Hạn chế can thiệp hành chính vào giá cả

ANTĐ - Liên quan đến dự án Luật Quảng cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (UB VH-GD-TN-TN&NĐ), ông Đào Trọng Thi cho rằng, quy định “người kinh doanh dịch vụ quảng cáo và phát hành quảng cáo đều cùng phải chịu trách nhiệm về ấn phẩm quảng cáo” là quá chung chung. Cần làm rõ hơn trách nhiệm của các đối tượng này cũng như trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Người tiêu dùng cần biết rõ chi phí thực trong kinh doanh xăng dầu


Quảng cáo gian dối, trách nhiệm thuộc ai?

Ngoài ra, cần nêu rõ, cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động quảng cáo phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình và bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo khi đưa ra quyết định không đúng, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Về những nội dung cấm trong hoạt động quảng cáo, UB VH-GD-TN-TN&NĐ yêu cầu bổ sung quy định cấm doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức hay cơ quan, tổ chức để quảng cáo, nhằm tạo niềm tin cho người tiếp nhận quảng cáo. Thường trực UB này đề nghị liệt kê đầy đủ các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo và chế tài xử lý các hành vi đó vào luật để nâng cao hiệu lực pháp lý của văn bản pháp quy này. Một số ủy viên UBTVQH còn cho rằng, đề xuất giao Bộ VH-TT&DL quản lý lĩnh vực quảng cáo chưa đủ sức thuyết phục. Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý lo ngại: “Xu thế chung hiện nay là dị ứng với các loại giấy phép, nhưng trong tình hình hoạt động quảng cáo vẫn rất lộn xộn, nhiều bất cập thì việc đồng loạt bỏ giấy phép quảng cáo tôi cho là hơi vội”.

Không nên can thiệp sâu

Về dự án Luật Quản lý giá, cơ quan soạn thảo cho biết, sau khi tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý, Chính phủ đề nghị lấy tên là Luật Giá. Bên cạnh việc kế thừa Pháp lệnh giá, dự thảo Luật bổ sung nhiều biện pháp quan trọng để bình ổn giá, gồm các biện pháp về tài chính, tiền tệ; lập và sử dụng quỹ bình ổn giá...

Tuy vậy, Chủ nhiệm UB Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, dự án luật chưa làm nổi bật được những điểm đột phá cũng như chưa làm rõ được bước tiến mới thông qua việc nâng Pháp lệnh lên thành Luật. Nhiều nội dung của dự thảo chưa thực sự phù hợp với quy luật thị trường, thể hiện sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào quan hệ cung - cầu. Trong khi đó, dự thảo luật lại chưa bao quát được một số nội dung quan trọng, đơn cử như về những trường hợp cụ thể mà Nhà nước cần thiết phải điều tiết, can thiệp vào giá thị trường; áp dụng biện pháp bình ổn giá. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, Nhà nước chỉ nên can thiệp về giá khi có biến động lớn, ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của nhân dân, nhưng cũng phải dùng biện pháp kinh tế, hết sức hạn chế biện pháp hành chính.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn phê bình Ban soạn thảo dự luật và Ủy ban Tài chính - Ngân sách “ngồi với nhau chưa kỹ” nên vẫn còn khá nhiều vấn đề chưa thống nhất. Ông nói: “Luật phải nêu cụ thể những biện pháp bình ổn giá được phép áp dụng, cấp nào có thẩm quyền đưa ra biện pháp đó”. Tiếp thu những ý kiến góp ý, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nói, dự thảo luật sẽ tuân thủ nguyên tắc quản lý giá là theo pháp luật và bình ổn giá bằng biện pháp kinh tế, chỉ khi kiểm tra phát hiện vi phạm mới xử lý bằng biện pháp hành chính.