Hải quân Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng 10 tàu sân bay

ANTĐ - Để nâng cao khả năng quân sự vùng biển, Hải quân Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng tổng cộng 10 tàu sân bay nội địa, theo báo cáo của Kanwa, tạp chí quân sự nổi tiếng ở châu Á.

Tạp chí này cho biết, sau khi Đô đốc Jonathan Greenert, Tham mưu trưởng của Hải quân Hoa Kỳ đến thăm tàu ​​sân bay Liêu Ninh, một tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được mua từ Ukraine và tân trang lại năm 1998, thì kế hoạch về một chiếc tàu sân bay nội địa của quốc gia đang trong giai đoạn hoàn thành. Ông Greenert cho biết Trung Quốc đang đẩy mạnh việc xây dựng tàu sân bay thứ hai của mình và thậm chí còn dự đoán các tàu đó sẽ được đưa vào phục vụ trong tương lai gần.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc

Richard Fisher, một chuyên gia quân sự đến từ Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế, cũng cho biết, Trung Quốc có thể có từ 4 đến 5 tàu ​​sân bay phục vụ hoạt động quân sự vào năm 2030. Con số này cuối cùng có thể tăng lên 10 chiếc trong vài thập kỷ tới. 

Tuy nhiên, Đô đốc Greenert lại nói rằng, khoảng cách giữa tàu sân bay của Mỹ và Trung Quốc vẫn còn rất lớn.  Trong khi tàu sân bay của Mỹ có khả năng tung ra và thu hồi 100 chiếc máy bay chiến đấu cùng một lúc, thì tàu Trung Quốc chỉ có thể làm như vậy với 10 chiến đấu cơ.

“Trước khi Hải quân Trung Quốc có thể đưa tàu sân bay của mình hoạt động, có rất nhiều công việc cần phải được thực hiện”, vị Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ cho biết thêm. “Tuy nhiên phải nói rằng Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quân sự chỉ trong một thời gian rất ngắn”.

Kanwa trích dẫn tờ Straits Times (Singapore) cho rằng, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc có thể mang theo 50 máy bay chiến đấu J-15B và các máy bay trực thăng cảnh báo sớm như K-8 hoặc Z-8. Trong tương lai, sẽ có từ 25 đến 27 máy bay chiến đấu tàng hình J-20 hoặc J-31 có thể phục vụ trên tàu sân bay Trung Quốc,  để thay thế cho J-15 hiện đang trên tàu Liêu Ninh của Hải quân nước này.

Với kế hoạch chi tiết này, Trung Quốc đang nuôi tham vọng rất lớn để xây dựng một lực lượng hải quân mạnh mẽ và hùng hậu hơn so với Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản.