Hài hước và vất vả chuyện nuôi con "đàn" của các bà mẹ

ANTĐ - Khổ nhất là lúc cho con bú. Bạn tôi sinh đôi. Mỗi con bú một bên dù có vất vả và hơi khó khăn tí chút nhưng vẫn công bằng cho các con, còn tôi sinh ba nên một lúc chỉ cho hai con bú được. Còn lại một cháu đói nằm khóc...

Sinh con và nuôi con có bao nhiêu khó khăn vất vả mà chỉ có bố mẹ mới hiểu. Sinh một đứa con và nuôi đứa con đó trưởng thành đã là cả một công trình vĩ đại của bố mẹ. Và với những người mẹ sinh đôi, sinh ba và thậm chí là cả sinh tư, sự vất vả khi chăm con được nhân lên gấp nhiều lần và niềm hạnh phúc cũng vậy. Có bao nhiêu chuyện hài hước, cười ra nước mắt xung quanh chuyện chăm con “đàn" của các mẹ và câu chuyện nào cũng khác nhau...

Từ o thành 3

Vân và Kiên kết hôn hơn 10 năm mà vẫn không thể có con. Nhà hai anh chị không có điều kiện nên việc chạy chữa thường không được xuyên suốt. Cứ khi nào nhà có chút tiền thừa ra thì vợ chồng mới hỏi thầy hỏi thuốc để đi chữa hiếm muộn. Hai người lấy nhau vì tình yêu. Thời kì đầu cả hai động viên nhau chạy chữa nhưng mãi vẫn không có kết quả nên tình cảm bị rạn nứt nhiều. Nhà không có trẻ con, lặng lẽ một nỗi buồn không ai dám nói. Kiên thường tránh đề cập đến chuyện con cái với vợ vì khi đi khám, bác sĩ kết luận rằng, nguyên nhân không có con là từ Vân mà ra.

May mắn cho cô là nhà nội thông cảm, không gây sức ép. Mẹ chồng cô cũng rất tâm lý, thường tranh thủ dịp cuối tuần sang chơi với con dâu để trò chuyện, tâm sự, động viên. Chạy chữa mãi chỉ thấy tốn kém mà không thấy có kết quả gì, vợ chồng Vân bàn đến chuyện con nuôi. Dù sợ "khác máu tanh lòng" nhưng lại nghĩ, con nuôi ở với mình lâu tất sẽ có tình cảm gắn bó nên hai vợ chồng gạt đi những băn khoăn của mình để bắt đầu tìm con nuôi. Đến lúc đã buông xuôi thì phép màu lại xảy ra. Vân mang thai.

Ảnh minh hoạ

 

Cái tin Vân mang thai khiến tất cả họ hàng hai bên, anh chị em rồi hàng xóm, bạn bè ai cũng mừng cho vợ chồng cô. Riêng Vân thì khóc suốt ngày vì quá xúc động. Lúc bị mất kinh nguyệt tháng đầu, Vân chỉ tưởng do mình suy nghĩ nên cơ thể phản ứng. Đến tháng thứ hai cô vẫn chưa hề nghĩ đến khả năng mình có thai. Đến lúc ốm nghén, thèm ăn của chua, Vân mới ngờ ngợ đi mua que thử về kiểm tra. Vân mang thai, Kiên bắt vợ nghỉ việc để toàn tâm toàn ý chăm sóc cho điều kì diệu mà vợ chồng chị đã chờ đợi bao nhiêu năm nay. Vân cũng đồng ý với điều đó.

Đến tháng thứ năm thì Vân thấy bụng to bất thường nên đi siêu âm. Bác sĩ nói nghe được hai tim thai. Nghĩa là Vân sẽ sinh đôi. Nhận tin này, gia đình Vân càng thêm mừng rỡ. Đợi mãi không được, đến lúc không cầu thì lại được tới hai con thì chẳng còn niềm hạnh phúc nào hơn. Ấy thế mà lần sau đi khám, bác sĩ lại thông báo rằng Vân mang thai ba. Đến tháng thứ bảy, Vân bắt đầu đi lại khó khăn. Trong người lúc nào cũng thấy bực tức và thường xuyên cáu gắt. Kinh tế của cả nhà chỉ trông chờ vào mỗi đồng lương của Kiên. Biết khi Vân sinh sẽ cần nhiều tiền hơn để nuôi con nên Kiên làm thêm cả ca tối.

Anh đi biền biệt từ sáng đến khuya lắc khuya lơ mới về. Vân lần đau mang thai lại mang thai ba nên rất nhạy cảm. Cô biết chồng vất vả cũng vì lo cho mẹ con cô nhưng việc anh ít khi ở nhà để quan tâm và chăm sóc vợ khiến Vân hay tủi thân, sụt sùi khóc suốt. Mãi rồi cũng đến lúc Vân trở dạ. Đã có tuổi lại sinh con lần đầu, lại chẳng phải sinh một mà sinh ba nên Vân gặp nhiều khó khăn trong quá trình sinh nở. Tử cung không mở đủ rộng cho các con ra đời nên Vân phải mổ đẻ. Cô sinh được ba con trai. Khỏi phải nói gia đình Kiên mừng rỡ đến thế nào. Nhưng niềm hạnh phúc nhanh chóng bị thay thế bởi sự lo lắng và những vất vả gia đình Kiên gặp phải khi cùng một lúc nuôi liền ba đứa con.

Trong ba con trai có hai cậu sinh đôi cùng trứng nên giống nhau như đúc, cậu thứ ba khác trứng nhưng cũng hao hao hai anh của mình. Vân không đủ sữa nuôi con nên ba con trai phải ăn thêm sữa ở ngoài. Lúc mới sinh, nhiều bạn bè đến thăm nên còn có nhiều sữa ngoài cho các con. Đến tháng thứ ba, những thăm hỏi vãn dần, lương của Kiên không đủ để mua sữa cho các con nên ba con trai phải chuyển sang ăn nước cơm. Vân quen với một chị làm bếp trong một doanh trại bộ đội nên xin được nước cơm hàng ngay về cho các con trai ăn. "Trộm vía! Ăn nước cơm nhưng ba con tôi đều rất khỏe và mũm mĩm" - Vân hồ hởi kể.

Nuôi một đứa trẻ con đã tốn, đằng này nhà Vân lại nuôi cùng một lúc tới ba trẻ con nên mọi chi phí đều phải nhân ba. "Khổ nhất là lúc cho con bú. Bạn tôi sinh đôi. Mỗi con bú một bên dù có vất vả và hơi khó khăn tí chút nhưng vẫn công bằng cho các con còn tôi sinh ba nên một lúc chỉ cho hai con bú được. Còn lại một cháu đói nằm khóc. Mình sốt ruột mà không biết phải làm sao. Đến lúc đến lượt cháu bú thì mình lại hết sữa. Những lúc như thế nghĩ thương con lắm mà không biết phải làm sao" - Bà mẹ ba con tâm sự.

Vân kể, các con sinh ba nên dường như có một mối liên hệ đặc biệt với nhau. Có những khi một đứa khóc thì hai đứa kia sẽ đồng loạt khóc theo. Những lúc ấy, Vân luống cuồng không biết dỗ con ra sao. Những tháng đầu còn có bà nội và bà ngoại giúp Vân trông con nhưng hai bà đều đã già, chăm cháu lại thường phải thức đêm nên hai bà không đủ sức khỏe. Thành ra, những tháng sau, hai bà nội ngoại chỉ qua chăm cháu vào ban ngày còn ban đêm thì vợ chồng Vân phải tự lo cho ba con của mình. Sinh con vào mùa mưa nên việc giặt giũ tã lót cho ba con trai của Vân cũng gặp nhiều khó khăn. Đồ không kịp khô hoặc khô nhưng có mùi khó chịu. Thành ra phòng khách nhà cô được trưng dụng thành nơi phơi quần áo. Dây được giăng khắp phòng và quạt trần bật cả ngày để hong tã lót cho ba cậu con trai.

Mẹ chồng Vân lại mê tín nên thường xuyên đi xem bói. Bà nằng nặc bắt con dâu và con trai phải mang gửi cả ba cháu nội của bà lên chùa để sau này đỡ khổ vì bà đi xem bói, thầy bảo ba cháu trai của bà giỏi nhưng cuộc đời lại không mấy suôn sẻ. Mẹ chồng tháng nào cũng bày lễ nọ lễ kia nên vợ chồng Vân lại tốn kém một khoản vào chuyện mê tín của mẹ. Ba con trai tròn một tuổi thì Vân cai sữa hoàn toàn cho con rồi gửi con đi nhà trẻ, trưa đón về, chiều lại đưa đi. Cô cần đi làm để lấy tiền nuôi con. Tiền lương của Kiên, cộng thêm cả tiền làm thêm cũng không đủ để nuôi cả nhà. "Ba đứa trẻ khỏe ăn, khỏe nghịch. Chỉ riêng tiền nuôi ăn cho các con đã khiến vợ chồng tôi thở không ra hơi thì sau này không biết khi chúng đi học thì vợ chồng tôi đào đâu ra tiền để nuôi con. Nhưng con cái là lộc trời cho nên than vãn thì than vãn thế thôi chứ chúng tôi rất hạnh phúc. Có gì phải lo đâu phải không cô?" - Vân vừa đưa nôi cho con vừa tâm sự.

Mẹ nhầm con liên tục

Vân sinh ba đã vất vả, vợ chồng Linh sinh tư còn vất vả hơn nhà Vân gấp nhiều lần, vất vả ngay từ lúc mang thai. Trước khi mang thai bốn, vợ chồng Linh đã có một con trai hai tuổi. Khi đi siêu âm, nghe bác sĩ thông báo bác sĩ nghe được bốn tim thai, Linh hoảng sợ vô cùng. Cô vừa gọi điện cho chồng vừa khóc. Linh thậm chí nghĩ tới việc bỏ thai vì nêu sinh tư thì cô làm sao có thể nuôi được nhiều con đến thế. Nhưng tất nhiên, việc đó không thực hiện được. Nếu bỏ thai thì đồng nghĩa với việc Linh giết chết tới bốn người con của mình. Việc thất đức như thế, cô làm làm sao được?

Ảnh minh hoạ

Mang thai đến tháng thứ năm thì Linh phải nghỉ làm vì thai quá to. Cô hầu như chỉ ngồi và nằm một chỗ. Việc đi lại quá nặng nề nên Linh rất khó khăn trong việc thực hiện di chuyển. Nhà Linh cũng có điều kiên nên việc nuôi cùng một lúc bốn con không gây nhiều trở ngại về kinh tế cho vợ chồng cô. Linh cũng sinh con bằng phương pháp mổ đẻ. Cô sinh bốn cô công chúa, từng cặp một cùng trứng nên giống nhau như lột.

Cái sự giống nhau của các con đã nhiều lần khiến Linh nhầm lẫn. Có khi Linh cho bé này ăn xong quay sang bé khác rồi lúc quay lại, lại nhầm với bé đã ăn rồi. Việc nhầm lẫn trong ăn uống không đáng ngại bằng việc nhầm khi cho con uống thuốc. Một trong bốn công chúa của cô đã có lần phải đi cấp cứu vì mẹ Linh cho con uống hai lần thuốc dẫn tới quá liều. Mọi người cười bảo Linh tài vì mẹ nào mẹ lại không nhận ra con nhưng quả thật, Linh không phân biệt được đâu là chị, đâu là em, đâu là thứ ba và đâu là em út.

Sau để phân biệt các con, Linh phải buộc chỉ màu vào tay các con và cô ghi rõ vào bảng nhớ trong nhà: Chỉ xanh là Ngọc chị, chỉ đỏ là Ngọc hai, chỉ vàng là Ngọc ba và chỉ đen là Ngọc út. "Nuôi con sinh bốn sợ nhất là những lúc con ốm. Cứ hệt như lũ trẻ cùng hẹn nhau để ốm vì cứ một đứa ốm thì ba đứa kia sẽ lăn ra ốm theo" - Linh tâm sự. Con khỏe chăm đã mệt, con ốm chăm càng mệt hơn. Dù đã thuê thêm hai cô trông trẻ để chăm con cùng mình nhưng Linh vẫn luôn chân luôn tay với bốn công chúa của mình. Cô kể, có những lúc cảm thấy như mình bị rút kiệt hoàn toàn sức lực và chẳng còn thiết làm gì nữa.

"Trước khi sinh thì chồng cứ động viên hai vợ chồng mình cùng chăm con nhưng lúc sinh con rồi thì chỉ có mình chăm con là chủ yếu. Đàn ông họ vô tâm lắm. Có lúc mình cuống cuồng với con ở nhà thì ông xã lại ngồi nhàn hạ ở quán bia" - Cô thở dài kể chuyện. Đến lúc các con tập nói thì nhà Linh lúc nào cũng trong tình trạng ồn ào. Các con tranh nhau nói. Rồi lúc các con tập đi, Linh phải thuê thêm một cô bảo mẫu nữa để mỗi con có một bảo mẫu đi theo, phòng khi con bị ngã. Linh nghỉ làm, chỉ có chồng đi làm, dù lương cao nhưng tiền dùng cho việc nuôi con, thuê bảo mẫu tiêu tốn khá nhiều nên nhà cô cũng phải thắt chặt chi tiêu chứ hoàn toàn không còn được tiêu tiền thoải mái như trước đây nữa.

Căn phòng ngủ của vợ chồng cũng được nới rộng ra để có đủ chỗ đặt bốn chiếc nôi cho con. Khi các con cai sữa, chuyển sang ăn được cháo và cơm nhão thì Linh bắt đầu nhàn hơn. Khi ấy, cô cũng đã quen tính của từng bé nên việc dỗ dành con cũng dễ dàng hơn. Cậu con cả dù có bé nhưng cũng rất ra dáng một ông anh trai của tận bốn cô em gái. Khi Linh bận chuẩn bị bữa ăn cho các con thì con trai cô đồng ý nhận việc ngồi trò chuyện và chơi đùa cùng các em. "Lắm lúc thấy việc nuôi tới bốn con sao mà khó khăn thế. Tôi cứ vừa nghĩ vừa khóc nhưng rồi cứ nhìn thấy các con cười, các con tập nói, các con tập đi thì mọi mệt mỏi đều tan biến hết" - Bà mẹ bốn con cười rạng rỡ.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để nuôi con sinh bốn như gia đình Linh. Mới đây, gia đình chị Trần Thị Tình (Đồng Tháp) cũng vừa hạ sinh bốn công chúa ở Bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh). Chị Tình cho biết chị đã có cả con trai, cả con gái nhưng chồng chị vẫn muốn có thêm con nên hai người mới quyết định sinh con thứ ba. Chị tâm sự: "Cầm kết quả siêu âm trong tay, tôi run lên, chân đứng không vững". Chị còn tính về bàn với mẹ chồng để phá thai vì nếu sinh tư thì nhà chị không đủ khả năng nuôi con. Nhưng cái thai đã lớn nên không thể phá được, mẹ chồng cũng khuyên con dâu giữ lại nên chị Tình quyết định giữ thai lại. Các con sinh non nên không được ở cùng mẹ mà phải ở trong phòng chăm sóc đặc biệt. Có người ngỏ ý muốn xin con của chị về nuôi nhưng chị Tình không đồng ý: "Khổ mấy mẹ con cũng ráng rau cháo qua ngày".

Vợ chồng chị Tình kể, để có tiền để lo cho việc sinh nở của chị, hai vợ chồng chị đã làm việc quần quật, làm bất cứ việc gì có thể kiếm ra tiền nhưng đến tháng thứ tư, bụng chị Tình quá lớn nên không thể làm việc được nữa. Chỉ còn lại mình chồng chị lo lao động kiếm tiền. Nhưng dù làm nhiều đến mấy, anh cũng chỉ kiếm đủ tiền cho việc ăn uống và học hành của các con đầu. Trong khi mang thai, có thèm thứ này thứ kia chị Tình cũng không dám nói với chồng vì lo anh tốn kém. Chị sinh non ở tháng thứ tám. Bốn bé gái ra đời với cân nặng lần lượt là 1,2kg; 1,5kg, 1,6 kg và 1,7kg. Nhà nghèo, anh chị không biết lo đâu ra tiền phẫu thuật. Hai vợ chồng chỉ sống nhờ một triệu đồng mà chồng chị Tình vay được để vào viện với vợ. May mắn cho hai vợ chồng anh chị là đã có nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ và đóng góp tiền để lo cho chi phí phẫu thuật của chị Tình.

Mẹ sinh đôi cũng nhầm con

Các mẹ sinh bốn nhầm con đã đành, các me sinh đôi cũng có khi nhận nhầm con khi cho ăn hoặc uống thuốc. Chị Nga mang thai lần thứ hai khi chị ngoài ba mươi. Trước đó chị đã có một con gái 6 tuổi. Chị Nga vốn khỏe mạnh, khi mang thai cũng không thấy có dấu hiệu gì bất thường nên chị không đi khám sản khoa. Chỉ đến khi thấy mình mới mang thai ở tháng thứ năm nhưng bụng lại to như thể sắp đẻ, chị mới đi khám xem sự thể thế nào. Bác sĩ thông báo chị Nga mang thai đôi. Vợ chồng Nga chỉ là công chức bình thường, thu nhập vừa đủ để trang trải cho gia đình nhỏ nên khi biết mình mang thai đôi, Nga cũng có chút sợ hãi và lo lắng nhưng chị giữ thai lại. Đủ ngày, đủ tháng, Nga sinh hai con trai khỏe mạnh. Mỗi bé cách nhau 10 phút. Vì đẻ thông thường, không cần mổ đẻ nên ngày hôm sau Nga được xuất viện luôn.

Ảnh minh hoạ 

Mẹ chị từ quê ra chăm cháu với con gái. Nga khỏe mạnh nhưng lại ít sữa, không đủ để nuôi hai con gái. Thành ra hai con phải ăn sữa ngoài và nước cơm từ rất sớm. Đã có kinh nghiệm nuôi con từ trước nên Nga không bị bỡ ngỡ khi chăm con. Chồng cô lại rất chu đáo. Ngày nào cũng như ngày nào, anh đều đi quanh xóm hai bận vào giờ nấu cơm để xin nước cơm cho hai con gái. Anh nhận thêm tài liệu dịch ở nhà để kiếm thêm thu nhập. Quần áo của hai công chúa đều là đồ cũ xin lại nên chị Nga không tốn nhiều tiền cho việc mua quần áo cho hai bé. Cũi và xe đẩy do chồng chị tự làm. Tất cả đều nhân đôi. "Có anh chồng tháo vát cũng thích lắm. Đồ chơi của hai con cũng toàn chồng tôi mày mò làm" - Chi Nga vui vẻ kể chuyên.

Tất nhiên, nuôi con sinh đôi nhiều khi cũng khiến chị điên đầu. Khi ốm thì hai bé rủ nhau cùng ốm. Hai anh chị phải thức để chăm con. Bố chăm một bé, mẹ chăm một bé. Thế mà lúc hai vợ chồng đặt con xuống giường để đi lấy thuốc, quay đi quay lại vẫn cho con bé uống nhầm thuốc vì không nhớ đã cho bé nào uống. Khi hai bé đã lớn và đã bắt đầu biết nhận thức thì vợ chồng Nga lại hết hồn với việc làm quan tòa phân xử cho hai con. Tất cả đồ dùng của hai bé đều phải được mua giống nhau để tránh những tranh giành không đáng có từ bọn trẻ. "Đi mua thứ gì cho hai con cũng khiến tôi đau đầu. Tôi luôn phải đi mấy cửa hàng liền một lúc mới có thể mua được đồ giống nhau cho hai con. Kiểu dáng giống hệt nhau nhưng họa tiết khác nhau cũng không được vì nhất định hai bé sẽ tranh giành" - Chị Nga cho biết.

Lúc hai con lớn hơn một chút thì anh chị điên đầu với đủ thứ tị nạnh của các con. Hai con gái vừa đánh đá vừa nũng nịu. Thêm cô chị chỉ hơn hai cô em hai tuổi nên cũng tham gia cuộc chiến tị nạnh với các em. Ví dụ như khi đi ngủ, cô nào cũng đòi được nằm cạnh mẹ. Hai cô hai bên thì thừa ra một cô công chúa. Cô còn lại cứ ngồi cuối giường khóc mà chị Nga thì chịu, không biết phải phân xử thế nào. Cuối cùng đành chơi oẳn tù tì để các con không bảo mẹ thiên vị được. Rồi các con cứ lần lượt thay nhau được ngủ cạnh mẹ: "Nhiều khi mình mắng đứa này thì phải mắng cả đứa còn lại dù đứa còn lại chẳng có lỗi gì nhưng tôi sợ con lại nghĩ mình thiên vị nên thôi cứ mắng hết cho đều".

Chuyện sinh đôi nhà chị Xuân lại khác vì chị sinh đôi một trai một gái. Theo người đời thì sinh đôi một trai một gái rất khó nuôi và chị phải làm đám cưới giả cho hai con thì mới mong nuôi được hai bé. Hai con của Xuân lúc bé rất hay ốm. Chị thường xuyên phải ở trong viện với hai con. Bà nội hai bé nói nếu cứ để hai đứa ở cạnh nhau thì khó lòng mà nuôi được nên cho dù Xuân không đồng ý, bà nội vẫn đón bé trai về nhà bà nuôi. Chẳng biết có đúng như lời bà nói hay không mà kì lạ là từ ngày bà nội đón bé trai về nuôi thì hai đứa trẻ nhà Xuân không còn bị ốm đau gì nữa.

Hàng tuần, Xuân đưa con gái về nhà bà nội để hai anh em được gặp gỡ và chơi đùa với nhau. "Tiếng là đẻ sinh đôi nhưng tôi nuôi con nhàn như chị sinh một. Lắm lúc nghĩ thương thằng bé con lắm nhưng hễ tôi cứ đón về nhà là cháu lại ốm nên tôi đành để con cho bà nội chăm" - Xuân tâm sự. Phải đến khi hai con vào lớp một, Xuân làm thêm một lễ cưới giả nữa rồi đón con trai về nhà thì mới không thấy chuyện ốm đau xảy ra nữa.

Sinh đôi một trai, một gái nên Xuân có vẻ nhàn hạ hơn những bà mẹ sinh đôi khác ở chỗ, chị sinh một lần có cả "nếp" lẫn "tẻ", khi mua đồ cho con cũng không phải chọn lựa nhiều vì không phải chọn đồ giống nhau. Nhưng vấn đề là ở chỗ hai con của Xuân không nhận nhau là anh em. Có lẽ vì thời gian chúng ở với nhau quá ít. Việc đi học bị các bạn chỉ trỏ sinh đôi này kia làm hai đứa trẻ dù mới học lớp một nhưng nằng nặc đòi mẹ chuyển trường vì không muốn học chung với nhau. Xuân đành phải chiều theo ý con để chúng yên tâm học hành.

Làm mẹ là niềm hạnh phúc chẳng thể diễn tả bằng lời. Sinh hai, sinh ba hay sinh tư khiến cuộc vượt cạn của mẹ thêm gấp nhiều phần khó khăn nhưng điều kì diệu theo đó cũng được nhân lên. Vì con cái luôn là tài sản lớn nhất của cha mẹ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.