Hai quận có số chỉ tiêu đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc nhiều nhất năm 2024 ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 2024, 2 quận Hai Bà Trưng và Đống Đa có số chỉ tiêu được giao cao nhất trong 1.700 trường hợp sẽ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc ở Hà Nội.

UBND TP Hà Nội mới ban hành kế hoạch triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố năm 2024.

Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu: phấn đấu trên 80% người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú có hồ sơ quản lý trên địa bàn được tiếp cận các dịch vụ: tư vấn, biện pháp can thiệp giảm hại, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hoà nhập cộng đồng.

100% các xã, phường, thị trấn triển khai việc tiếp nhận đăng ký, hướng dẫn người cai nghiện ma túy tự nguyện, đảm bảo tất cả những người được xác định là người nghiện ma túy đã đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện đều được tham gia điều trị, cai nghiện đúng quy định.

Duy trì điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho 5.350 người đến cuối năm 2024.

Các địa phương vận động 1.200 người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập. Các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ cai nghiện ma túy thành lập cung cấp dịch vụ cai nghiện cắt cơn, tư vấn tâm lý, hỗ trợ xã hội cho 1.000 người tự nguyện đăng ký tham gia điều trị.

Lập 1.700 hồ sơ và đề nghị Tòa án nhân dân các quận, huyện, thị xã ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong đó 2 quận Hai Bà Trưng và Đống Đa có số chỉ tiêu được giao cao nhất là 97 trường hợp.

Hà Nội cũng đặt mục tiêu 100% người hoàn thành các chương trình cai nghiện ma túy trở về địa phương được lập hồ sơ, đưa vào danh sách quản lý sau cai nghiện ma túy (lập hồ sơ quản lý tối thiểu 1.000 người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú); phân công các tổ chức, cá nhân quản lý, giúp đỡ quản lý sau cai nghiện ma túy và theo dõi, đánh giá tỷ lệ tái sử dụng trái phép chất ma túy, tái nghiện ma túy.

Các địa phương hỗ trợ vay vốn, học nghề, hỗ trợ tìm việc làm với các hình thức phù hợp cho 200 người hoàn thành thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; các cơ sở cai nghiện ma túy công lập của thành phố tổ chức dạy nghề cho 800 người cai nghiện bắt buộc.

UBND TP yêu cầu duy trì hoạt động mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại 454 xã, phường, thị trấn đã triển khai năm 2021, 2022, 2023; phát triển mới các mô hình năm 2024 tại 125 xã, phường, thị trấn. Mỗi quận, huyện, thị xã lựa chọn 1 mô hình hiệu quả đăng ký với Ban Chỉ đạo 89 Thành phố thực hiện trong năm 2024, đánh giá kết quả cuối năm, đề xuất, nhân rộng mô hình phù hợp.

Ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật và đơn giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với dịch vụ lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.

Kiện toàn chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ, điều trị, cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập, cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; quản lý chặt chẽ người cai nghiện ma túy đảm bảo an ninh trật tự trong cơ sở cai nghiện ma túy và trên địa bàn.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn và tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy.