Hấp dẫn bóng đá "phủi" ngoại hạng

ANTĐ - Hệ thống giải thi đấu ngày càng mở rộng, các nhà tài trợ tranh nhau tìm tới, nhiều trận đấu được điều khiển bởi các trọng tài FIFA, hình ảnh được truyền hình trực tiếp trên Youtube và được bình luận bởi BLV kỳ cựu Vũ Quang Huy… Tất cả tạo nên sức hấp dẫn của giải bóng đá “phủi” ngoại hạng và hạng Nhất Hà Nội.

Hấp dẫn bóng đá "phủi" ngoại hạng ảnh 1Người dân Thủ đô đội nắng theo dõi các trận đấu “phủi” hấp dẫn trên sân Trung tâm thể thao CAND

Đi dần rồi thành đường

Sau 3 mùa giải liên tiếp được tổ chức thành công, giải “phủi” ngoại hạng Hà Nội đã tạo tiếng vang lớn, trở thành thương hiệu được cả nước biết đến. Chia sẻ trong buổi ra mắt giải “phủi” hạng Nhất năm 2016 tổ chức vào sáng qua (20-4), ông Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Giám đốc VietFootball - đơn vị tổ chức giải tâm sự, mong muốn ban đầu của những nhà tổ chức giải là tạo một sân chơi cho anh em cầu thủ bóng đá phong trào của Thủ đô. Ở đó, các cầu thủ và khán giả được thỏa đam mê với trái bóng tròn và đề cao tiêu chí “Chơi có ý thức, chơi để tận hưởng”. 

“Khi chúng tôi nêu ý tưởng này, nhiều người cười, nói chúng tôi viển vông, bởi để chuyên nghiệp hóa giải phong trào là quá khó. Thế nhưng bù lại, rất nhiều người yêu bóng đá đã ủng hộ, giúp đỡ để chúng tôi có thêm động lực và kinh phí cho ra đời giải “phủi” ngoại hạng mùa đầu tiên vào năm 2013”, ông Tuấn kể.

Nhớ lại quãng thời gian đầu chuẩn bị cho giải đấu, ông Dương Thanh Liêm - một cầu thủ “phủi”, đồng thời là Phó Tổng giám đốc VietFootball, cho biết: “Do lần đầu tổ chức nên anh em còn nhiều bỡ ngỡ, từ hoàn tất thủ tục pháp lý đến kêu gọi đội bóng, nhà tài trợ… nhưng rồi tất cả đều gặp nhau ở một điểm là tình yêu bóng đá và mong muốn có một sân chơi chuyên nghiệp cho bóng đá phong trào. Cứ thế, giải ngày một lớn mạnh”. 

Ông Liêm tự hào rằng tài sản lớn nhất của giải “phủi” Hà Nội là khán giả: “Mùa đầu tiên tổ chức ở sân tập CLB Hà Nội ACB, khán giả đến chật kín, ngồi tràn cả vào sân. Sau đó, chuyển đến sân Trung tâm thể thao CAND (Bộ Công an) sức chứa hơn 2.000 chỗ nhưng các khán đài cũng bị quá tải, phải thuê ghế để khán giả ngồi quanh sân. Điều vui mừng với những người tổ chức giải là khán giả đông, cổ vũ nhiệt tình và có ý thức, không để xảy ra sự cố đáng tiếc nào”.

Tranh nhau tài trợ

Trải qua 3 năm tổ chức, giải “phủi” ngoại hạng ngày càng mở rộng cả về quy mô lẫn tính chuyên nghiệp. Từ chỗ chỉ là sân chơi của các đội bóng Hà Nội, sang mùa thứ hai đã thu hút thêm các đội bóng đến từ các tỉnh miền Bắc như Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An… cùng nhiều gương mặt nổi tiếng như ca sỹ Tuấn Hưng, Quả bóng Vàng Việt Nam Thành Lương, cựu “thần đồng” Phạm Văn Quyến, tuyển thủ Ngọc Duy, Quốc Long… 

Điều thú vị, trong khi bóng đá và nhiều giải thể thao chuyên nghiệp ở Việt Nam “đỏ mắt” tìm nhà tài trợ thì giải phong trào “phủi” ngoại hạng Hà Nội lại từ chối nhà tài trợ vì có quá nhiều người tìm đến. Theo tiết lộ của một lãnh đạo VietFootball, ở mùa 2015, có hàng chục doanh nghiệp xin tiếp tục tài trợ cho giải với số tiền khoảng 10 triệu đồng/đơn vị dù BTC không tiếp thị và quảng cáo giải đấu. 

“Riêng tiền bán chỗ đặt biển quảng cáo trên sân mùa 2015, ngoài 1 tỷ đồng thu về từ nhà tài trợ chính để đặt 20 biển, 30 biển quảng cáo còn lại BTC bán với giá 30 triệu đồng/biển. Trước mùa 2016 này, có một doanh nghiệp đã đặt vấn đề trả gấp đôi số tiền tài trợ mùa trước (khoảng 2 tỷ đồng) để mua lại suất tài trợ cho giải từ Sabeco (đơn vị đã đồng hành cùng giải suốt 3 mùa qua-PV), nhưng chúng tôi không đồng ý”, một lãnh đạo VietFootball tiết lộ.                                  

Tăng tính cạnh tranh cho giải “phủi”

Sáng 20-4, tại khách sạn 5 sao Crown Plaza (Hà Nội), VietFootball tổ chức họp báo thông tin giải “phủi” hạng Nhất Hà Nội lần thứ nhất năm 2016. Ở mùa đầu tiên, giải thi đấu từ 24-4 đến 3-7 tại sân Trung tâm thể thao CAND (Bộ Công an), quy tụ 12 đội bóng phong trào (gồm 11 đội của Hà Nội và 1 đội đến từ Lào Cai), thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm chọn 2 đội nhất, nhì giành quyền thăng hạng giải “phủi” ngoại hạng.

Cùng với đó, 2 đội bóng có thành tích kém nhất của giải “phủi” ngoại hạng phải xuống giải hạng Nhất ở mùa kế tiếp, nhằm tăng tính cạnh tranh cho cả 2 giải đấu.