Hận tình 30 năm, giờ mới quyết thành... sát thủ

ANTĐ - Người đàn bà ấy lúc khóc, lúc tỏ ra yếu đuối, lúc tại cao giọng cương quyết “nhất định phải trả thù chồng”, dù mối hận đã qua gần 30 năm nay.

Phùng Thị Tín, sinh năm 1959, quê ở xã Thái Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội, đã kể một mạch, kể chi tiết cuộc hôn nhân ngắn ngủi với ông chồng tên Xuyên và “nỗi hận ngàn thu” vì bị chồng ruồng rẫy và đuổi ra khỏi nhà. Cái kiểu nói chuyện rất thật thà của chị ta khiến người nghe có cảm giác con người này hơi “leng keng”. Ít nhất đã hai lần Tín xách dao đến tận nhà chồng để... giải quyết dứt điểm.

Chấp nhận đi tù để “giải quyết mâu thuẫn”

Phùng Thị Tín lấy ông Đỗ Đình Xuyên, SN 1957, ở xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội từ năm 1981, nhưng chỉ 4 năm sau thì họ sống ly thân, mà theo lời Tín thì do chị ta bị chồng ruồng rẫy nên kiếm cớ đuổi khỏi nhà. Sau này, ông Xuyên đã lấy vợ mới, sinh con với người này, còn Tín cũng có một đứa con với một người đàn ông khác nhưng hiện cũng không ở với người này. Từ đó đến nay, Tín vẫn nuôi mối hận, cho rằng mình không có lỗi gì nhưng lại bị đối xử tàn tệ. Trước khi gây ra vụ án vào ngày 25-2, khiến chị Đỗ Thị Khanh (em gái ông Xuyên) bị thương nặng, vào năm 1995, Tín đã vác dao đến nhà ông Xuyên, dùng dao đâm ông này vì ông Xuyên không đáp ứng được những “yêu cầu” mà Tín đưa ra khi chị ta luôn cho rằng, mình quá thiệt thòi khi ra đi khỏi nhà chồng tay trắng.
Lần trả thù này, Tín đã xác định, dù phải đi tù cũng phải “giải quyết” dứt điểm, chỉ như thế nỗi hận trong lòng người đàn bà ấy mới nguôi ngoai. Chiều 24-2, Tín đi xe khách từ Ba Vì đến nội thành Hà Nội, rồi thuê nhà trọ nghỉ đêm. Sáng hôm sau (25-2), Tín bắt xe buýt đến Bến xe Đông Mỹ rồi đi bộ đến nhà ông Đỗ Đình Xuyên. Trên đường đi, chị ta dừng lại mua một con dao ở chợ Tự Khoát (Ngũ Hiệp), giấu vào trong túi nilon đen. Đến nhà ông Xuyên, thấy chị Khanh, Tín đã dùng dao đâm chị này nhưng chị Khanh đỡ được. Nghĩ rằng, với thương tích nhẹ chưa đủ để... Tòa giải quyết nên Tín chạy theo đâm nhiều nhát vào người chị Khanh. Chị Khanh kêu cứu, chạy vào nhà người dân gần đó nhưng vẫn bị Tín chạy theo đâm tới tấp. Ông Đỗ Văn Đức, hàng xóm gần đó nghe tiếng kêu cứu chạy ra, Tín hoảng sợ nên đã bỏ chạy ra ngoài đường, chạy được hơn trăm mét thì bị ông Đức cùng người dân quanh đó bắt được.

Phùng Thị Tín tại cơ quan điều tra.

30 năm vẫn nuôi một mối thù

Tại Công an huyện Thanh Trì, ngay sau khi Phùng Thị Tín bị bắt, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với người đàn bà này. Gần hết cả một buổi sáng trò chuyện với Tín, vẫn không lý giải được tại sao chị ta phải mấy lần vác dao đi “giải quyết mâu thuẫn” với ông Xuyên bằng mọi giá như vậy.

- Chị Tín này, chị đã có con riêng, anh Xuyên cũng đã có vợ con mới, hai người không còn chung sống với nhau đã gần 30 năm nay, sao chị vẫn còn giận anh ấy đến thế?

- Không phải giận mà là hận. Tôi và anh ấy lấy nhau mới được 3-4 năm thì anh ấy ruồng rẫy tôi, xui mẹ và các em ruồng rẫy, đến năm 1985, mẹ chồng tôi kiếm cớ đuổi tôi ra khỏi nhà. Chuyện lâu lắm, dài lắm, mâu thuẫn thì chả có gì cả, tôi sống với mẹ anh ấy và các em anh ấy (có cô Khanh mà tôi đâm ý) từ tháng 12-1981 đến tháng 4-1984, hai vợ chồng không có mâu thuẫn gì phải cãi nhau cả, tôi chưa có con, còn anh ấy lái xe thỉnh thoảng mới về nhà một vài ngày. Tôi với nhà chồng không có gì xích mích. Rồi chuyện rất bất ngờ xảy ra, năm 1985, mẹ anh ấy vu khống cho tôi một cái cớ rồi đuổi tôi.

- Chị nói cụ thể xem “cái cớ” đó là gì?

- Tôi không nói được. Tôi chỉ nói khi ra tòa đối chất với Xuyên. Nếu không nghe lời anh ấy dụ dỗ thì tôi vẫn có việc làm ở công ty xây dựng trên Sơn La.

- Sao chị lại nói anh ấy dụ dỗ chị?

- Vì năm 1980, tôi đi vùng kinh tế mới miền núi, làm công nhân xây dựng ở Sơn La, anh ấy là lái xe, ăn ở nhà tôi suốt, anh ấy bảo tôi về hai đứa lấy nhau, chuyển được việc về xuôi thì chuyển mà không thì về làm ruộng. Tôi nghe anh ấy về quê anh ấy làm ruộng. Tôi ăn ở với nhà chồng không có điều tiếng gì, nhưng vài năm sau thì anh ấy bắt đầu ruồng rẫy.

- Quá trình mấy năm chung sống với nhau, đã bao giờ anh Xuyên đánh chị chưa?

- Đời tôi là một câu chuyện quá dài, Xuyên có đánh tôi chứ, Xuyên đánh bằng tay, bằng chân, chỉ mỗi là không cầm dao thôi.

- Hai người có ra tòa ly hôn không?

- Không, chưa có phiên tòa nào cả. Vì vậy, tôi rất cần được ra tòa để tòa xử xem ai đúng, ai sai. Năm 1995, tôi đến nhà anh ấy, yêu cầu Xuyên ra tòa thì Xuyên nói, “tôi không ra tòa, cô thích thì làm đơn, tôi cũng không ra. Chẳng có tòa nào bỏ tù thằng đàn ông bỏ vợ cả”. Anh ấy nói rất cùn, tôi bảo, “nếu anh không chấp nhận thì tôi với anh giải quyết tay bo, anh phải đền bù vật chất cho tôi, tôi là phận con gái thiệt thòi, bị chồng bỏ rơi thì phải đền bù cho tôi”. Xuyên nói: “Cô làm được cái gì cho nhà tôi mà cô đòi đền bù”. Hai yêu cầu của tôi, Xuyên đều chối hết.

- Việc mâu thuẫn của vợ chồng chị, chả lẽ gia đình anh ấy không khuyên can à?

- Có ông Thắng là chú rể của Xuyên, khi tôi đến gặp Xuyên, ông ấy biết có nói với Xuyên: “Anh nói với chị ấy như thế là không được, chị Tín về nhà anh, khi không ở với nhau nữa vẫn phải đền bù thiệt hại, vì chị ấy là con gái”. Thấy ông chú rể nói như thế, Xuyên miễn cưỡng trả lời tôi là: “Cô đòi hỏi phải chăng thì tôi còn đáp ứng, nếu cô đòi quá đáng thì tôi không chịu”. Tôi chưa kịp trả lời thì con vợ của Xuyên bế đứa con nhỏ đi lên, vứt con vào lòng Xuyên. Xuyên đứng phắt dậy, không nói lời nào để tôi ngồi chơ vơ một mình. Tất cả những chuyện mà Xuyên đối xử với tôi, tôi điên lắm, tôi bị phụ tình, tôi không có tội lỗi gì mà bỏ tôi trắng trợn lại không giải quyết tại tòa, trắng trợn lấy vợ khác. Tôi không còn cách nào khác, tôi mua một con dao như hôm đâm cô Khanh ý, tôi quay vào gặp Xuyên, Xuyên tiếp tục chửi tôi. Lúc đó, Xuyên đi ra đường định lên Hà Nội lấy hàng, tôi uất ức chạy chặn trước mặt Xuyên, hét ầm lên: “Tôi cần phải giải quyết với anh”. Xuyên thấy tôi căng thẳng quá nên quay về, vừa ngồi xuống bàn, tôi cầm dao đâm luôn, nhưng không ngờ Xuyên quay phắt lại túm được dao của tôi. Lưỡi dao quệt vào Xuyên làm chảy máu, Xuyên gọi mọi người đến trói tôi vào rồi đưa tôi lên Công an xã Ngũ Hiệp. Hôm sau tôi được thả ra.

- Chị nói cụ thể, vì nguyên nhân gì mà chị lại bị nhà chồng đuổi đi?

- Chuyện này dài lắm, tôi phải gặp Xuyên tại tòa để đối chất, Tòa xử mới biết ai là người đúng, người sai.

- Mấy chục năm qua, sao chị không giãi bày tâm sự với ai đó để cho vơi bớt nỗi lòng, tại sao lại phải ôm nỗi hận khổ sở đến vậy?

- Tôi quyết tâm giải quyết bằng được với Xuyên, phải cho ra ngô ra khoai, kể cả đi tù, kể cả tôi phải chết. Khi con tôi mới 2 tuổi, tôi đã định giải quyết với Xuyên nhưng tôi không nỡ bỏ đứa con, mình không nuôi được nó trở thành người mẹ có tội, tôi dằn lòng, nhưng không thể nào quên mối thù với Xuyên, không thể bỏ qua được. Tôi nuôi con tôi đến nay là 20 tuổi rồi, nó tự lo cuộc sống được rồi. Bây giờ tôi giải quyết với Xuyên không phải để đòi tiền, đòi ly hôn, chỉ là để hả lòng, giải tỏa uất hận. Lúc tôi cần tiền để nuôi con thì không được. Chị phải nhớ là mục đích lần này khác hẳn lần trước.

- Chị đã chuẩn bị cho lần “giải quyết” này như thế nào?

- Tôi mua sẵn dao, tôi xác định lần này không phải gặp để nói chuyện nữa. Tôi định đi vào, nhìn thấy là xọc một nhát dao rồi nói chuyện tại tòa, nhưng thấy một phụ nữ nên tôi hỏi: “Có anh Xuyên ở nhà không?”, khi người này quay lại, tôi nhận ra là cô Khanh.

- Chị Khanh thì có thù hằn gì với chị mà chị lại nỡ đâm chị ấy tới 13 nhát?

- Cô Khanh nhận ra tôi và hỏi: “Chị hỏi anh Xuyên có việc gì?”. Xuyên dạo này làm ông chủ của 50 công nhân nên tôi đáp bừa: “Hỏi để kiếm việc làm”. Khanh nhìn thấy tôi và thái độ rất ngỡ ngàng. Tôi nghĩ, nếu nó nhận ra mình thì nó sẽ mách với anh nó, và Xuyên sẽ đối phó khiến tôi không bao giờ tiếp cận được Xuyên nữa, không bao giờ tôi giải quyết được uất hận. Tôi nghĩ rất nhanh, rút dao ra, đâm bừa vào người Khanh. Cô Khanh chạy ra ngõ, tôi chạy theo đâm liên tiếp vào người cô ấy.

- Mọi mâu thuẫn của chị với anh Xuyên, với gia đình nhà chồng, sao chị không nhờ Công an giải quyết?

- Tôi có thể nói với cô, vì tôi với cô là phụ nữ. Nhưng nếu ra Công an, ra tòa thì Xuyên không bao giờ nhận mình sai, mà sẽ đổ hết lỗi cho tôi. Xuyên không cầm dao đâm tôi, không bóp cổ chết tôi nhưng Xuyên đối xử với tôi không tốt. Nếu tôi là người phụ nữ yếu đuối, tôi đã ra chợ mua liều thuốc chuột uống để giải thoát cuộc đời tôi rồi.