- Ông Trump bất ngờ nói về bầu cử Mỹ có gian lận
- Tổng thống Hàn Quốc bị tố lạm quyền
- Ghana phá cơ sở giả đại sứ quán Mỹ suốt 10 năm
Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung, ông Lee Jae-yong (ảnh giữa)
Trong một tuyên bố, người phát ngôn tòa án cho biết, việc bắt giữ ông Lee ở thời điểm hiện tại là cần thiết do có những cáo buộc và bằng chứng mới trong vụ việc. Ông Lee trước đó đã bị giữ sau khi xuất hiện tại tòa án ngày 16-2 để nghe phán quyết của các thẩm phán về việc bắt giữ mình.
Bị cáo buộc hối lộ 37,74 triệu USD
Trước đó 1 tháng, tòa án đã bác yêu cầu bắt giữ ông Lee của phía công tố. Đến đầu tuần này, văn phòng công tố một lần nữa yêu cầu bắt giữ ông Lee và đã thành công. Các công tố viên có tối đa 10 ngày để buộc tội ông Lee, nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba của Samsung và cũng là người thừa kế tập đoàn giàu nhất Hàn Quốc, mặc dù họ có thể tìm cách gia hạn thêm.
Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp như vậy của Samsung bị bắt giữ, kể từ khi tập đoàn này được thành lập cách đây gần tám thập kỷ. Ông Lee bị cáo buộc đã hối lộ tổng cộng 37,74 triệu USD cho các tổ chức liên quan đến bà Choi Soon-Sil, bạn thân của Tổng thống bị luận tội Park Geun Hye, để giành được sự ủng hộ của Chính phủ trong việc sáp nhập 2 đơn vị của Samsung. Tuy nhiên, ông Lee và Samsung đã phủ nhận mọi cáo buộc. “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo sự thật được phơi bày trong các thủ tục tố tụng của tòa án trong tương lai”, Tập đoàn Samsung cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn sau khi ông Lee bị bắt.
Cuộc điều tra này là một phần trong cuộc điều tra vụ bê bối chính trị liên quan đến bà Park Geun Hye, nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, người đã bị cáo buộc cho phép bà Choi can thiệp vào các vấn đề chính trị. Bà Choi bị bắt ngay sau khi vụ bê bối bị vỡ lở và đang bị giam trong tù. Hồi tháng 12-2016, Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park. Kể từ đó, bà Park bị đình chỉ chức vụ trong thời gian Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc cân nhắc đưa ra phán quyết có luận tội bà hay không, một quá trình có thể kéo dài 180 ngày.
Samsung có thể ngừng hầu hết kế hoạch đầu tư
Ông Lee là tỷ phú giàu thứ tư Hàn Quốc với tổng tài sản theo Forbes ước tính là 6 tỷ USD. Trong khi đó, cha ông vẫn giữ vị trí giàu nhất nước này với tổng tài sản khoảng 15,3 tỷ USD. Sau khi ông Lee bị bắt, cổ phiếu Samsung Electronics, đơn vị chủ lực của Tập đoàn Samsung, đã giảm 1,1%. Trong khi đó, các công ty khác thuộc Samsung Group như Samsung C&T và Samsung Engineering giảm lần lượt 2,7% và 0,8%.
Vụ việc của ông Lee được đặc biệt chú ý bởi Samsung hiện là tập đoàn kinh tế số 1 tại Hàn Quốc. Các chuyên gia cho rằng, việc ông Lee bị bắt giữ sẽ không cản trở hoạt động hàng ngày của Samsung vì đây là một doanh nghiệp được tổ chức tốt và ổn định, nhưng nó có thể gây trở ngại cho việc ra quyết định chiến lược của tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời nhiều nhà quan sát thị trường ngày 17-2 nhận định rằng, Tập đoàn Samsung có thể sẽ ngừng hầu hết các kế hoạch đầu tư và kinh doanh mới của họ, ít nhất là trong thời gian trước mắt, sau khi nhà lãnh đạo Lee Jae-yong của họ bị bắt giữ.
Các số liệu thống kê cho thấy kể từ khi ông Lee thay người cha Lee Kun-hee lãnh đạo Tập đoàn Samsung năm 2014, Công ty Samsung Electronics Co. của tập đoàn này đã mua lại hơn 15 công ty nước ngoài. Chỉ tính riêng trong năm 2016, Samsung Electronics đã đầu tư hơn 27.000 tỷ won (23,6 tỷ USD), lượng đầu tư lớn nhất trong lịch sử của họ.
Trong khi đó cùng ngày, kênh truyền hình YTN đưa tin các tổ chức kinh tế của Hàn Quốc lo ngại, quyết định bắt giữ ông Lee sẽ gây cú sốc lớn đối với nền kinh tế đất nước. Mặc dù vậy, Hàn Quốc cũng có tiền lệ xử lý không quá nặng tay với các lãnh đạo doanh nghiệp lớn để tránh bất ổn. Do đó, nhiều nhà đầu tư có lý do để tin tưởng rằng, Samsung vẫn có khả năng tránh được một cuộc khủng hoảng lớn.