Hạnh phúc khi giúp được nhiều người

(ANTĐ) - Sự giản dị của Phạm Thị Huệ khiến người khác cảm giác ngài ngại, phải chăng chị đang cố tình tỏ ra như vậy? Nhưng rồi, trò chuyện, người ta chợt hiểu, sự giản dị ấy là có thật và tự thấy mình cần phải sống nhiều, đi nhiều, quan sát nhiều thêm một chút và phải biết lắng nghe từng chút một, để có thể hiểu được những số phận đang đương đầu, đầu tranh với cái chết để tồn tại.

Anh hùng Châu á Phạm Thị Huệ:

Hạnh phúc khi giúp được nhiều người

(ANTĐ) - Sự giản dị của Phạm Thị Huệ khiến người khác cảm giác ngài ngại, phải chăng chị đang cố tình tỏ ra như vậy? Nhưng rồi, trò chuyện, người ta chợt hiểu, sự giản dị ấy là có thật và tự thấy mình cần phải sống nhiều, đi nhiều, quan sát nhiều thêm một chút và phải biết lắng nghe từng chút một, để có thể hiểu được những số phận đang đương đầu, đầu tranh với cái chết để tồn tại.

Huệ trong cuộc sống thường ngày
Huệ trong cuộc sống thường ngày

Bước ngoặt cuộc đời

Tôi gặp Huệ ở Hà Nội vào chiều giữa đông, nhìn cô gái nhỏ nhắn xinh xắn thế ai bảo chị đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Lại càng ít người nhận ra chị là “Anh hùng châu Á” (do tạp chí Time của Mỹ bầu chọn năm 2004) và đã từng vượt qua hơn 4.000 ứng viên để trở thành một trong 250 đại biểu tham dự Hội nghị “Lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2007”.

Vòng nguyệt quế dành cho Huệ không phải ngẫu nhiên người khác ban tặng. Nó đến với chị bằng những nỗ lực không ngừng trong hoạt động xã hội mà trước hết là vượt qua chính mình, chính căn bệnh Huệ đang mang trong mình và cả những thành kiến. Có ai biết rằng, đời người phụ nữ lắm khi quàng phải những lận đận mê lụy mà tự nó mò đến. Cũng như chị vậy, con đường tương lai đang thênh thang rộng mở với một gia đình hạnh phúc bỗng nhiên gấp khúc không điềm báo trước.

Năm 2001, cô thợ may lúc đó ở ngưỡng tuổi 21, vừa lấy chồng và mang thai đứa con đầu lòng, nhưng đến khi vào bệnh viện để chuẩn bị sinh thì nhân viên y tế trong bệnh viện cho biết Huệ bị HIV và ngay lập tức đưa chị vào khu cách ly. Bỗng nhiên, ngay cả các bác sỹ, y tá được đào tạo bài bản cũng không muốn đến gần. Chị băn khoăn không hiểu tại sao mình lại bị nhiễm HIV? Liệu đứa con mình sắp sinh có bị như mẹ nó hay không? Sự hụt hẫng, chán chường bắt đầu nút lấy nghĩ suy đau đớn của người sản phụ.

Thế rồi, Huệ cho ra một bé trai sau một ca mổ đẻ và ngay lập tức, cháu bé bị đối xử như mẹ nó. Nỗi đau như thể nhân đôi và tra tấn đến tiều tụy thân xác người phụ nữ yếu ớt nằm trên giường bệnh. Ai đến thăm cũng chỉ dám đứng ngoài nhìn vào hoặc ngồi xa xa. Tám ngày cô độc trong bệnh viện, Huệ khóc hết nước mắt: mai mốt cuộc đời rồi sẽ về đâu. Hồi đó, người ta còn sợ căn bệnh này một cách kỳ lạ. Họ hàng nội ngoại chẳng ai dám “lãnh” về. Đôi “vợ chồng sida” sống vất vưởng không nhà, không nơi nương tựa. Trọ nhà này vài hôm lại bị đuổi ra đường, nhà kia mấy bữa cũng không yên bởi họ đuổi khéo.

Vượt qua nỗi đau

“Tôi cứ nghĩ rằng, mình sẽ chết ngay, chết tức khắc chứ chẳng còn tồn tại để mà nghe người đời đàm tiếu, khinh bỉ…” - Huệ nói với tôi như vậy. Là vợ là chồng mà mãi sau này Huệ mới biết mình nhiễm HIV từ chồng. Cũng bởi anh chích ma tuý mà sinh ra bệnh, người chồng quẫn trí nên trả thù đời bằng cách chơi ma tuý gấp mấy lần cho hả.

Huệ nhìn anh mà buồn sắt tâm can nhưng buông xuôi thì nghĩa phu thê thề non hẹn biển như giọt nước lã chỉ hơn kém đôi phần. Trong bóng đen mịt mờ ấy, đôi vợ chồng trẻ vẫn hy vọng kết quả xét nghiệm của đứa con mới sinh trong những căng thẳng và đau đớn nghĩ ngợi vì ngộ nhỡ…! Sau tất thảy, khi xét nghiệm cho kết quả âm tính, Huệ như được hy vọng, tạ trời đã thương để đứa con nhỏ không mắc vòng trầm khổ.

Nhưng cuộc sống có HIV không hề dễ dàng. Vợ chồng Huệ có nhà nhưng chịu sao được sự kỳ thị của người trong gia tộc, ra đi là lựa chọn cực chẳng đã nhưng ít nhất cũng để lòng thoải mái. Lang thang khắp chốn ở Hải Phòng nhưng đâu đâu cũng chỉ ở được vài hôm. Dẫu vậy, Huệ vẫn cố gắng không để những định kiến cô lập mình. Bắt đầu cùng chồng tìm hiểu về HIV/AIDS cũng là để khơi cho chồng những khao khát sống sao cho đời có nghĩa hơn. Tháng 9-2002, Huệ ghi tên tham gia một khoá học về HIV và chăm chú lắng nghe trong suốt mấy ngày ròng.

Sau khoá học ấy, Huệ biết được nhiều điều về căn bệnh HIV/AIDS: “Rốt cuộc thì mình cũng đủ can đảm để đứng lên và kể hết mọi điều về mình. Đó là lần đầu tiên tôi kể chuyện mình trước đông người…” - Huệ nói rành rọt từng câu chữ như thể đó là “chương mới của đời mình”. Niềm tin giúp Huệ tăng được 2 kg, chị thấy mình khoẻ ra như thể sức mạnh đang tràn ngập cơ thể.

Trái tim kiêu hãnh!

Năm 2003, công việc đã thúc đẩy Huệ thành lập nhóm Hoa Phượng Đỏ cùng với 5 chị nữa cũng bị HIV/AIDS, nhằm giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS ở Hải Phòng. Từ đó đến nay, có nhiều người trong nhóm qua đời nhưng có nhiều người khác tham gia. Không chỉ vậy, Huệ trở thành tình nguyện viên của Liên hiệp quốc hỗ trợ cho Dự án “Tăng cường sự tham gia của những người đang sống chung với HIV/AIDS”.

Ngẫm kỹ tôi thấy rằng, Huệ bây giờ như đại diện cho gần 300.000 người đang phải sống chung với HIV/AIDS ở Việt Nam để nói những tâm tư, nguyện vọng. Sự xuất sắc vượt qua chính mình và giúp đỡ người khác đã đem lại cho Huệ nhiều niềm vui, có lẽ sự viên mãn vẫn chưa hiển hiện nhưng sứ mệnh còn dài, còn đủ để Huệ cảm nhận và chiêm nghiệm.

Từng được bình chọn là Anh hùng châu Á năm 2004 rồi đến “Hội nghị lãnh đạo mới cho toàn cầu” (2007) mà Huệ tham gia đã đem đến cho các đại biểu quốc tế nhiều bất ngờ và những thực tế được cảnh báo về sự kỳ thị đối với người bị HIV/AIDS. Ngay sau buổi thuyết trình, Huệ được công chúa nước Bỉ - một người cũng đang xây dựng quỹ từ thiện cho trẻ nhiễm HIV và trẻ khó khăn - đã tìm tới để chia sẻ quan điểm. Họ đã ngồi với nhau và bàn bạc rất nhiều vấn đề sau đó.

Câu chuyện giữa tôi và Huệ cứ tràn ngập trong những chia sẻ nhân văn giữa những lập luận sắc sảo và tiếng cười. Tận tụy với những người có HIV/AIDS trên khắp Việt Nam và cả khu vực, với Huệ danh hiệu Anh hùng có thể chỉ là phù du mà cái đích chị hướng tới là làm sao con người sống gần nhau hơn, yêu thương và chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Nhìn sâu vào mắt Huệ mới thấy cái sức hút kỳ lạ. Chị giản dị và nhân hậu nhưng cũng đã trải qua quá nhiều đau khổ để hiểu ra giá trị sống: “Rồi tôi sẽ chết, một lúc nào đó nhưng tôi nghĩ khi sống thì mình làm gì? Không phải chỉ làm anh hùng là thôi, càng giúp được nhiều người thì càng hạnh phúc, mỗi người trong chúng ta đã là một anh hùng khi giúp đỡ người khác…”.

Trần Thế Hoà