Hàng chục bệnh nhân hiểm nghèo được bảo hiểm y tế chi trả 2-3 tỷ đồng

ANTD.VN - Trong danh sách những bệnh nhân được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) chi phí cao nhất từ năm 2018 đến nay, có đến hơn 20 trường hợp được BHYT chỉ trả từ trên 1 tỷ đến 3 tỷ đồng…

BHYT thực sự trở thành "phao cứu sinh" cho nhiều người bệnh hiểm nghèo

Phao cứu sinh của người bệnh

Có thể kể ra những bệnh nhân được hưởng BHYT chi phí cao nhất thời gian gần đây như: bệnh nhân Đào Văn Hoan (sinh 1992, Thái Nguyên) được BHYT chi trả gần 2,96 tỷ đồng; bệnh nhi Hoàng Minh Vũ (sinh 2010, Lạng Sơn) được BHYT chi trả trên 2,93 tỷ đồng; bệnh nhân Nguyễn Bạch Nhật (sinh 1956, Hưng Yên) được BHYT chi trả 2,37 tỷ đồng…

Đó là những bệnh nhân thuộc nhóm đối tượng được hưởng BHYT 100%. Ngay cả với những bệnh nhân phải đồng chi trả, nhiều trường hợp cũng được BHYT đồng chi trả rất lớn, như: bệnh nhân Lương Huy Hoàng (sinh 2004, Hải Phòng) có tổng chi phí điều trị là 1,8 tỷ đồng, được BHYT chi trả tới gần 1,65 tỷ đồng; bệnh nhân Phạm Thị Nguyệt (sinh 1974, Hà Nội) tổng chi phí điều trị gần 1,6 tỷ đồng, được BHYT chi trả 1,58 tỷ đồng…

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, tính đến tháng 5-2019, cả nước có 84,5 triệu người dân tham gia BHYT, tương đương 89% dân số.

Đáng chú ý, diện bao phủ BHYT đã tập trung vào các nhóm yếu thế, như nhóm người lao động đã tham gia BHYT đạt hơn 90%; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100%; nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ như hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên có tỷ lệ tham gia xấp xỉ 100%.

Đặc biệt, từ khi thực hiện Luật BHYT sửa đổi năm 2014 thì đến tháng 5-2019, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình đã đạt trên 17 triệu người. “Đây là con số thể hiện sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị cũng như là sự quan tâm người dân trong quá trình tham gia BHYT” - ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, sau 27 năm thực hiện chính sách BHYT, việc tham gia BHYT được đánh giá là một trong những giải pháp giúp người dân có “phao cứu sinh” thoát khỏi bệnh hiểm nghèo.

Công tác giám định BHYT được siết chặt để ngăn tình trạng trục lợi quỹ BHYT

Kiểm soát chi phí, ngăn chặn trục lợi quỹ BHYT

Ngày BHYT Việt Nam năm nay (1-7-2019) sẽ đánh dấu cột mốc kỷ niệm 10 năm thực hiện Ngày BHYT Việt Nam. Đánh giá lại chặng được 10 năm vừa qua, Bộ Y tế khẳng định, ngoài diện bao phủ BHYT tăng rõ rệt thì quyền lợi của người bệnh BHYT cũng tương đối toàn diện và ngày càng được mở rộng.

Đặc biệt, chất lượng khám chữa bệnh BHYT được nâng cao, ở hầu hết cơ sở y tế không còn tình trạng phân biệt giữa người bệnh BHYT với người bệnh khám dịch vụ như trước.

Về cân đối thu chi quỹ BHYT, năm 2009, mức đóng BHYT được tăng lên từ 3% lên 4,5%, quỹ BHYT đã có kết dư (đến 2015 quỹ kết dư khoảng 52.000 tỷ đồng).

Từ năm 2016 có điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhu cầu khám chữa bệnh tăng và các dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới được quỹ BHYT chi trả nhưng quỹ BHYT vẫn đảm bảo cân đối thu- chi do có nguồn kết dư và nguồn quỹ dự phòng.

Dự kiến trong một vài năm tới chưa cần điều chỉnh mức đóng BHYT, do đó chưa tác động đến nguồn ngân sách nhà nước (hỗ trợ đóng cho tối tượng ưu đãi xã hội, đối tượng khó khăn) cũng như chưa tác động đến nguồn thu của các doanh nghiệp và người lao động” – BHXH Việt Nam nhấn mạnh.

Trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết, đến nay, toàn thành phố đã có khoảng 6,7 triệu người tham gia BHYT, tăng 312.125 người so với cùng kỳ năm 2018 và đạt tỷ lệ bao phủ 87,2% dân số.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có 5,6 triệu lượt người dân Thủ đô khám chữa bệnh BHYT; với chi phí đề nghị cơ quan BHXH thanh toán lên tới trên 8.680 tỷ đồng, bằng 51,53% dự toán được giao, vượt dự toán 258,3 tỷ đồng...

Theo BHXH TP Hà Nội, việc chi BHYT trên địa bàn thành phố vượt dự toán 1,53% ở 6 tháng đầu năm 2019 có nhiều nguyên nhân. Trong đó, ngoài số lượt người khám chữa bệnh BHYT tăng, danh mục dịch vụ kỹ thuật được BHYT thanh toán ngày càng mở rộng, cũng không loại trừ có nguyên nhân có sự trục lợi quỹ BHYT từ người bệnh và cơ sở y tế.

Vì thế, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt để kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, đặc biệt là phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng trục lợi quỹ BHYT trong thời gian tới.