Hành trình triệt phá đường dây cấp giấy phép lao động giả và đưa hối lộ hàng tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 9-10 vừa qua, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án cấp phép lao động cho hơn 2.800 người nước ngoài ở lại Việt Nam; trong đó có nhiều hồ sơ có tài liệu bị làm giả.

Để vụ án được đưa ra xét xử, lôi ra ánh sáng công lý đối với hành vi phạm tội của không ít cán bộ Nhà nước, là cả quá trình dày công xác minh, điều tra của CQĐT - Bộ Công an, với hàng loạt tội danh bị khởi tố: “Tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”, “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Các bị cáo bị TAND tỉnh Bình Dương đưa ra xét xử

Các bị cáo bị TAND tỉnh Bình Dương đưa ra xét xử

Manh mối từ… doanh nghiệp “ma”

Qua công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và Công an tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện một số đối tượng sử dụng pháp nhân chi nhánh Công ty TNHH thiết kế xây dựng trang trí nội thất Tuấn Lộc Phát (gọi tắt là Công ty Tuấn Lộc Phát; có địa chỉ tại tỉnh Bình Dương) để làm giả tài liệu của các cơ quan, tổ chức, bảo lãnh cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép.

Theo thẩm quyền, vụ án được chuyển đến Cục An ninh điều tra - Bộ Công an điều tra xử lý. Hồ sơ tiếp nhận điều tra ban đầu chỉ liên quan đến một doanh nghiệp “ma” - chi nhánh Công ty Tuấn Lộc Phát bảo lãnh cấp giấy phép lao động cho hơn 40 người nước ngoài ở lại Việt Nam. Trong đường dây này, các đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò, thủ đoạn để liên lạc nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, với quyết tâm cao và được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục An ninh điều tra, các cán bộ Phòng Điều tra tổng hợp tại TP.HCM đã không quản ngại ngày đêm, khó khăn, tập trung cao độ, nghiên cứu hồ sơ, phân tích, tổng hợp thông tin tài liệu một cách tỉ mỉ, khoa học, không bỏ sót dù một chi tiết nhỏ nhất để khám phá tội phạm. Bằng các biện pháp điều tra, cơ quan Công an phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Trường - Giám đốc một công ty chuyên làm dịch vụ xin visa, thẻ tạm trú cho người nước ngoài có liên quan đến vụ án.

Xác định Trường là “mắt xích” quan trọng, việc bắt giữ đối tượng là căn cứ để mở rộng điều tra vụ án, lãnh đạo Phòng Điều tra tổng hợp một mặt chỉ đạo điều tra viên phối hợp Công an cơ sở nắm bắt di biến động của đối tượng Trường; đồng thời báo cáo, đề xuất lãnh đạo Cục ra lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở và nơi làm việc của Trường.

“Ban đầu, đối tượng ngoan cố không khai đồng bọn. Quá trình đấu tranh, đối tượng chỉ khai nhận làm trung gian nhận, chuyển hồ sơ để hưởng tiền phí chênh lệch, không biết người đã giao hồ sơ là ai, không biết hồ sơ, tài liệu bị làm giả. Thậm chí, Trường còn tỏ ra không biết, không hiểu những gì điều tra viên hỏi” - cán bộ điều tra tham gia phá án kể.

Theo nhận định, hành vi phạm tội tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép dưới hình thức doanh nghiệp sử dụng lao động người nước ngoài để cơ quan Nhà nước cấp giấy phép luôn gắn với tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức… Từ đó, điều tra viên đã chú ý đến chi tiết rất nhỏ là dòng địa chỉ ghi ở bìa cuốn sổ tay của Trường. Điều tra viên nhận định có thể địa chỉ nêu trên có liên quan địa điểm của đối tượng làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức, do đó, đã tập trung đấu tranh với Trường. Sau một thời gian đấu trí, đối tượng buộc phải khuất phục, cung cấp thông tin, số điện thoại, địa chỉ của đối tượng làm giả tài liệu, con dấu liên quan vụ án.

Trong thời gian từ ngày 15-3-2022 đến 18-3-2022, lãnh đạo Cục ANĐT trực tiếp cùng lãnh đạo Phòng Điều tra tổng hợp tại TP.HCM và các điều tra viên thực hiện liên hoàn các hoạt động điều tra khám xét khẩn cấp, giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Vũ Hoài Thanh, Nguyễn Xuân Lâm, Vương Hoàng Phúc và Nguyễn Kiên Cường.

Với kết quả đấu tranh khai thác và tài liệu thu thập được, Cơ quan điều tra không chỉ điều tra làm rõ hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, đưa hối lộ, nhận hối lộ của Vũ Hoài Thanh, Nguyễn Kiên Cường, chuyên viên thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương mà còn điều tra mở rộng, phát hiện nhiều đầu mối mới, ở nhiều cơ quan, tổ chức, nhiều tỉnh, thành.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã làm rõ 3 đường dây do Vũ Hoài Thanh, Trần Mai Hồng, Sẳm Nhịt Sau cầm đầu, làm giả khoảng 8.000 tài liệu của cơ quan, tổ chức để đưa vào khoảng 3.000 hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài nộp tại Sở LĐ-TB&XH, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương và Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Phước. Đồng thời, đã khám phá các đường dây đưa hối lộ, nhận hối lộ đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan việc cấp giấy phép lao động tại các cơ quan nêu trên.

Các đối tượng Vũ Hoài Thanh, Trần Mai Hồng, Sẳm Nhịt Sau đã thỏa thuận, đưa hối lộ tổng cộng hơn 10 tỷ đồng cho Nguyễn Kiên Cường, Hoàng Thanh, Đinh Thái Tuấn là chuyên viên, lãnh đạo cấp phòng thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Phước để được thẩm định, đề xuất giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Bên cạnh đó, các bị can là lãnh đạo cấp Sở, Ban Quản lý trong vụ án (Lê Minh Quốc Cường, Đặng Quang Việt, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Thành Nhân) đã vì động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao làm trái công vụ, ký cấp tổng cộng khoảng 3.000 giấy phép lao động cho hơn 2.800 người nước ngoài không đúng quy định pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, gây thiệt hại về quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

CQĐT khám xét 1 đối tượng trong vụ án

CQĐT khám xét 1 đối tượng trong vụ án

Liên minh bạc tỷ

Lời khai của các đối tượng thể hiện, thông qua mạng xã hội hoặc tham gia các hội nhóm trên Zalo, Facebook, Wechat, các đối tượng đăng tin nhận dịch vụ cấp các giấy tờ thủ tục cho người nước ngoài chỉ cần hộ chiếu và ảnh. Sau khi liên lạc, thỏa thuận, thống nhất giá, các đối tượng nhận hộ chiếu, ảnh của người nước ngoài, trực tiếp hoặc qua nhiều đối tượng khác làm giả các tài liệu trong thành phần hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Theo quy định của pháp luật, thành phần hồ sơ xin ở lại cho người nước ngoài phải có giấy phép lao động hoặc giấy tờ khác chứng minh đủ điều kiện. Do đó, trong vụ án này, các đối tượng phạm tội dùng thủ đoạn lập doanh nghiệp “ma” hoặc ghép vào các doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài, nhưng thực tế người nước ngoài không làm việc tại các doanh nghiệp đó nên các đối tượng phạm tội đã làm giả con dấu, tài liệu để xin cấp giấy phép lao động rồi sử dụng để làm hồ sơ xin phép cho người nước ngoài để ở lại Việt Nam.

Để không bị thanh tra, kiểm tra phát hiện việc làm giả con dấu, tài liệu trong hồ sơ và được cấp giấy phép lao động, các đối tượng phạm tội thường móc nối, đưa hối lộ cho cán bộ trực tiếp tiếp nhận, thẩm định, đề xuất cấp giấy phép lao động tại các Sở LĐ-TB&XH, Ban Quản lý khu công nghiệp các tỉnh, thành phố. Việc giao nhận tiền được thực hiện bằng đưa tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản của các cán bộ trên hoặc tài khoản mang tên người khác nhưng do chính cán bộ đó sử dụng, trực tiếp rút tiền, chuyển tiền (trước đó, những cán bộ này mượn hoặc nhờ người khác mở tài khoản, nhưng đăng ký dịch vụ giao dịch qua ngân hàng điện tử bằng số điện thoại của chính họ).

Sau khi có giấy phép lao động, để làm thủ tục cho người nước ngoài ở lại Việt Nam, các đối tượng phạm tội tải và in từ mạng Internet các biểu mẫu theo quy định, đóng dấu, ký giả chữ ký giám đốc các doanh nghiệp “ma”, gửi kèm theo hộ chiếu, ảnh thẻ người nước ngoài cho các đối tượng trung gian (thường là các công ty làm dịch vụ) để các đối tượng này điền thông tin người nước ngoài trên các biểu mẫu và trực tiếp đi nộp hồ sơ tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Đây là thủ đoạn của những kẻ chủ mưu làm giả hồ sơ nhằm che giấu nhân thân, xóa dấu vết khi bị cơ quan chức năng phát hiện, điều tra...

Ngày 20-10, sau một tuần nghị án, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên phạt 16 trong số 17 bị cáo nhận mức án tù giam, chỉ có 1 bị cáo nữ nhận án tù treo.

Bị cáo Lê Minh Quốc Cường, 57 tuổi, cựu Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, bị tuyên án 2 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bị cáo Nguyễn Kiên Cường, 37 tuổi, cựu chuyên viên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, bị tuyên án 16 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Bị cáo Hoàng Thanh, 60 tuổi, cựu Trưởng phòng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, bị tuyên án 13 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Ba cựu Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cùng bị đề nghị mức án về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ": bị cáo Nguyễn Thành Trung (50 tuổi) bị tuyên 1 năm 6 tháng tù, bị cáo Đặng Quang Việt (64 tuổi) bị tuyên 1 năm tù và bị cáo Nguyễn Thành Nhân (51 tuổi) bị tuyên 1 năm 6 tháng tù. Bị cáo Đinh Thái Tuấn - cựu Phó Trưởng phòng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Phước - bị tuyên mức án 7 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Đối với nhóm 10 bị cáo còn lại bị xét xử về các tội “Đưa hối lộ”, “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” hoặc “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”. Trong nhóm bị cáo này, bị cáo có mức án cao nhất là Vũ Hoài Thanh bị tuyên 12 năm tù giam; bị cáo có mức án thấp nhất là Nguyễn Khánh Vân bị tuyên 1 năm 6 tháng tù treo.