Hầm chui Đại lộ Thăng Long úng ngập nặng

(ANTĐ) - Đại lộ Thăng Long, con đường hiện đại nhất Việt Nam nhưng qua một thời gian đưa vào sử dụng đã liên tiếp bộc lộ nhiều nhược điểm. Đặc biệt, mới qua vài trận mưa nhỏ, nhưng các hầm chui dân sinh đã ngập nước cắt đứt giao thông.

Hầm chui Đại lộ Thăng Long úng ngập nặng

(ANTĐ) - Đại lộ Thăng Long, con đường hiện đại nhất Việt Nam nhưng qua một thời gian đưa vào sử dụng đã liên tiếp bộc lộ nhiều nhược điểm. Đặc biệt, mới qua vài trận mưa nhỏ, nhưng các hầm chui dân sinh đã ngập nước cắt đứt giao thông.

Trong tháng 5, các hầm chui dân sinh trên Đại lộ Thăng Long đã 2 lần ngập sâu, điểm ngập nhẹ cũng tới nửa mét, điểm ngập nặng thì lên tới cả mét nước. Nhiều người không khỏi băn khoăn, tại sao một tuyến đường được đánh giá tầm cỡ hiện đại bậc nhất Việt Nam lại xảy ra tình trạng như vậy? Song, ít ai biết rằng, dù đã đi vào sử dụng được gần một năm, nhưng đến nay, Đại lộ Thăng Long vẫn chưa có hệ thống thoát nước. Đây là lý do, khiến mỗi lần mưa xuống, Đại lộ này hóa ao.

Hầm chui tại Đại lộ Thăng Long ngập nước sau trận mưa ngày 23-5
Hầm chui tại Đại lộ Thăng Long ngập nước sau trận mưa ngày 23-5

Đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, dù Đại lộ Thăng Long đã được thông xe để giải quyết giao thông, song đến nay một số hạng mục như điện chiếu sáng, cây xanh, cầu vượt, nút giao Hòa Lạc vẫn chưa hoàn tất. Tuyến đường lâu nay vẫn đang trong tình trạng vừa thi công vừa sử dụng. Ban Quản lý đang đôn đốc nhà thầu cố gắng hoàn thành các hạng mục để cuối năm có thể bàn giao toàn tuyến. Do có thay đổi lớn về hiện trạng mặt bằng nên đến nay thiết kế thoát nước hệ thống hầm chui và phần cao tốc với đường gom vẫn chưa thực hiện được.

Theo quy hoạch, đường thoát nước của hệ thống hầm chui và phần cao tốc với đường gom được bố trí ở dải phân cách giữa. Song, trong quá trình thi công, dải phân cách này bị đổ trộm phế thải tràn lan. Nếu thi công theo thiết kế thì phải đào bốc lượng đất đá rất lớn, trong khi chi phí và các phần công việc được phê duyệt không có danh mục này. Do vậy, cơ quan này đang khảo sát, tính toán để đưa ra thiết kế hệ thống thoát nước tại mặt bằng khác cho phù hợp.

Cũng theo đại diện BQL dự án, Đại lộ Thăng Long được phê duyệt và triển khai thi công từ năm 2002. Tại thời điểm khảo sát thiết kế để đầu tư xây dựng dự án thì dọc hai bên tuyến đường chủ yếu là ruộng đồng, ao hồ… Trên cơ sở đó, hệ thống thoát nước dọc đại lộ được thiết kế theo hướng tận dụng một số điểm để thoát nước tự nhiên ra ruộng đồng, ao hồ.

Tuy nhiên, từ năm 2005 cho đến nay, quá trình đô thị hóa diễn tại khu vực phía Tây thành phố rất nhanh nên dọc tuyến đường của dự án đã hình thành mới nhiều khu đô thị, khu dân cư, nhà ở... Cũng tại nhiều đoạn trên tuyến đường, cốt san nền các khu dân cư, khu đô thị mới xây dựng đã cao hơn 2 tuyến đường gom và đè lấp một số cửa xả nước của hệ thống thoát nước của đại lộ này. Do đó, hệ thống thoát nước khu vực Đại lộ Thăng Long trở nên không phù hợp.

Hiện, Ban Quản lý dự án Thăng Long và Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai thiết kế bổ sung nhằm giải quyết triệt để tình trạng ngập lụt trên toàn tuyến; bao gồm cả việc tính toán thiết kế thêm các trạm bơm tự động tiêu nước cho khu vực hầm chui dân sinh tại những vị trí không thể thoát nước tự nhiên được. Bên cạnh đó, để khắc phục úng ngập như vừa qua, BQL dự án đã cử ra một ban luôn túc trực, giải quyết các sự cố (tắc đường, ngập nước), việc khai thông các mương rãnh tạm thời và huy động các máy bơm trợ lực cũng được triển khai.

Đại diện BQL dự án Thăng Long khẳng định, việc khắc phục bất cập sẽ được các nhà thầu thực hiện khẩn trương nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho các phương tiện và nhân dân lưu thông trên Đại lộ Thăng Long. Theo đó, cuối tháng 5, thiết kế thoát nước cho hầm chui và phần cao tốc với đường gom sẽ hoàn thành, chuyển nhà thầu để thi công, giải quyết úng ngập trên tuyến đường vào mùa mưa.

Ngân Tuyền