Hành vi mua bán thông tin khách hàng là vi phạm pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Trong thời đại công nghệ cao, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng muốn sở hữu một lượng thông tin cá nhân khách hàng khổng lồ để phục vụ mục đích “chốt sale” và mở rộng hoạt động kinh doanh. Thế nhưng, không nhiều doanh nghiệp hiểu được những rủi ro khi nắm trong tay loại thông tin này. Theo pháp luật hiện hành quy định nếu làm lộ hoặc mua bán thông tin khách hàng, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt như thế nào đối với hành vi trên? Hoàng Ngọc Dũng (Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội)
Hành vi mua bán thông tin khách hàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Ảnh minh họa)

Hành vi mua bán thông tin khách hàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời:

Theo Điều 3, Nghị định 64/2007/NĐ-CP về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, thông tin cá nhân là thông tin đủ để xác định chính xác danh tính một cá nhân, bao gồm ít nhất nội dung trong những thông tin sau đây: họ tên, ngày sinh, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu. Những thông tin thuộc bí mật cá nhân gồm có hồ sơ y tế, hồ sơ nộp thuế, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng và những bí mật cá nhân khác.

Tại Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh; Phòng 305, tòa nhà số 8 Láng Hạ, Hà Nội)

Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh; Phòng 305, tòa nhà số 8 Láng Hạ, Hà Nội)

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật...”.

Mặt khác, khoản 5, Điều 7, Luật An toàn thông tin mạng quy định về những hành vi bị nghiêm cấm:

“Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm

5. Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân”.

Như vậy, hành vi mua bán thông tin khách hàng là vi phạm pháp luật, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự. Tùy vào mức độ vi phạm của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 46, Nghị định 98/2020/NĐ-CP hoặc theo Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Mức phạt tiền dao động từ 10 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự đến 7 năm tù về “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” (Điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).