- HSBC: Áp lực lạm phát có thể khiến NHNN nâng lãi suất điều hành vào quý 3
- GDP quý I năm 2022 tăng 5,03%
Doanh nghiệp đang trên đà phục hồi kinh tế |
Nhận định về mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay, ông Lê Trung Hiếu- Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, căn cứ vào mức tăng trưởng quý I-2022, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% được nhận định là thách thức lớn.
Trong quý tiếp theo của năm, Tổng cục Thống kê đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho các quý còn lại. Ở kịch bản thấp, với giả định xung đột Nga - Ukraine vẫn căng thẳng nhưng sớm kết thúc trong 6 tháng đầu năm, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với biến chủng mới nhưng cơ bản được kiểm soát và Việt Nam hoàn thành phổ cập tiêm diện rộng vaccine mũi 3, hoạt động kinh tế duy trì như hiện nay, thì tăng trưởng quý II đạt khoảng 5,5% (cao hơn 0,1% so với Nghị quyết số 01/NQ-CP);
Quý 3 đạt khoảng 7,5% (vẫn giữ nguyên theo Nghị quyết số 01/NQ-CP) và quý 4 tăng 6,1% (thấp hơn 0,1% so với Nghị quyết số 01/NQ-CP). Tăng trưởng cả năm ước đạt 6%.
Với kịch bản cao, giả định xung đột Nga - Ukraine hạ nhiệt trong tháng 4, dịch Covid-19 được kiểm soát, biến chủng mới ảnh hưởng nhẹ hơn, Việt Nam hoàn thành phổ cập tiêm diện rộng vaccine mũi 3, hoạt động kinh tế được mở rộng thì tăng trưởng quý II sẽ đạt 6,1% (cao hơn 0,2% so với Nghị quyết số 01/NQ-CP); quý III, IV vẫn giữ nguyên theo Nghị quyết số 01/NQ-CP tăng trưởng cả năm đạt 6,5% như kịch bản ban đầu.
Ông Lê Trung Hiếu cho rằng, động lực tăng trưởng trong thời gian tới sẽ tiếp tục đến từ các ngành thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo do cầu thế giới và các thị trường đang dần khôi phục.
Bên cạnh đó, các hoạt động bán buôn bán lẻ dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí dần tăng cao, đặc biệt là khi Việt Nam đã có chính sách mở cửa lại du lịch.
Tuy vậy, đại diện Tổng cục Thống kê lưu ý cần ưu tiên ngay từ đầu quý II tới là tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát giá cả, thị trường và bảo đảm lưu thông hàng hóa, cũng như thúc đẩy sản xuất trong nước để tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu trong nước, qua đó hạn chế tác động của sự tăng giá thế giới tới thị trường Việt Nam, nhằm giúp quý III, IV năm nay có mức tăng trưởng cao, lấy lại đà tăng trưởng.
Bên cạnh đó việc triển khai các gói hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP sẽ giúp hoạt động đầu tư, tiêu dùng trong nước sớm khôi phục lại, thu nhập của người lao động tăng lên (dẫn đến chi tiêu dùng tăng) và từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển.