Hàng loạt điểm mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi mới được thông qua

ANTD.VN -Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sáng 20-11 có hàng loạt quy định mới, quan trọng  đối với người lao động như  được chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do, nghỉ việc riêng vẫn hưởng nguyên lương... Bộ luật Lao  động có hiệu lực thi hành từ 1-1-2021.

Bộ luật quy định về nguyên tắc nhằm bảo đảm quyền của các tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong đối thoại, thương lượng, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Chế định về hợp đồng lao động quy định theo hướng bảo vệ tốt hơn đối với người lao động như: Quy định hợp đồng lao động là sự thỏa thuận về việc làm có trả công, tiền lương...

Đặc biệt, Điều 35 của Bộ luật cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do mà chỉ cần báo trước theo thời hạn quy định tương ứng với các loại hợp đồng lao động.

Bộ luật cũng quy định linh hoạt về thử việc bằng việc thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng thử việc; được quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của mình khi chấm dứt hợp đồng lao động...

Bộ luật Lao động sửa đổi bổ sung thêm nhiều quyền của người lao động

Bộ luật bổ sung một ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với người lao động liền kề với Ngày Quốc khánh 2-9; bổ sung thêm trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương, điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Bộ luật quy định cụ thể hơn về cơ chế nhằm bảo vệ tốt hơn cho lao động chưa thành niên, bảo đảm quyền việc làm, quyền lao động của lao động nữ thay vì quy định hạn chế như Bộ Luật Lao động hiện hành.

Ngoài ra, Bộ Luật còn quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động.

Đồng thời, quy định linh hoạt hơn quyền lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp lao động sau khi tiến hành thủ tục hòa giải, không quy định sự can thiệp, giải quyết hành chính của nhà nước đối với giải quyết tranh chấp lao động. 

Đối với người sử dụng lao động, Bộ luật lần đầu tiên luật hóa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động khác.

Ngoài ra, Bộ luật đã mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động; người sử dụng lao động được quyền ký kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn đối với lao động cao tuổi và lao động là người nước ngoài.

Về tiền lương, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, tiền lương được thực hiện trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa các bên; doanh nghiệp chủ động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.

Bộ luật cũng quy định linh hoạt về đăng ký nội quy lao động bằng việc có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Các quy định về giải quyết tranh chấp lao động linh hoạt hơn tạo thuận lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động.