Hai gia đình đã tìm được tiếng nói chung sau mâu thuẫn do tranh chấp xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN -  Liên quan đến mâu thuẫn giữa hai gia đình bà Lê Thị Lan và ông Trần Thanh Dũng (đều ở thôn Lũng Kênh, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội) vì một bức tường; ngay sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vào cuộc, hoà giải, bước đầu đã tìm được tiếng nói chung…

Chính quyền xã đã tổ chức hội nghị hòa giải giữa hai gia đình

Chính quyền xã đã tổ chức hội nghị hòa giải giữa hai gia đình

Báo ANTĐ ngày 13-11 đưa tin về vụ việc tranh chấp đất đai giữa hai gia đình bà Lê Thị Lan và ông Trần Thanh Dũng. Ngày 7-12, thông tin thêm với PV, anh Trần Thanh Thuận (con trai ông Trần Thanh Dũng) cho biết, thực tế việc tranh chấp mới xảy ra từ cuối tháng 10-2020, khi gia đình ông Dũng xây thêm tầng 2 thì bà Lan gửi đơn lên xã.

Cũng theo anh Thuận, gia đình anh khi xây nhà (năm 2004) không lấn chiếm hay xây sang phần đất nhà bà Lan. Bên cạnh đó, phần giáp ranh giữa nhà ông Dũng và nhà bà Lan thực tế chỉ khoảng 7m chiều dài. Phía gia đình anh Dũng phủ nhận thông tin gia đình bà Lan đưa ra, là việc xây dựng lấn chiếmtới tổng diện tích khoảng 18m2.

Được biết, sau khi bà Lan gửi đơn (ngày 28-10-2020) đến UBND xã đề nghị giải quyết việc tranh chấp thì ngày 13-11, xã đã tổ chức hai bên gia đình cùng đại diện chính quyền và cơ quan liên quan tiến hành hoà giải. Buổi làm việc kết thúc vào hồi 11h 30 phút cùng ngày. Hai bên đã thống nhất ký vào biên bản hoà giải và thực hiện theo đúng nội dung biên bản.

Ngày 11-12, trao đổi với PV ANTĐ, ông Nguyễn Phan Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Giang cho biết, tại buổi hoà giải, hai bên thống nhất những nội dung được nêu ra, được ghi trong biên bản, cả hai bên đã ký vào biên bản.

Ông Nguyễn Huy Phan cũng thông tin thêm, đối với việc nếu một trong hai bên không thực hiện đúng theo nội dung biên bản hoà giải thì có thể yêu cầu cấp cao hơn giải quyết như cấp huyện, Toà án. Vì cả hai gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Mà GCNQSDĐ cấp huyện mới có thẩm quyền cấp thì việc tranh chấp cũng phải được cấp có thẩm quyền xử lý.

Có thể thấy, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, vụ việc đã được tổ chức hoà giải, bước đầu hai bên đã tìm được tiếng nói chung. Điều quan trọng là hai bên cần thực hiện đúng theo những nội dung đã thống nhất trong biên bản hoà giải, tránh phát sinh về sau và nhất là giữ được tình làng nghĩa xóm.