Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình

(ANTĐ) - Trong phiên họp sáng qua 15-4, các ý kiến trong UBTVQH bày tỏ sự thống nhất cao với việc giữ lại khung hình phạt tử hình đối với các tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tham ô tài sản, nhận hối lộ; chống mệnh lệnh, đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người và tội phạm chiến tranh. Các tội danh được đề nghị bỏ khung hình phạt tử hình là hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; hiếp dâm.

Phiên họp thứ 19 UBTVQH:

Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình

(ANTĐ) - Trong phiên họp sáng qua 15-4, các ý kiến trong UBTVQH bày tỏ sự thống nhất cao với việc giữ lại khung hình phạt tử hình đối với các tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tham ô tài sản, nhận hối lộ; chống mệnh lệnh, đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người và tội phạm chiến tranh. Các tội danh được đề nghị bỏ khung hình phạt tử hình là hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; hiếp dâm.

>>>Hoàn thành tái định cư thủy điện Sơn La trước tháng 7-2010

Về đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và nhiều đại biểu cho rằng, hành vi hiếp dâm xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người bị hại, nhưng xét về mức độ nguy hiểm của hành vi, khả năng giáo dục cũng như chủ trương giảm bớt hình phạt tử hình trong một số tội danh đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, thực hiện chính sách nhân đạo thì không nhất thiết phải áp dụng hình phạt tử hình đối với tội danh này.

Theo các đại biểu, hình phạt tù chung thân đối với tội hiếp dâm là đủ nghiêm khắc và vẫn đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa. Tuy nhiên, đối với trường hợp người phạm tội hiếp dâm trẻ em, hoặc vừa hiếp dâm vừa cố ý giết người hoặc cướp tài sản thì tùy mức độ phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt tử hình về tội hiếp dâm trẻ em, tội giết người hoặc tội cướp tài sản… của Bộ luật Hình sự.

Dự án Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) đã được UBTVQH xem xét, góp ý trong phiên họp chiều qua 15-4. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý dự thảo luật theo hướng: Thành lập Trung tâm LLTP Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp với nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở Dữ liệu LLTP trong phạm vi cả nước mà không thành lập các Trung tâm LLTP ở cấp tỉnh. Nhiệm vụ cập nhật thông tin và cấp Phiếu LLTP tại địa phương được giao cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện.  

Một số đại biểu đề nghị tách tội “mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy” tách thành 2 tội danh, trong đó, bỏ khung hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy còn nhiều ý kiến tranh luận.

Tham dự phiên họp, Thượng tướng Lê Thế Tiệm - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, loại tội phạm vận chuyển, tàng trữ chất ma túy đang có diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, việc bỏ khung hình phạt tử hình với tội danh này ở thời điểm hiện tại là chưa phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình ủng hộ quan điểm này. Ông Trần Đình Đàn nói: “Đầu nậu ma túy nguy hiểm luôn nấp dưới chiêu bài “chỉ vận chuyển, tàng trữ” trong khi việc “bắt tận tay” cực kỳ khó khăn. Trường hợp những người túng quá hóa liều sẽ được xét xử cụ thể tại tòa, không lo vì có khung hình phạt cao mà họ bị xử quá nặng”.

Việc nhập tội giới thiệu trẻ em làm con nuôi nhằm trục lợi (điều 119a) vào điều 119 (tội buôn bán người), UBTVQH cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, nuôi con nuôi là một hoạt động nhân đạo góp phần bảo vệ quyền trẻ em. Nhà nước chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động giới thiệu con nuôi vì mục đích nhân đạo, phi lợi nhuận.

Thời gian qua, đã xuất hiện hành vi lợi dụng việc giới thiệu con nuôi để thu lợi bất chính, ảnh hưởng xấu đến hoạt động nhân đạo này. Theo tờ trình của Chính phủ, dự kiến sẽ bổ sung xử lý hình sự tội giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi. Tuy nhiên, việc nhập hành vi này với tội buôn bán người có những quy định chưa rõ ràng nên ủy ban Tư pháp kiến nghị trước mắt, chưa nên hình sự hóa hành vi nêu trên.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ quan điểm cần kịp thời có chế tài xử lý nghiêm khắc loại tội đang có xu hướng phát triển này.

Về sửa đổi, bổ sung các tội phạm về môi trường, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng quy định trách nhiệm hình sự đối với người có các hành vi “thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác”.

Đồng thời, bỏ dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”. Tuy nhiên, chưa bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của người đứng đầu pháp nhân gây ô nhiễm môi trường vào luật sửa đổi lần này.

Nếu được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự sẽ có hiệu lực từ 1-1-2010.

Minh Hoàng

Không thể tạo kẽ hở pháp lý cho tội phạm ma túy

Thượng tướng Lê Thế Tiệm - Thứ trưởng Bộ Công an  đề nghị giữ lại khung hình phạt tử hình đối với các hành vi phạm tội quy định tại điều 194 của BLHS hiện hành. Bởi vì người tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy đều vì mục đích trục lợi ở mức độ cao, bất chấp tác hại đặc biệt nghiêm trọng của ma túy.

Mặc dù các tên trùm ma túy có thể thuê người già, người nghèo, trẻ em, thậm chí cả thương binh vận chuyển ma túy… và mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng. Có đối tượng vận chuyển tới hàng chục hoặc cả trăm bánh heroin, mới đây chúng vận chuyển tới 8,8 tấn cần sa, trị giá bằng hai máy bay Boeing… thì bỏ án tử hình sao được. Nếu bỏ khung hình phạt này, sẽ tạo kẽ hở pháp lý cho tội phạm ma túy lợi dụng và phát triển.

Vì sao cần một điều luật độc lập cho tội khủng bố?

Phát biểu trước ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thượng tướng Lê Thế Tiệm cũng đề nghị tội khủng bố nên thiết kế thành một điều độc lập nằm ở chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia, bởi vì hành vi khủng bố hiện nay trong xã hội đã xảy ra khá nghiêm trọng như dùng mìn giết người để trả thù và các hình thức khủng bố tinh thần để tống tiền v.v…