Hãng bay điêu đứng vì “bão giá” nhiên liệu, nhà chức trách đề xuất tăng trần giá vé máy bay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các hãng hàng không đang trên đà phục hội hậu Covid-19 thì giá nhiên liệu bay lại tăng mạnh, để bù đắp một phần chi phí Cục Hàng không kiến nghị tăng trần giá vé máy bay nội địa. 

Theo Cục Hàng không Việt Nam, đầu năm 2020, do những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm sốc, nhu cầu tiêu thụ về nhiên liệu Jet A1 trên toàn cầu cũng giảm mạnh kéo giá đi xuống.

Khi thị trường bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục, từ tháng 5/2020 đến hết năm 2021, giá nhiên liệu Jet A1 có xu hướng tăng trở lại và tiệm cận lại mức giá giai đoạn năm 2018-2019.

Giai đoạn đầu năm 2022, do các bất ổn về tình hình chính trị trên thế giới, giá nhiên liệu Jet A1 tăng cao đột biến. Thậm chí, cuối tháng 3/2022 khi đà tăng của giá dầu thô có dấu hiệu chững lại thì giá Jet A1 vẫn tiếp tục tăng cao.

Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí và các yếu tố chi phí khác không có biến động thì chi phí nhiên liệu tháng 4/2022 của các hãng hàng không tăng 65% so với tháng 12/2014 và tăng 84% so với tháng 9/2015.

Cục Hàng không kiến nghị tăng trần giá vé máy bay nội địa để bù đắp chi phí nhiên liệu tăng cao

Cục Hàng không kiến nghị tăng trần giá vé máy bay nội địa để bù đắp chi phí nhiên liệu tăng cao

Theo đại diện Bamboo Airways, nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí nhiên liệu ước tính của Bamboo Airways sẽ tăng thêm khoảng 3.200 tỷ đồng. Con số này sẽ tăng lên đến 4.600 tỷ đồng nếu nhiên liệu lên đến mức 150 USD/thùng.

Tương tự, với Vietnam Airlines, chi phí của hãng sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng nếu giá nhiên liệu bay là 130 USD/thùng. Nếu lên tới 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm tới hơn 9.100 tỷ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến năm 2022 của hãng.

Tình hình cũng không khả quan hơn với Vietjet khi chi phí của hãng sẽ phải tăng thêm tới 5.200 tỷ đồng nếu nhiên liệu Jet A1 duy trì ở mức 130 USD/thùng. Con số tương ứng với Vietravel Airlines là 310 tỷ đồng.

Trước căng thẳng trên, Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất Bộ GTVT phê duyệt chủ trương điều chỉnh mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa.

Theo cơ quan này, mặc dù biến động chi phí Jet A1 hiện nay tác động làm tăng hơn 30% tổng chi phí của các hãng hàng không, song trong giai đoạn Chính phủ đang nỗ lực kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ về mức quy định thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành).

Cụ thể, đường bay từ 500 - 850km tăng giá trần từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng (2,27%); từ 850 - 1.000km tăng từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng (3,58%). từ 1.000 - 1.280km tăng từ 3,2 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng (6,25%); từ 1.280km trở lên tăng từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng (6,67%).

Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không đề xuất điều chỉnh khung giá vé máy bay dưới tác động của giá nhiên liệu.

Tháng 9/2015, giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á giảm từ 84,5 USD/thùng xuống còn 61,6 USD/thùng, thuế nhập khẩu tăng từ 7% lên 10%, biến động tỷ giá 9 tháng đầu năm 2015 tăng 5%; Thuế bảo vệ môi trường tăng 200% (từ 1.000đồng/l lên 3.000đồng/l). Với mức tăng giảm chi phí như trên, chi phí của hãng hàng không giảm khoảng 2%.