Hành vi buôn lậu, gian lận thương mại được thực hiện tinh vi hơn trong "bão" Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT- Bộ Công Thương), năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động của lực lượng QLTT cả nước.
Lực lượng QLTT sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại

Lực lượng QLTT sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại

Chiều nay (21/1), Tổng cục QLTT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Ông Trần Hữu Linh cho hay, do tác động của dịch Covid-19 nên hoạt động của lực lượng QLTT bị ảnh hưởng khá nhiều. Lực lượng QLTT vừa phải tham gia phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo công tác chuyên môn.

“Trong khi đó, dịch Covid-19 khiến hành vi buôn lậu, gian lận thương mại được thực hiện tinh vi hơn, đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử. Gần đây, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm”- ông Trần Hữu Linh nói.

Đáng chú ý, dịp gần Tết, gian lận, vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm có xu hướng gia tăng. “Dịch Covid-19 khiến hàng hóa tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều. Dịp cuối năm, lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt vụ việc hàng hóa là bánh kẹo hết hạn sử dụng, được tẩy hạn, gắn mác mới hoặc bánh kẹo Trung Quốc nhưng ghi “made in Japan” để đánh lừa người tiêu dùng”- Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT thông tin.

Bên cạnh đó, do nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, hội nhập sâu rộng nên hàng hóa từ các thị trường lân cận như: Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản… vào nội địa khá nhiều, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Theo ông Đàm Thanh Thế- Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, hàng giả, hàng nhái hiện vẫn diễn biến phức tạp. Ở biên giới, lực lượng biên phòng, hải quan gác chặn. Trong nội địa, lực lượng QLTT và lực lượng công an là nòng cốt. Để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, các lực lượng cần phối hợp chặt chẽ với nhau.

Báo cáo của Tổng cục QLTT cho biết, các tháng cuối năm, tình hình buôn lậu lại có xu hướng gia tăng, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng phục vụ tiêu dùng.

Các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, được tổ chức ngày càng tinh vi, câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó với cơ quan QLTT như: một số Công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trụ sở tại Việt Nam nhưng không sản xuất tại Việt Nam mà chỉ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, sau đó thay bằng nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu;

Nhập khẩu hàng hóa gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam thể hiện ở việc được sản xuất tại Trung Quốc nhưng khi kiểm tra thực tế thì trên hộp đựng sản phẩm và trên hàng hóa thể hiện chữ đúc chìm “Made in Vietnam”.

Đối với việc kiểm tra hàng hóa trên khâu lưu thông, khi lực lượng QLTT tiến hành kiểm tra, bắt giữ các phương tiện chở hàng hóa với số lượng lớn thì lái xe xuất trình một số hóa đơn chứng từ nhưng đa số không trùng khớp với số hàng hóa tại hiện trường, đáng nói là một số hóa đơn bán hàng có giá rẻ hơn giá của sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 20 đến 30 lần.

Trên môi trường thương mại điện tử, các đối tượng thường lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng);

Ngoài ra, một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, live stream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp đã bị phát hiện đó là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí là hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2021 sẽ còn diễn biến phức tạp, Tổng cục QLTT sẽ phối hợp với lực lượng chức năng có liên quan triển khai các biện pháp ngăn chặn, để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn.