Hà Nội thống nhất nhiều nội dung đề xuất điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung, xây dựng Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Qua thảo luận, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã tiếp nhận 34 ý kiến với 60 vấn đề góp ý vào nội dung Tờ trình về Báo cáo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô...
Quang cảnh hội nghị chiều 24-2

Quang cảnh hội nghị chiều 24-2

Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII vào hôm nay, 24-2, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại tổ về 4 nội dung quan trọng.

Cụ thể là: Tờ trình về dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô và báo cáo tổng hợp đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Tờ trình về Báo cáo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt;

Tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tờ trình về sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII.

Phát biểu giải trình và tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ về 2 nội dung đầu tiên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, những tồn tại, hạn chế trong thi hành Luật Thủ đô thời gian qua có nguyên nhân chủ quan do trách nhiệm tổ chức thi hành luật của thành phố, cũng có những nguyên nhân khách quan liên quan đến thể chế, trách nhiệm của các cơ quan khác hay nguồn lực tổ chức thực hiện.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, lần này thành phố đề xuất 16 vấn đề chính sách liên quan đến xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), đây là những vấn đề hoàn toàn mới, là sự sửa đổi, bổ sung toàn diện cho Luật Thủ đô. Sau hội nghị này, Ban Cán sự đảng UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu để bổ sung, hoàn thiện.

Đối với Tờ trình về Báo cáo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt và định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố thông tin, qua 2 buổi thảo luận tại 4 tổ, đã có 34 ý kiến với 60 vấn đề góp ý vào nội dung này.

Trong đó, các ý kiến góp ý cơ bản thống nhất với sự cần thiết cùng các nội dung kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị và các cơ quan trung ương nhằm điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Cũng trong chiều nay, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến thảo luận tại tổ về 2 nội dung Tờ trình còn lại. Đồng chí Tuyến nhấn mạnh, việc xây dựng các văn bản này đều bảo đảm khoa học, chất lượng, lấy ý kiến qua nhiều vòng, nhiều bước…

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kết luận hội nghị

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, qua tổng hợp, đã có 70 ý kiến phát biểu tại hội nghị. Ban Thường vụ Thành ủy đã tiếp thu, giải trình các ý kiến.

Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của hội nghị và giao Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các văn bản trước khi ban hành và trình các cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua.

Bí thư Thành ủy yêu cầu, sau hội nghị này, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các đơn vị chủ trì các nội dung: Tổng kết Luật Thủ đô, Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tăng cường phối hợp để tiếp tục rà soát, hoàn thiện 3 nội dung lớn mà Thành ủy thảo luận, tạo sự thống nhất, đồng bộ, liên thông hữu cơ giữa 3 nội dung.

Cũng tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đề cập đến tình hình và những nhiệm vụ đang đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đồng chí Bí Thư Thành ủy chỉ đạo, nhiệm vụ hàng đầu lúc này là tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực khám chữa bệnh để tổ chức khám và điều trị các ca mắc theo diễn biễn của dịch bệnh Covid-19 và bảo đảm chủ động trong mọi tình huống của dịch.