Hạm đội phương Bắc và lữ đoàn Bắc cực Nga sẽ trấn thủ Bắc cực

ANTĐ - Là một quốc gia nằm trong Hội đồng Bắc cực, Nga chính là một trong những nước có điều kiện thuận lợi nhất trong chia sẻ quyền lợi ở khu vực này. Vì vậy, Moscow đã có hàng loạt động thái quân sự nhằm “bảo vệ quyền lợi quốc gia” tại Bắc cực.

Ngày 17-02, Hãng thông tấn Nga Ria Novosti cho biết, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga thông báo, trước cuối năm 2014, họ sẽ thành lập cơ cấu chỉ huy mới mang tên “Hạm đội phương Bắc - Liên minh chỉ huy chiến lược”.

Cơ cấu mới sẽ được cấu thành từ lực lượng của Hạm đội phương Bắc, các lữ đoàn Bắc cực, các đơn vị của lực lượng không quân, phòng không và các cơ quan kiểm soát.

Tư lệnh Hạm đội phương Bắc sẽ là người chỉ huy cao nhất của cơ cấu quân sự mới này. Hiện nay, người đảm trách cương vị này là đô đốc Vladimir Korolev, ông sẽ báo cáo trực tiếp tình hình xây dựng lực lượng và các hoạt động của cơ cấu mới này với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga.

Mục đích chính của Liên minh mới là bảo vệ lợi ích của Nga ở khu vực Bắc Cực. “Đó là tuyến hàng hải phương Bắc, là việc bảo vệ các nguồn lợi thủy sản, các khu mỏ hydrocarbon và quan trọng nhất là đảm bảo an ninh ở vùng phía bắc đất nước” - Ria Novosti cho biết.

Hạm đội phương Bắc và lữ đoàn Bắc cực Nga sẽ trấn thủ Bắc cực ảnh 1

 Biên đội tàu chiến Nga hành quân trên Bắc Băng Dương


Theo luật pháp quốc tế, Bắc Cực không thuộc về một quốc gia riêng biệt nào, nhưng khu vực này có vị trí địa - chính trị quan trọng đối với các quốc gia bắc bán cầu và được cho là chứa khối lượng lớn dầu khí và các khoáng sản khác, mà tất cả các cường quốc trên thế giới muốn “đánh chiếm”. Họ nhận định, “hiện nay chỉ cần đầu tư rất ít nhưng sẽ giành được ảnh hưởng lớn trong vài chục năm sau”.

Hiện nay, điều phối các hoạt động ở Bắc cực là Hội đồng Bắc Cực (AC) - một diễn đàn liên chính phủ gồm 8 nước: Canada, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Nga. Tại khu vực tưởng như yên lặng này đang diễn ra các hoạt động tranh đoạt dầu mỏ, khí tự nhiên, khoáng sản và một số tài nguyên thiên nhiên khác tuy ngấm ngầm nhưng không kém phần quyết liệt.

Ngoài ra, tuyến đường Biển Bắc là hành lang giao thông chạy theo bờ biển phía bắc của Nga (gọi là tuyến đông bắc Bắc Cực), nối châu Âu và châu Á đang ngày càng thuận lợi cho giao thông thương mại, khi khí hậu ấm lên và băng ở biển Bắc Cực đang giảm đi. Song song với tuyến đường ven biển của Nga, trong tương lai luồng đường tây bắc Bắc Cực có thể sẽ trở thành tuyến vận tải thương mại ngắn nhất từ Đông Á đến châu Âu, làm giảm tối đa chi phí vận chuyển.

Hạm đội phương Bắc và lữ đoàn Bắc cực Nga sẽ trấn thủ Bắc cực ảnh 2

Hạm đội biển Bắc và lữ đoàn Bắc cực của Nga sẽ là nòng cốt trong cơ cấu quân sự mới


Nhận thức được vị trí chiến lược hết sức quan trọng của Bắc cực, Moscow đã chính thức đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 triển khai một lực lượng vũ trang hỗn hợp, để bảo vệ các lợi ích chính trị và kinh tế của mình tại khu vực này, bao gồm cả các đơn vị quân đội, biên phòng, và bảo vệ bờ biển. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết, sư đoàn bảo vệ bờ biển của FSB sẽ triển khai 4 chiếc tàu chiến mới để bảo vệ khu vực Bắc cực của nước này trước năm 2020.

Người Nga xác định sẽ xây dựng tổng số 11 cơ sở bảo vệ biên giới ở Bắc Cực, bao gồm các lực lượng của quân đội và an ninh, trong khi đó các hệ thống giám sát tự động cũng sẽ được triển khai tại khu vực này. Đây là một phần trong chương trình Bảo vệ biên giới Quốc gia Liên bang Nga giai đoạn 2012-2020 đang được Moscow ráo riết triển khai nhằm chiếm ưu thế trong chia sẻ quyền lợi tại vùng đất “vô chủ” này.