Hàn Quốc đánh giá hiệu quả của vũ khí điều khiển chính xác

ANTĐ - Do điều kiện kinh phí huấn luyện hạn hẹp nên cả 3 lực lượng hải, lục và không quân Hàn Quốc thường chỉ tổ chức diễn tập bắn đạn thật với quy mô nhỏ, sử dụng vũ khí điều khiển chính xác hạn chế dẫn đến chất lượng huấn luyện không cao, tỷ lệ đánh trúng mục tiêu không ổn định.

Ngày 26/08/2012, 3 binh chủng hải, lục và không quân Hàn Quốc đã đệ trình lên Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội bản “Báo cáo về hiện trạng bắn đạn thật các loại vũ khí điều khiển chính xác của quân đội Hàn Quốc 3 năm gần đây”. Báo cáo thể hiện, trong năm 2011, tỷ lệ bắn trúng mục tiêu của vũ khí điều khiển chính xác có sự chênh lệch rất lớn, dao động trong khoảng từ 33-100 %.

Với binh chủng không quân, tỷ lệ bắn trúng của loại tên lửa không đối đất AGM-142 “Popeye”, tầm bắn 105km chỉ đạt 33%; xác suất tiêu diệt mục tiêu của loại tên lửa không đối đất thế hệ mới nhất AGM-84H “SLAM-ER” (tầm bắn 278km) phóng từ máy bay tiêm kích bom F-15K “Eagle” cũng chỉ được 50%; tên lửa không đối không AIM-120 “AMRAAM” có tỷ lệ bắn trúng máy bay địch là 50%.

Tên lửa AGM-84H “SLAM-ER” lắp đặt trên máy bay F-15K

Bom điều khiển của không quân Hàn Quốc có hiệu suất cao hơn, nhưng chỉ đối với các mục tiêu cố định. Loại bom GBU-24 được mệnh danh là “kẻ phá hoại Boongke” có hiệu suất 85%, còn loại GBU-31 thuộc loại “vũ khí tấn công chính xác dẫn đường tổng hợp” (JDAM) có hiệu suất tuyệt đối 100%. Ngoài ra, loại tên lửa không đối không tìm nhiệt dẫn đường hồng ngoại AIM-9 “Rắn đuôi kêu” (Sidewinder) và tên lửa không đối đất AGM-65G “Maverick” cũng đạt tỷ lệ tương tự.

Trong năm 2011, cả 2 lực lượng hải quân và lục quân Hàn Quốc đều ít huấn luyện bắn đạn thật có sử dụng vũ khí điều khiển chính xác.

Đối với hải quân, trong năm 2011, tỷ lệ bắn trúng mục tiêu của loại ngư lôi “Cá mập trắng” (White Shark) đạt 100%, còn hiệu suất của loại “Cá mập xanh” (Green Shark) là 50%. Trong năm hải quân Hàn Quốc không tiến hành diễn tập bắn đạn thật đối với loại tên lửa phòng không hạm tầm xa SM-2 “Raytheon” (tầm bắn 170km) lắp đặt trên các tàu khu trục hạng nặng.

Lục quân Hàn Quốc cũng tiến hành một số khoa mục bắn đạn thật. Tên lửa phòng không vác vai “Cung Thần” (GODBOW) và tên lửa phòng không “PEGASUS” đạt hiệu suất bắn trúng tuyệt đối, còn loại tên lửa chống tăng “TOW” cũng đạt tỷ lệ không tồi là 76%.

Mô hình máy tính mô tả quá trình hoạt động của một quả ngư lôi Hongsangeo (Koreatimes)

Gần đây nhất, ngày 25/7/2012, Hàn Quốc đã bắn thử nghiệm ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ cá mập đỏ “Hongsangeo” tại bờ biển ở Pohang (cách Seoul 270km về phía Tây Nam). Tuy nhiên, ngư lôi đã không đánh trúng mục tiêu và mất tích dưới đáy biển. Sự thất bại của Hongsangeo nâng mức báo động về hiệu quả của vũ khí dẫn đường chính xác cao do Hàn Quốc phát triển. 

Vài năm gần đây ngân sách quốc phòng Hàn Quốc có tăng lên nhưng không đáng kể và vẫn còn thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực. Năm 2011, ngân sách quốc phòng của Hàn Quốc là 26 tỷ USD, năm 2012 dự kiến tăng lên 31,3 tỷ, gần bằng 1/4 ngân sách quốc phòng Trung Quốc. Thậm chí, ngân sách quốc phòng Hàn Quốc cũng chỉ bằng một nửa so với Nhật Bản (năm 2011, ngân sách quốc phòng của Nhật là 57 tỷ USD, năm 2012 là 61,2 tỷ).

Do nguồn ngân sách hạn hẹp nên quân đội Hàn Quốc rất dè dặt trong tổ chức huấn luyện bắn đạn thật, các cuộc diễn tập bắn đạt thật có sự tham gia của vũ khí điều khiển chính xác thường có quy mô rất nhỏ, thường chỉ bắn hoặc phóng vài quả đạn, tối đa cũng chỉ chục quả. Vì thế kết quả thống kê hàng năm có sự chênh lệch rất lớn.

Đơn cử ví dụ: Hiệu suất của loại ngư lôi “Cá mập xanh” năm 2011 là 50%, nhưng năm 2010 lại bằng 0; tỷ lệ bắn trúng của loại tên lửa không đối đất AGM-65G “Maverick” năm 2010 là 50% nhưng năm 2011 lại đạt hiệu quả tuyệt đối 100%. Một số loại vũ khí tấn công chính xác thậm chí có năm chỉ được bắn 1, 2 quả. Rõ ràng với quy mô diễn tập nhỏ, số lượng bắn ít ỏi như vậy, rất khó để đánh giá chính xác chất lượng của vũ khí, trang bị.

Các quan chức quân sự Hàn Quốc cho rằng, vũ khí tấn công chính xác giá thành rất đắt, một quả bom hoặc tên lửa điều khiển chính xác có giá từ 1–2 tỷ Won (khoảng 900.000 – 1,8 triệu USD), lại luôn phải dự trữ 1 số lượng vũ khí điều khiển chính xác nhất định để tăng cường khả năng đối phó trong thời chiến. Với quan điểm đó, quân đội Hàn Quốc khó mà được bảo đảm đầy đủ về công tác huấn luyện bắn đạn thật.

Vì vậy, trong báo cáo kết toán tài chính thường niên năm 2011, Ủy ban quốc phòng của Quốc hội Hàn Quốc đã chỉ rõ, cần phải căn cứ vào thực trạng vũ khí, trang bị và tham khảo tình hình sử dụng của nước ngoài để xây dựng tiêu chuẩn cụ thể về tỷ lệ bắn trúng mục tiêu. Ngoài ra còn phải tăng cường số lượng các đợt huấn luyện và diễn tập có bắn đạn thật để nâng cao độ chính xác trong đánh giá chất lượng. Có thể trong thời gian tới, các đợt huấn luyện bắn đạn thật và tần suất sử dụng vũ khí tấn công chính xác của quân đội Hàn Quốc sẽ tăng lên cả về lượng và chất.