Hàng nghìn y bác sĩ sẵn sàng trực Tết

ANTĐ - Bộ Y tế vừa có công điện yêu cầu các bệnh viện (BV) tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Hầu hết các BV đang khẩn trương lên kế hoạch trực cấp cứu cũng như thăm hỏi và tổ chức đón Tết cho người bệnh còn phải điều trị tại BV.

Các bác sĩ BV Bạch Mai đã sẵn sàng làm nhiệm vụ trong ngày Tết

Các BV khẩn trương lên kế hoạch

BV Bạch Mai có số lượng bệnh nhân điều trị lớn nhất toàn miền Bắc. Thông thường vào các dịp Tết Nguyên đán, số lượng bệnh nhân nhập viện tại BV Bạch Mai giảm mạnh, tuy nhiên số bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên lại có xu hướng tăng. GS. Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, dự đoán trước xu thế bệnh nhân nhập viện trong dịp Tết nên BV đã chú trọng triển khai kế hoạch, phân công lịch trực cụ thể để cứu chữa kịp thời bệnh nhân. Trước Tết Nguyên đán, BV sẽ tổ chức diễn tập các phương án cấp cứu bệnh nhân với những tình huống giả định xảy ra ngoài BV, nhằm rà soát và nâng cao tinh thần sẵn sàng, chủ động cho đội ngũ y bác sĩ. 

Cũng theo GS. Châu, đợt nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm nay kéo dài 9 ngày nên BV sẽ huy động tới hơn 400 lượt y bác sỹ tham gia trực. Trong đó, lịch trực tại khoa cấp cứu được tăng cường nhất. Các khoa khác có lượng bệnh nhân điều trị nội trú đông như khoa Thần kinh, viện Tim mạch, khoa Hồi sức tích cực, Trung tâm hô hấp… đều có lượng y bác sĩ  tham gia trực rất đông.  

Tương tự, tại BV Việt Đức, đơn vị đầu ngành về ngoại khoa ở miền Bắc, công việc chuẩn bị ứng trực trong dịp Tết đã bắt đầu gần 2 tuần nay, từ chuẩn bị về cơ số thuốc cho đến các phương tiện, dụng cụ và nhân lực y bác sĩ trực cấp cứu. Lãnh đạo BV đã chỉ đạo Khoa khám bệnh và bộ phận phẫu thuật đảm bảo cấp cứu bệnh nhân ngay trong ngày và phân công lịch trực hợp lý, nhất là đối với các bác sĩ nội trú làm nhiệm vụ cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông hoặc đột quỵ trong dịp Tết. Bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh - BV Việt Đức cho biết, BV đã phân công nhiều bác sĩ giỏi của các khoa Chấn thương chỉnh hình, Thần kinh, Hồi sức tích cực, Tim mạch - lồng ngực... trực 24/24 giờ. Trong 9 ngày nghỉ Tết, trung bình mỗi y bác sĩ khoa Khám bệnh trực 2 ngày, 2 đêm. Khoa khám bệnh cũng đặt ra kế hoạch cấp cứu  ngoại viện khi có tình huống xảy ra. Số lượng y bác sĩ trực trong dịp Tết của BV lên khoảng 300 lượt người… 

Không được từ chối bệnh nhân 

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, để bảo đảm tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết, Cục đã có công điện đề nghị các BV trực thuộc tổ chức trực đầy đủ theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ. Danh sách cán bộ trực phải được niêm yết tại các khoa, phòng. Để tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân, các BV cần phải lên phương án dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào. Đặc biệt phải chú ý nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp, ứng xử ân cần, hòa nhã, thực hiện đúng các quy định liên quan và các quy trình chuyên môn kỹ thuật.

Cũng theo ông Khuê, ngoài công tác cấp cứu và khám chữa bệnh, các BV còn phải chủ động đối phó tình hình dịch bệnh có thể xảy ra trong dịp Tết. Cùng đó, phải xây dựng kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh; hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết. Ngoài ra, cần tổ chức thăm hỏi và đón Tết cho người bệnh còn điều trị tại BV trong dịp Tết, nhất là những người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách… Bộ Y tế sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất việc chuẩn bị và thực hiện thường trực của một số BV trước và trong dịp Tết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có công điện yêu cầu đẩy mạnh việc tuyên truyền các nội dung về ATTP của cả người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng. Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, địa phương duy trì và tăng cường công tác thanh kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bộ Y tế cũng yêu cầu thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATVSTP để người tiêu dùng biết, lựa chọn thực phẩm an toàn. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các địa phương phải chỉ đạo các đơn vị y tế chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, phương tiện để ứng phó khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra. Với các Viện Kiểm nghiệm ATVSTP, cần bố trí cán bộ, sẵn sàng hỗ trợ địa phương trong điều tra, xử lý ngộ độc.