế hoạch GPMB không chuẩn, không khớp, không đáp ứng được yêu cầu, khiến những cam kết với chủ đầu tư, nhà thầu luôn là những kế hoạch ảo. Có lẽ các nhà thầu ngoại đã nắm được kiểu làm ăn này để “đánh” vào điểm yếu là chỉ có phạt tiền may ra tiến độ GPMB mới không bị chậm trễ.

Hà Nội vừa kỷ niệm 5 năm mở rộng Thủ đô với nhiều thành tựu đáng kể, với nhiều công trình mới mọc lên. Song bên cạnh đó, cũng vẫn còn nhiều công trình đang dở dang cùng năm tháng. Với hạt sạn “đắt giá” trên là điều không chỉ đáng để  phải suy nghĩ mà cần rạch ròi ai sẽ phải chịu trách nhiệm về sự phung phí, lãng phí không đáng có hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách này.