Ham rẻ, vớ di động ôi

ANTĐ - Mong muốn được sở hữu một chiếc điện thoại iphone nhưng hầu bao không cho phép mua một chiếc mới, anh Trần Chiến Thắng, ở phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm mừng rỡ khi đọc dòng quảng cáo trên mạng: “Bán iphone 3Gs-16GB đã qua sử dụng, còn mới đến 90%, giá 3 triệu đồng”…

Quảng cáo lừa…

Điện thoại cũ được các chủ cửa hàng mua lại sau đó phù phép thành điện thoại mới (ảnh minh họa)

Gọi đến số điện thoại liên hệ trên trang thông tin quảng cáo, anh Thắng được chủ cửa hàng hẹn gặp xem hàng. Anh Thắng kể lại: “Khi nghe người bán hàng nói chiếc điện thoại iphone 3Gs-16GB đã qua sử dụng, người chủ cũ lại là con gái, giữ gìn cẩn thận nên còn mới đến 90%, giá lại rẻ hơn nhiều lần điện thoại mới chính hãng, tôi không suy nghĩ nhiều nên đồng ý mua ngay.

Tìm đến địa chỉ cửa hàng, tôi còn gặp một số “khách” khác đang đứng đợi. Thấy tôi lấy tiền ra trả, chủ cửa hàng đưa điện thoại rồi nói giọng “kẻ cả”: “Anh gọi điện thoại trước nên em để phần anh, chứ đầy người hỏi mua mà em không có hàng để bán…”. Trước khi ra về cậu ta còn dặn đi dặn lại: “Vì hàng này đã qua sử dụng nên em chỉ bảo hành trong vòng 1 tuần thôi. Sau 1 tuần, hỏng hóc bộ phận nào anh phải tự sửa”. Lúc đó tôi ậm ừ cho qua chuyện vì tưởng mình đã mua được món hời. Ai ngờ 1 tuần đầu chiếc máy chạy êm như ru nhưng đến tuần thứ hai thì nó bắt đầu dở chứng. Có hôm tôi đang gọi điện thì màn hình tê liệt, tắt đi chẳng được mà bật lên cũng chẳng xong. Lắm lúc trượt màn hình để nhận điện thoại gọi đến mà phải mất đến 5 phút nút trượt cảm ứng mới hoạt động. Pin thì chỉ 2 tiếng là đã báo hết, nhiều lúc cắm sạc, máy thì nóng như phơi nắng nhưng chẳng thấy pin được sạc…

Đem đến cửa hàng phàn nàn thì chủ cửa hàng bảo đã nói rõ ràng chỉ bảo hành trong 1 tuần đầu thôi. Thế là đành ngậm đắng nuốt cay tự bỏ tiền sửa chữa. Từ hôm đó đến nay tiền sửa chữa đã mất gần 2 triệu đồng. Tôi ngỏ ý bán lại cho cửa hàng thì họ bảo, máy này anh đã dùng rồi chỉ được khoảng 1 triệu đồng. Bán thì ngang với vứt tiền đi mà dùng thì tiền sửa quá tội, tôi đành vứt xó ở nhà”…

Tương tự, anh Nguyễn Công Duy, phường Trúc Bạch, quận Tây Hồ cũng mua phải máy điện thoại iphone 2G với giá hơn 4 triệu đồng từ trang quảng cáo, rao vặt  trên mạng. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm máy đã bị sập nguồn, lỗi màn hình và không vào được wifi. Khi điện thoại lại để đòi đổi máy thì số điện thoại của người bán luôn ở trong tình trạng "không liên lạc được". 

“Bình mới, rượu cũ”

Anh Vũ Văn Hùng - chủ một cửa hàng sửa chữa ĐTDĐ ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên tiết lộ: “Việc “biến” điện thoại cũ thành điện thoại mới khá đơn giản. Thông thường, những bộ phận của điện thoại cũ được giữ lại là ruột (main) máy và màn hình với điều kiện chưa quá cũ và màu còn sáng. Các bộ phận khác như vỏ máy, bàn phím, sạc pin, hộp có logo của nhà sản xuất sẽ được thay mới. Sau khi các linh kiện này được lắp đặt với nhau, chiếc điện thoại có bề ngoài chẳng khác gì máy mới. Công đoạn cuối cùng là các thợ sửa chữa điện thoại sẽ cho chạy lại phần mềm như chưa từng qua sử dụng. Những chiếc điện thoại này được bán cho những người không am hiểu nhiều về điện thoại với giá thấp hơn hàng chính hãng khoảng 30%. Điện thoại mang nhãn hiệu Nokia được “đóng mới” nhiều nhất do linh kiện sẵn và dễ thay thế. Một số loại điện thoại công nghệ mới như máy có màn hình cảm ứng, iphone cũng được “mông má” khá dễ dàng bằng linh kiện rẻ tiền.  

Còn theo một chuyên gia của hãng điện thoại Nokia, mặc dù công nghệ hô biến điện thoại cũ thành điện thoại mới, thành “hàng xách tay” ngày càng tinh vi, song nếu để ý kỹ, người tiêu dùng vẫn có thể phân biệt được. Điện thoại di động chính hãng có kiểu dáng, màu sắc luôn sắc nét. Bên cạnh đó, hàng chính hãng luôn có thẻ bảo hành ghi rõ thông tin về bảo hành, số imei và thời hạn bảo hành. Ngoài ra, khi mua hàng chính hãng, khách hàng có quyền đòi hỏi được nhận hóa đơn đỏ.

Còn với hàng xách tay, tuy là hàng chính hãng nhưng không được phân phối tại Việt Nam. Đây có thể là hàng mua tại nước ngoài mang về Việt Nam nhưng không phải chịu thuế hoặc có thể là hàng bị lỗi, hàng mua trong đợt hạ giá, hàng trộm cắp... Về chất lượng, điện thoại xách tay không khác gì hàng chính hãng hoặc có thể tốt hơn vì được sản xuất theo tiêu chuẩn ở nước ngoài nhưng cũng có thể là hàng kém chất lượng vì đã qua sửa chữa. Khi mua hàng xách tay, khách hàng cần kiểm tra thật kỹ tất cả các chức năng của máy. Hàng xách tay không có thẻ bảo hành chính hãng và hóa đơn đỏ, nếu mua ở cửa hàng nào sẽ được cửa hàng đó bảo hành. Do không phải chịu thuế nên điện thoại xách tay sẽ rẻ hơn giá hàng chính hãng khá nhiều. Hiện nay, công nghệ làm nhái khá, “mông má” điện thoại ngày càng tinh vi, nhưng nếu quan sát kỹ, loại hàng này không thể có thiết kế sắc sảo và tinh tế như hàng chính hãng và chất lượng luôn thấp hơn song có giá rẻ hơn  nhiều.