Hãi hùng với nạn "săn" người bạch tạng ở châu Phi

ANTĐ - Ở “Lục địa đen” châu Phi, những người mắc bệnh bạch tạng đang phải sống trong hoàn cảnh vô cùng khổ sở. Những cuộc săn lùng người bạch tạng vì quan niệm cơ thể họ có “sức mạnh kỳ diệu” đã khiến không ít người thiệt mạng hay bị cắt một số bộ phận trên cơ thể.

Hãi hùng với nạn "săn" người bạch tạng ở châu Phi ảnh 1

Một trẻ em bạch tạng ở châu Phi bị cắt tay vì nạn mê tín dị đoan

Nổi bật giữa “lục địa đen”

Ông Mohamed Mabula, một tài xế taxi ở Ndembezi, miền bắc Tanzania nói rằng, cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Hai trong sáu người con của ông cần được bảo vệ đặc biệt. Shija, 4 tuổi và Dotto, 6 tuổi mắc chứng rối loạn sắc tố da hay còn gọi là bạch tạng. “Thật nguy hiểm khi bị chẩn đoán mắc chứng bệnh này ở Tanzania.

Tôi lo sợ cho gia đình mình. Gia đình tôi sống trong một túp lều nhỏ và tôi đã nộp đơn đề nghị Chính phủ giúp đỡ xây dựng ngôi nhà an toàn để con tôi có thể ngủ ngon”, ông Mohamed Mabula buồn rầu nói. cũng giống như gia đình ông Mohamed Mabula, nhiều gia đình ở Tanzania giấu việc con cái bị rối loạn sắc tố da hoặc đưa con cái vào các trung tâm đặc biệt - nơi chúng được giáo dục và bảo vệ.

Tuy nhiên, đối với Hamida Ramadhani, người mẹ của ba đứa con bạch tạng thì đây không phải là giải pháp lâu dài. Deborah Ruge, 14 tuổi cũng được gia đình đưa đến sống tại trung tâm giành riêng cho người bạch tạng Kigoma sau khi em bị những kẻ tấn công giấu mặt tìm giết vào năm 2010. Mặc dù được chăm sóc tốt ở Kigoma nhưng Ruge nói rằng, em rất nhớ gia đình.

U-Thant Smith, 27 tuổi, một người bạch tạng ở quốc gia Tây Phi Liberia nói rằng: “Người bạch tạng đối mặt với rất nhiều khó khăn ở đất nước này. Đó là sự phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử”. Smith nói, tại một quốc gia châu Phi mà phần lớn là người da đen như Liberia thì người bạch tạng trở nên “nổi bật”. Người bạch tạng hiếm khi có thể tham gia vào các hoạt động xã hội.

Chứng mê tín dị đoan là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn “săn” người bạch tạng trở nên phổ biến ở châu Phi. Nhiều người tin rằng, người bạch tạng có sức mạnh kỳ diệu và thuốc được chế tạo từ xương người bạch tạng có thể chữa bách bệnh.

Theo thống kê, đã có ít nhất 75 vụ người bạch tạng bị giết hại ở Tanzania trong 15 năm qua. Nhiều vụ, nạn nhân bị tấn công, bị chặt đứt tay, chân nhưng may mắn sống sót. Giá của một người bạch tạng còn sống hay thi thể của họ có thể được bán với giá 75.000 USD trên thị trường chợ đen.

Phải thay đổi từ nhận thức 

Gần đây, Liên Hợp quốc lên tiếng cảnh báo rằng, những cuộc bầu cử quốc gia sắp tới có thể dẫn đến sự gia tăng các vụ tấn công người bạch tạng ở một quốc gia châu Phi như Tanzania, Malawi và Burundi. Vì mê tín, nhiều chính trị gia cũng tham gia vào cuộc tấn công người bạch tạng để tìm “bùa” may mắn. Trong một bài phát biểu vào tháng 3, Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete lên án các vụ tấn công nhằm vào người bạch tạng là “kinh tởm và ô nhục của đất nước“.

Tổ chức bảo vệ người bạch tạng Tanzania tìm cách “phá vỡ” những định kiến xã hội thông qua chiến dịch nâng cao nhận thức cho người dân và cung cấp điều kiện sống an toàn cho người bạch tạng. Hai quốc gia láng giềng của Tanzania là Malawi và Burundi cũng đang có những hành động quyết liệt đấu tranh với nạn tấn công người bạch tạng.

Theo đó, cảnh sát các nước này được phép nổ súng khi bắt gặp người nào đó tấn công người bạch tạng. Trẻ em bị bạch tạng ở Burundi được bảo vệ đặc biệt dưới sự giám sát chặt chẽ của quân đội. 

Cảnh sát trưởng Valentino Mlolowa nói với DW (Đức) rằng, kể từ năm 2010, những cuộc tấn công vào người bạch tạng ở Tanzania đã giảm so với thời điểm năm 2006, tuy nhiên, “sự mê tín dị đoan vẫn còn phổ biến”. Ông Mlolowa cho rằng, giáo dục nâng cao nhận thức của lớp trẻ qua các trường học công là việc làm cần thiết. Thông qua những tiết dạy môn sinh học, học sinh phổ thông cần được dạy rằng, bạch tạng là một bệnh di truyền và không liên quan đến phù thủy.

“Tổng thống đã ra lệnh, tất cả các trường học phải được trang bị phòng thí nghiệm. Sự mê tín dị đoan sẽ bị đẩy lùi trước một nền giáo dục tiên tiến“, ông Mlolowa nói. Anderson Miamen, nhà hoạt động nhân quyền ở Liberia nói rằng, sự thay đổi thái độ ứng xử với người bạch tạng là rất cần thiết. Cũng đồng quan điểm này, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về giáo dục, Kishore Singh cũng nhận định, giáo dục cho trẻ em nhận thức đúng về bệnh bạch tạng là việc làm quan trọng trong việc ngăn ngừa phân biệt đối xử với người bạch tạng.

Cơ hội hồi sinh ở Mỹ: Tuần trước, bốn trẻ em Tanzania, nạn nhân của nhóm săn người bạch tạng là Kabula, Baraka, Sengerema và Nkalango được đưa đến Bệnh viện Shriner ở Philadelphia (Mỹ) để lắp tay, chân giả. Chân, tay của các em đã bị cắt và bán cho một “bác sĩ phù thủy” ở địa phương. Chuyến đi của các em do một tổ chức từ thiện tài trợ.

Các bác sĩ hy vọng, với chân tay giả, các em sẽ có cơ hội tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Theo thống kê, Tanzania là quốc gia có số người bạch tạng cao nhất thế giới với tỷ lệ 1/1.400 trẻ em được sinh ra, trong khi con số này ở Châu Âu là 1/20.000 trẻ em. Hiện các nhà khoa học chưa đưa ra lý giải chính thức về hiện tượng này.