Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trao đổi kinh nghiệm để "cùng đi nhanh hơn" trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 27/3, tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi làm việc, trao đổi kinh nghiệm về việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại buổi trao đổi kinh nghiệm

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại buổi trao đổi kinh nghiệm

Triển khai thêm nhiều mô hình điểm

Theo Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 TP Hà Nội, về tình hình, tiến độ triển khai Đề án 06, Hà Nội đã ban hành 17 văn bản chỉ đạo, triển khai việc thực hiện Đề án 06; các sở, ngành có 4 văn bản trao đổi, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn thành phố.

Điển hình, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch từ đầu năm 2024 về thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" trên địa bàn Hà Nội năm 2024 với 33 nhiệm vụ (10 nhiệm vụ chung, 23 nhiệm vụ cụ thể) giao các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện đảm bảo đúng nội dung, mục đích, yêu cầu, tiến độ đề ra.

Trong thời gian tới, Hà Nội triển thực hiện các mô hình điểm theo Kế hoạch số 270/KH-UBND để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06; Đẩy mạnh số hóa sổ hộ tịch, dữ liệu đất đai; đưa vào sử dụng các dữ liệu đất đai, dữ liệu hộ tịch đã được số hóa, làm sạch với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm các thủ tục hành chính cho người dân.

Triển khai giải pháp ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, bảo đảm các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết TTHC; không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được số hóa theo đúng quy định. Triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ phương tiện.

Với việc triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, trước mắt thành phố sẽ trang bị chữ ký số cá nhân cho giáo viên, nhân viên để phục vụ triển khai học bạ số.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thí điểm lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn Hà Nội. Đẩy mạnh tỷ lệ chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không dùng tiền mặt; Triển khai thí điểm giải pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID…

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tại buổi trao đổi kinh nghiệm

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tại buổi trao đổi kinh nghiệm

Chia sẻ để "cùng đi nhanh hơn"

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các chuyên gia đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan đánh giá TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện tốt Đề án 06 trên địa bàn.

Ông Ngô Hải Phan cũng lưu ý 2 thành phố cần quan tâm đến đảm hạ tầng công nghệ an toàn thông tin, không để lộ, lọt thông tin người dân; bồi dưỡng đào tạo cán bộ ở các xã phường; tuyên truyền phổ biến để người dân hiểu được Đề án 06...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, các kết quả của đề án đã tác động nhiều và tích cực mọi mặt đời sống xã hội của thành phố; đặc biệt là các mô hình chuyển đổi số hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Chuyển đổi số là hướng đi đúng, mang tính đột phá nhất, hiệu quả nhất, do đó, cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số. Trong đó, bản chất của chuyển đổi số là phải chuyển đổi nhận thức, chuyển đổi tư duy, chuyển đổi phương pháp, chuyển đổi tâm thế phục vụ.

Ông Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội chuẩn bị thuê dịch vụ bưu chính công ích vào làm tất cả các nhiệm vụ hiện nay của cán bộ một cửa đang làm, để tập trung lực lượng cán bộ một cửa về làm việc khác. Hiện chưa có hướng dẫn chính thức, tuy nhiên thành phố đã có cơ chế thí điểm, thực hiện tại quận Hoàn Kiếm, sau đó sẽ đánh giá, nhân rộng.

“Làm sao để chuyển đổi số phải thẩm thấu vào từng công việc, từng con người. Cùng với việc đưa ra các dịch vụ công trực tuyến, cần hướng dẫn, tuyên truyền để người dân tham gia, thụ hưởng và cảm nhận được các tiện ích, lợi ích của chuyển đổi số”- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nêu việc TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tương đồng nhiều điểm chung khi triển khai Đề án 06; do đó, cần thiết có sự chia sẻ kinh nghiệm của từng địa phương, đơn vị theo lộ trình ưu tiên công việc khác nhau, chia sẻ kinh nghiệm lại với nhau.

“TP Hồ Chí Minh quan tâm đến việc thu phí không dừng đỗ xe; thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe, liệu có thể gây thất thoát cho người dùng… TP Hồ Chí Minh mong muốn các đơn vị được kết nối với các đơn vị của Hà Nội để học hỏi kinh nghiệm thành công, để cùng nhau đi nhanh hơn” - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức chia sẻ...

Toàn cảnh buổi trao đổi kinh nghiệm về việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06/Chính phủ giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Toàn cảnh buổi trao đổi kinh nghiệm về việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06/Chính phủ giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Những kinh nghiệm quý báu của CATP Hà Nội

CATP Hà Nội đã tham mưu Thành phố ban hành trên 300 văn bản chỉ đạo, trong đó nhiều văn bản tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong thực hiện Đề án 06/Chính phủ.

CATP Hà Nội đã nghiên cứu kỹ các nhiệm vụ, khảo sát đánh giá thực trạng và tập hợp khó khăn, điểm nghẽn trong quá trình triển khai thực hiện của các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã để đề xuất, tranh thủ sự quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ của các Bộ, ngành.

Cùng với đó, CATP tiếp tục phối hợp cùng với các sở, ngành tham mưu UBND Thành phố tháo gỡ các "điểm nghẽn" nội tại về pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, an ninh an toàn, nguồn lực. Đẩy mạnh các ứng dụng của Đề án 06 vào đời sống xã hội và sẵn sàng là đơn vị thí điểm Đề án 06 của Chính phủ trước khi nhân rộng toàn quốc.

Tham mưu UBND Thành phố bảo đảm nguồn lực chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng. Quan tâm bố trí kinh phí, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để kịp thời bổ sung, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Quan tâm đào tạo, bố trí nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang phương thức quản lý hiện đại.

Phát huy vai trò tiên phong, đi đầu trong tham mưu thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn Thành phố, nhất là nhóm đảm bảo "công dân số" như: Tập trung chỉ đạo lực lượng triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp giải quyết triệt để chỉ tiêu làm sạch dữ liệu và cấp 100% CCCD đối với số nhân khẩu đăng ký thường trú trên địa bàn Thành phố; Thu nhận và được phê duyệt cấp đối với 6.034.335 trường hợp (đạt tỷ lệ 100,8%), đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 là 5.230.080 trường hợp (đạt tỷ lệ 87,4%).

Kinh nghiệm của CATP Hà nội cho thấy, việc triển khai thực hiện Đề án 06 phải được duy trì quyết tâm chính trị cao, tiến hành bài bản trên cơ sở phát huy trí tuệ tập thể, gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng đơn vị; xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Duy trì hiệu quả giao ban Ban Chỉ đạo định kỳ hàng tháng; sơ kết, đánh giá kết quả; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện...