- Lực lượng tiên phong, nòng cốt trên mặt trận bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm
- Hà Nội: 10 năm luân chuyển hơn 1.000 cán bộ, thành lập mới gần 900 tổ chức đảng
- Bí thư Thành ủy Hà Nội: "Kế hoạch 1 thì biện pháp phải 10, quyết tâm phải 20" mới đáp ứng được
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, 10 năm qua Hà Nội đã luân chuyển hàng nghìn cán bộ
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà thành phố Hà Nội đã kiên trì, quyết liệt thực hiện trong suốt 10 năm qua sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là công tác củng cố tổ chức cơ sở đảng, bộ máy chính quyền…
Đổi mới mạnh mẽ tư duy lãnh đạo, quản lý
Thời điểm mới sáp nhập về Hà Nội, huyện Chương Mỹ có 217 thôn, tổ dân phố nhưng có tới 237 chi bộ thôn, tổ dân phố. Nhiều thôn có tới 2-3 chi bộ, thậm chí ở thôn Phú Vinh của xã Phú Nghĩa có tới 4 chi bộ. Đó là chưa kể rất nhiều thôn cũng có tới 2-3 ban công tác mặt trận, 2-3 chi đoàn thanh niên, 2-3 chi hội cựu chiến binh, chi hội phụ nữ… gây ra sự chồng chéo, thiếu đồng bộ về tổ chức.
Đặc biệt, số tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy Chương Mỹ vào thời điểm mới sáp nhập về Hà Nội cũng rất lớn, cồng kềnh. Ông Trịnh Tiến Tường, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Chương Mỹ chia sẻ, thời điểm 31-12-2008, Đảng bộ huyện Chương Mỹ có tới 76 tổ chức cơ sở Đảng, thực trạng hoạt động thiếu hiệu quả.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy Chương Mỹ đã quyết liệt giải thể các tổ chức cơ sở đảng không còn phù hợp, chuyển giao và sắp xếp lại các tổ chức cơ sở đảng cho phù hợp với thực tiễn, thành lập Đảng bộ khối doanh nghiệp… Đến nay, từ 76 tổ chức cơ sở Đảng vào năm 2008, giảm xuống còn 56 tổ chức cơ sở đảng, không chỉ tinh gọn, giảm đầu mối trực thuộc mà năng lực lãnh đạo được nâng cao rõ rệt.
Tương tự, với quận Hoàn Kiếm, khi địa giới hành chính Thủ đô được mở rộng vào năm 2008, Đảng bộ quận có tới 123 tổ chức cơ sở đảng. Do đó, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội thì việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được đặt lên hàng đầu. Qua củng cố, đến nay, Đảng bộ quận còn 70 tổ chức cơ sở đảng.
Đặc biệt, để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, quận Hoàn Kiếm đã tập trung mạnh vào việc luân chuyển, điều động cán bộ quản lý về cơ sở, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng.
Ông Nguyễn Chí Lực, Phó Bí thư thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm cho biết, từ năm 2009 đến nay, có 69 cán bộ của quận được điều động, luân chuyển và bố trí làm cán bộ chủ chốt các phường, trong đó có 22 bí thư đảng ủy, 2 phó bí thư, 1 phó chủ tịch HĐND, 20 chủ tịch và 24 phó chủ tịch UBND phường.
Đến nay, hầu hết cán bộ được luân chuyển đều đã phát huy được năng lực. Sau luân chuyển, có 20 cán bộ được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn (chiếm 29%), 8 cán bộ giữ chức vụ tương đương (11,6%)…
Tính trên toàn thành phố, sau 10 năm kể từ khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã thực hiện luân chuyển 213 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, 852 cán bộ diện Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy quản lý. Nhiều cán bộ đi luân chuyển đã cơ bản phát huy tốt, được bổ nhiệm, bố trí giữ chức vụ cao hơn.
Coi cơ sở là yếu tố quyết định thành công
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn trao bằng khen cho các đơn vị tiêu biểu trong thực hiện Nghị quyết 22 về củng cố tổ chức cơ sở đảng
Bên cạnh công tác cán bộ, củng cố tổ chức cơ sở đảng thì trong 10 năm qua, Thành ủy Hà Nội cũng chú trọng đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trong đó coi công tác lãnh đạo, bám sát từ cơ sở là yếu tố quyết định thành công.
Xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) là một trong những điển hình về lĩnh vực này. Ông Trương Đức Long, Bí thư Đảng ủy xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) cho biết, thời gian qua, công tác giáo dục chính trị tư tưởng là một trong những nội dung trọng tâm được Đảng ủy xã tập trung. Trong đó, Đảng ủy xã chú trọng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, từ đó lan tỏa đến nhân dân, vận động nhân dân ủng hộ và tích cực tham gia vào các nhiệm vụ chung của địa phương.
“Chẳng hạn, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là một nhiệm vụ rất khó. Đảng ủy xã đã tổ chức nhiều cuộc họp với các đảng viên trong chi bộ để giải thích các chính sách liên quan, tổ chức bàn bạc, thảo luận với nhân dân để tháo gỡ khó khăn. Kết quả, trên địa bàn xã có 35 dự án với diện tích đất thu hồi GPMB lên tới 140ha, nhưng người dân hầu hết đều phấn khởi nhận bồi thường hỗ trợ, không xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp” – ông Long nói.
Hay trong công tác vệ sinh môi trường, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền đến đảng viên, nhân dân, nên phong trào đã đi vào chiều sâu, nhân dân tự ủng hộ kinh phí, tự thực hiện theo sự chỉ đạo của Đảng ủy. Đến nay, nhân dân trong xã đã ủng hộ 3.000 ngày công để trồng hơn 1.000 cây sấu, gần 5 tấn hoa mười giờ, dạ yến thảo tạo thành một thảm hoa rực rỡ trên các tuyến đường…
Đánh giá về những kết quả, chuyển biến tích cực nêu trên, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo nhấn mạnh, đó là do các cấp ủy cơ sở đã nhận thức đầy đủ hơn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng và chăm lo công tác xây dựng đảng.