Hành trình tìm về ký ức của người "mất tích" trong chiến tranh

ANTĐ - Người lính ấy tự coi mình là một người sinh ra và chết đi trong nỗi buồn mênh mang trên những trảng cỏ miền đông. Người lính ấy bị mất trí nhớ bởi những đòn tra tấn khi bị giam cầm hơn 10 năm tại nhà tù Phú Quốc. Hơn 50 năm sau khi ký ức tìm về, người lính ấy mới lần hồi trong nỗi nhớ với khao khát tìm về quê hương. 

Hành trình tìm về ký ức của người "mất tích" trong chiến tranh ảnh 1

Ngôi mộ gió của ông Hương hơn nửa thế kỷ qua vẫn được chăm sóc đặc biệt

Con người và số phận

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng người dân thôn Lý Nhân Bắc, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vẫn ngày ngày mong ngóng một người lính thời chống Mỹ cứu nước chưa một lần về quê tìm tin tức gia đình. Ông vẫn sống, nhưng lại là “liệt sỹ” của gia đình suốt hơn nửa thế kỷ qua. Người đã nằm lại với đất thì không nói, nhưng người còn mà vẫn chưa một lần tìm về quê hương bản quán, ắt phải có một nỗi niềm(?!) 

Mặt trời đứng bóng trên triền đồi bạt ngàn những trảng cỏ của vùng đất đỏ ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, tình Đồng Nai, ông Hồ Xuân Hương (74 tuổi) mới trở về nhà. Mình trần, chiếc quần dài trễ xuống quá rốn. Khuôn ngực ông gầy nổi từng đốt xương phập phồng theo nhịp thở. Căn lều lợp lá sùm sụp khiến chúng tôi có cảm giác ông mang nguyên từ rẫy về tất cả cái nắng nôi và bụi bặm nhọc nhằn của một đời người. Thấy khách lạ trong nhà, ông vẫn thủng thẳng tắm gội rồi với lấy tẩu thuốc ra ngồi bệt giữa nhà tiếp khách. Giá vô tình gặp ở ngoài tôi sẽ đinh ninh ông như bao nhiêu người làng khác của vùng đất đỏ miền Đông này chứ không phải là người đã từng được phong tặng danh hiệu Liệt sỹ ở miền cát Quảng Bình.

Bằng chất giọng miền Trung đã loãng, thi thoảng lại thêm thổ ngữ địa phương, ông Hồ Xuân Hương chua chát kể: “Chẳng nhớ bao năm rồi tôi đã mất hết ý niệm thời gian. Cứ khi nào việc xong thì ấy là giờ nghỉ. Căn lều, khu rẫy này là tất cả thế giới của tôi…”. Ông vốn chẳng phải người làng này, đất này. Quê ông ở tận vùng huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình xa tít tắp. Ông là con trai cả trong gia đình có 5 anh em. 16 tuổi, ông được chọn vào Đại đội vận tải đường biển số 27, vận chuyển vũ khí, lương thực vào chiến trường Trị - Thiên.

Giữa năm 1964, trong một chuyến chở vũ khí ra đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, tàu vận tải của đơn vị ông bị địch tập kích bắn chìm trên biển. Đồng đội trên tàu hy sinh hết, chỉ còn mình ông bị thương nặng bám vào được mảng thuyền bị vỡ và lênh đênh trên biển suốt 3 ngày đêm. Sau đó, tàu địch phát hiện và ông bị bắt giam tại Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, ông bị đưa vào đồn Mang Cá, TP Huế; vào Đà Nẵng rồi bị đày ra đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. 

Trải qua một loạt nhà tù, bị giam cầm, tra tấn hơn 10 năm nhưng ý chí kiên định và khát vọng sống mãnh liệt đã không làm ông gục ngã. Cái tên giả Nguyễn Thanh, sống ở Vĩnh Linh, làm ngư dân đánh cá cứ khai đi khai lại suốt 10 năm với địch. Đến năm 1975, ngày được thả tự do thì ông mất trí nhớ và vẫn mang cái tên Nguyễn Thanh hoàn toàn xa lạ ấy. Hỏi về năm tháng trong trại giam ông lắc đầu định không kể, vì đó là nỗi đau đớn tột cùng của ông suốt hơn mười năm có lẻ.

Nhưng rồi ông nói: “Thì thôi cũng chẳng giấu, rất đau đớn nhưng đó là chuyện cũ rồi. Đó là chiến tranh, là lý tưởng của lớp người như tôi!”. Ngày hòa bình lập lại chẳng biết đi đâu bởi ông chẳng còn nhớ gốc gác quê quán nữa. Bước đường lưu lạc đưa ông đến khu vực Hố Nai, nay là phường Hố Nai, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai mưu sinh. Tại đây, ông vào làm thuê cho một người phụ nữ lớn tuổi quê miền Bắc. Thấy ông hiền lành, bà chủ mai mối cho ông với bà Hà Thị Đỏ khi ấy mới vừa tròn tuổi 18. Nên duyên, hai vợ chồng ông về làm rẫy ở ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, tình Đồng Nai. 

Người “mất tích” trong chiến tranh

Sau thời gian dài chờ đợi trong vô vọng, cộng thêm việc nhận được giấy xác nhận ông Hồ Xuân Hương đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ vận tải trên biển và công nhận là liệt sỹ, người thân của ông đành chấp nhận sự thật rằng ông không còn trên cõi đời này. Cũng kể từ đó, gia đình lấy ngày xuất phát của đoàn tàu là 29-5 làm ngày mất cho ông. “Chẳng ngờ tôi đã có chứng nhận Tổ quốc ghi công treo ở quê nhà” - ông Hồ Xuân Hương rơm rớm nước mắt kể lại: “Ý nghĩ ấy khiến tôi nhiều năm sau không muốn tìm về nữa, bởi nỗi đau của người thân có lẽ cũng đã lắng, vậy thì hãy để nó ngủ yên, còn xáo động lên làm gì sự “sống lại” muộn màng này.

Những năm ở trong tù, và cả sau này nữa tôi vẫn hình dung nỗi khát khao cháy lòng mong được gặp lại con một lần của mẹ tôi. Chắc mẹ tôi buồn tôi nhiều lắm. Tôi thật bất hiếu khi mà mẹ tôi mất mấy chục năm qua tôi cũng chưa biết mộ mẹ nằm đâu. Giá như những ngày mới hết chiến tranh tôi đánh liều về quê cũ tìm hỏi, rồi gắng công gắng sức tìm thông tin của mình để về với quê hương, với người thân hẳn sẽ tìm được gốc gác của mình, hẳn mẹ tôi sẽ tha thứ. Thế nhưng tôi mất trí nhớ, rồi mặc cảm với cuộc sống của mình để bao tháng năm đã trôi qua trong muộn màng. Hẳn rằng đã gần hơn 50 năm không tin tức, mẹ tôi vẫn đinh ninh rằng tôi đã chết, vậy thì hãy để người hóa thân với nỗi đau ấy”.  

Dựa lưng vào vách nhà, ông Hồ Xuân Hương thả đám khói lãng đãng lững lờ lên khoảng không gian đặc quánh màu ký ức rồi đưa mắt nhìn vào cái “thế giới” của ông bây giờ được bốn bề cây cối bủa vây. Ông phân trần rằng cuộc sống của ông suốt ngày trần lưng ngoài rẫy, tối mới về nấu cơm ăn rồi lăn ra ngủ. Xưa sống sao, bây giờ cứ vậy. Hàng chục năm bó mình giữa vùng đất đỏ khiến ông đã mặc cảm với cuộc sống đến độ không biết tự thương thân, nhưng cuộc đời cũng bù trừ cho ông, ấy là mối tình với cô gái trẻ nơi miền cổ tích này.

Sự bù đắp quý giá nhất cuộc đời

Khi được hỏi về gia đình mắt ông dường như lóe lên một niềm vui. Ông bảo cả cái miền đất này thuở ấy ông chẳng biết ai, người thân duy nhất chính là người ông lấy làm vợ, cùng ông trải qua biết bao nỗi niềm. Ông Hồ Xuân Hương kể: “Nói thì đơn giản vậy thôi, chứ hồi tôi mới về đây, không một tấc đất trong tay, tự tôi mở đường, phát rừng làm rẫy, tự cất một cái chòi nhỏ để hai vợ chồng sống với nhau. Hồi ấy sau năm 1975, ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai nhà nào cũng đói xác xơ. Sáng tinh mơ hai vợ chồng đã chui ra khỏi lều trần mình trên rẫy, chiều nhọ mặt người mới trở về, nào đã được nghỉ lại xoay trần làm việc, đi bộ lấy muối, cá khô về cho vợ đổi lúa. 3 năm đầu đói vàng cả mắt, có khi phải đi đào củ mài để ăn. Hai vợ chồng với mấy đứa con phải chen chúc nhau trong túp lều dễ chừng chỉ nhỉnh hơn chòi lúa”.

Trong cái không gian làng như bao đứa trẻ một thời, con cái ông cứ lớn lên lấm láp và hoang dã như cây cỏ đại ngàn này. Những đứa con sau này cứ theo lẽ thường khi lần lượt lấy vợ gả chồng, gắn cuộc đời với nương rẫy. Dẫu vậy, dù chẳng giàu sang được như người ta nhưng những đứa con ông cũng đã có đất, có nhà từ thành quả lao động của ông. Và sự đền đáp quý giá nhất cuộc đời chính là tình yêu bền chặt giữa ông với người vợ của mình.

“Bà ấy dù không được học hành, sống theo lẽ thường của bao người đàn bà ở làng này, đất này; nhưng với tôi, trong cái vỏ thô ráp ấy là một viên ngọc tình yêu đẹp và sáng, rất đáng quý. Những tai ương, những nỗi buồn đã qua, nếu phía sau không có bà ấy làm điểm tựa dễ tôi đã buông xuôi hay tiêu cực từ lâu rồi. Bây giờ với mấy hecta rẫy mỗi năm thu mấy trăm triệu đồng là thành quả lao động bao nhiêu năm trời, tôi đâu phải là cái máy nếu không có tình yêu của bà ấy, ông Hồ Xuân Hương tâm sự. 

Chẳng biết đã bao nhiêu năm ông nói với bà những điều như thế. Nhưng tôi biết rằng những điều ông nói đều là thật, hơn cả là sự cảm thông, chia sẻ và có chút hàm ơn. Kể cả tình yêu của ông với bà cũng thật như vậy. Nếu không, ông đã không ở với đất này lâu như thế. Tôi biết, còn đâu đó những người có cảnh ngộ như ông cũng không phải hiếm, nhưng tôi biết họ đã lần lượt bước qua mặc cảm, vượt qua hết mọi nỗi niềm để tìm về quê quán gặp lại người thân ít lâu sau đó. Chẳng lẽ chỉ còn mỗi người “liệt sỹ” Hồ Xuân Hương này vẫn giữ cho riêng mình câu chuyện cổ tích thời chiến tranh còn sót lại (?!) 

Cuộc đoàn viên kỳ diệu

Thế rồi cho đến một ngày, điều kỳ diệu như phép nhiệm màu của cuộc sống xuất hiện, đó là trong những tháng ngày cuối đời, đột nhiên ký ức lại tìm về với ông. Ông Hồ Xuân Hương nói trong niềm hạnh phúc: “Có lẽ trời còn thương, còn muốn tôi được nhìn thấy quê hương, được gặp người thân sau hơn nửa thế kỷ. Giữa năm 2013, trong một đợt sốt kéo dài 1 tuần đã khiến tôi nhớ lại một vài ký ức hồi nhỏ. Rồi những khoảnh khắc về tuổi thơ, về quê hương ở thôn Lý Nhân Bắc cứ như một cuộn phim ký ức chậm chậm ùa về. Lúc này, tôi ao ước được trở về quê hương, tìm lại người thân mấy chục năm xa cách của mình”.

Cơ hội tìm về quê hương của ông được chắp nối khi làm cùng công ty với con gái út của ông có một người quê Quảng Bình. Những ngày được nghỉ làm, cô gái này thường đến nhà ông Hương chơi và nói chuyện về quê quán của mình, mà không thể ngờ chính những câu chuyện của cô gái đó đã dần gợi lại cho ông Hương nhớ về quê hương, anh chị em ruột của mình. Rồi như một người ngủ lâu ngày tỉnh lại, ông nhớ hết lần lượt tên anh chị em của mình và tả về ngôi làng mình thuở ấu thơ. 

Hiểu rõ tâm nguyện của gia đình, bạn của con gái út ông Hương đã gọi điện về cho bố mình là ông Nguyễn Đình Chiến, ở thôn 6, xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch nhờ vào thôn Lý Nhân Bắc, xã Đại Trạch tìm người phụ nữ có cái tên Hồ Thị Ngùy, là chị gái mà ông Hương vẫn thường hay nhắc tên. Sau thời gian tìm hiểu, ông Nguyễn Đình Chiến đã tìm được địa chỉ, số điện thoại bà Hồ Thị Ngùy. Có được số điện thoại, ông Hương đã gọi điện để xác minh. Khi mới chỉ nói chuyện qua vài câu, linh cảm huyết thống khiến ông Hương có cảm giác đó chính là người thân của mình.

Cuộc điện thoại đẫm nước mắt giữa ông Hương và chị gái khi những kỷ niệm ngày xưa giữa anh em trong gia đình được gợi lại. Vào một ngày giữa tháng 4-2015, khi biết tin ông Hương sẽ bay về đến sân bay Đồng Hới, tất cả anh em họ hàng khoảng 30 người đã tập trung ra đón trong niềm vui tột cùng; người dân thôn Lý Nhân Bắc thì vô cùng bất ngờ khi thấy ông Hồ Xuân Hương - người đã được công nhận là Liệt sĩ cách đây hơn 50 năm đột nhiên trở về… 

Cuộc đoàn viên và hành trình tìm về ký ức sau hơn 50 năm của người sót lại của chiến tranh như một câu chuyện cổ tích, nhưng có thực và kết thúc có hậu.