Hàng loạt vụ cướp tài sản từ hội 'những người vỡ nợ muốn làm liều': Cần xem xét xử lý người lập hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên tiếp các vụ cướp tài sản xuất phát từ ‘hội những người vỡ nợ muốn làm liều’ trên mạng xã hội thời gian qua đã gây xôn xao dư luận. Nhiều người cho rằng, cần xử lý nghiêm cá nhân lập hội, nhóm này để làm gương.

Lập hội để rủ nhau trộm cắp, cướp tài sản?!

Mới đây lực lượng chức năng đã ngăn chặn thành công vụ cướp 5 tỷ của thành viên ‘Hội những người vỡ nợ muốn làm liều’.

Qua công tác điều tra theo dõi, Công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai phát hiện một nhóm đối tượng từ nhiều tỉnh, thành liên lạc với nhau trên nhóm Facebook ‘Hội những người vỡ nợ muốn làm liều’ để tụ tập, tổ chức cướp tài sản.

Trong nhóm này, các đối tượng nhắm đến các hộ dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (xã Lộc An, huyện Long Thành).

Do đó, CAH Long Thành đã phối hợp với cắc phòng chức năng bắt giữ 2 đối tượng Huỳnh Đăng Khoa (34 tuổi, quê tỉnh Long An) và Nguyễn Ngọc Quân (27 tuổi, quê tỉnh Thái Bình) khi đang chuẩn bị đột nhập vào nhà dân tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn để cướp tài sản.

Các đối tượng khai nhận, do nợ nần nên Khoa và Quân đã tham gia vào nhóm ‘Hội những người vỡ nợ muốn làm liều’. Sau đó, Khoa thành lập nhóm kín gồm Khoa, Quân và 2 đối tượng (chưa rõ lai lịch) lên kế hoạch cướp 5 tỷ đồng của một người dân ở khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Các đối tượng bị CAH Đông Anh bắt giữ

Các đối tượng bị CAH Đông Anh bắt giữ

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Anh, Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam nhóm đối tượng liên quan đến vụ trộm cắp, đột nhập lấy đi nhiều tài sản có giá trị tại siêu thị trên địa bàn.

Các đối tượng gồm Kiều Quang Hiếu (SN 1990), Nguyễn Tiến Mạnh (SN 1990), Thiều Quang Hưng (SN 1987), Lê Hữu Cường (SN 1994) và Nguyễn Đình Hiệu (SN 2000). Thủ đoạn của Kiều Quang Hiếu là lập, tham gia ‘Hội những người vỡ nợ muốn làm liều’ để lôi kéo một số đối tượng đi trộm cắp.

Cách đây không lâu, cũng do nợ nần chồng chất, 3 đối tượng tham gia ‘Hội những người vỡ nợ muốn làm liều’ đã lên kế hoạch cướp tài sản tại các đại lý thu mua nông sản ở Đắk Lắk.

Trước đó, Công an huyện Krông Năng phát hiện một nhóm đối tượng từ nhiều tỉnh thành khác nhau như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Nam Định, Ninh Thuận liên lạc với nhau trên nhóm ‘Hội những người vỡ nợ muốn làm liều’, bàn bạc dùng hung khí tấn công các đại lý thu mua nông sản để cướp tài sản.

Sau gần 12 giờ đồng hồ triển khai đánh án, lực lượng công an đã bắt giữ 3 đối tượng khi đang chuẩn bị hung khí để tấn công một đại lý thu mua nông sản ở xã DliêYa, huyện Krông Năng, gồm Dương Hoàng Kiên (28 tuổi), Trần Văn Tường (22 tuổi) và Phạm Văn Tuân (38 tuổi).

Không chỉ có ‘Hội những người vỡ nợ muốn làm liều’, hiện trên mạng xã hội có khá nhiều hội nhóm ‘đen’ với hàng chục nghìn, thậm chí trăm nghìn thành viên như ‘ Hội những người đi tù’, ‘Hội túng quẫn làm liều’, ‘Đòi nợ thuê’…

Hội nhóm ảo, hậu quả thật

Chỉ với vài thao tác đơn giản người sử dụng mạng xã hội có thể tìm thấy và gia nhập các hội nhóm ‘đen’ và nhận được tư vấn nhiệt tình của các thành viên về mọi vấn đề, trong đó có cả những hành vi vi phạm pháp luật như sử dụng ma túy, các chiêu trò trốn nợ, đòi nợ…Thậm chí có không ít thành viên còn dạy nhau cách bán ma túy hoặc rủ nhau đi cướp?!

Điều đáng nói là, từ việc trao đổi thông tin trên thế giới ảo, một số đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội ngoài đời thực. Chỉ riêng ‘Hội những người vỡ nợ muốn làm liều’, cơ quan chức năng đã ghi nhận khá nhiều vụ cướp có tổ chức.

Thực tế, hầu hết người dùng mạng xã hội khi tham gia vào các hội nhóm ‘đen’ đều không ý thức được việc mình thực hiện tương tác tại đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù mạng là “ảo” nhưng nếu cá nhân vì những lời bình luận, cổ vũ mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì hậu quả thật có thể phải gánh là trách nhiệm về mặt pháp lý - luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.

Cụ thể, cá nhân tham gia mạng xã hội có hành vi chia sẻ thông tin đồi trụy, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc…sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, những người lập, quản lý các hội nhóm ‘đen’ trên mạng xã hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Nếu họ có hành vi kích động, tư vấn, giúp sức…đối tượng phạm tội thì có thể bị xem xét với vai trò đồng phạm.

Trường hợp chủ hội nhóm biết những người tham gia hội nhóm của mình đang bàn bạc đề thực hiện hành vi phạm tội nhưng không phản đối hoặc báo cáo cơ quan chức năng thì có thể bị xử lý về hành vi không tố giác hoặc che giấu tội phạm.

Để ngăn chặn các vụ việc vi phạm pháp luật có thể xảy tiếp theo, lực lượng chức năng rà soát các vấn đề nổi lên trên không gian mạng, hoạt động của các hội nhóm tội phạm trên mạng để đấu tranh, xử lý kịp thời – luật sư Thu khuyến cáo.