Hà Nội: Sở Y tế đề xuất trụ sở mới để Bệnh viện Nam Thăng Long mở rộng quy mô khám, chữa bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Để đảm bảo nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh của Bệnh viện Nam Thăng Long trên địa bàn Thủ đô, vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi Sở Tài chính Hà Nội, UBND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đề xuất, bố trí trụ sở Đảng ủy, UBND, HĐND quận Bắc Từ Liêm làm cơ sở mới của Bệnh viện Nam Thăng Long.

Những năm qua, Bệnh viện Nam Thăng Long (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đã gặp rất nhiều khó khăn do diện tích đất được sử dụng chật hẹp, không đưa được nhiều trang thiết bị hiện đại vào phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao cho người dân trên địa bàn.

Luôn thực hiện tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh

Bệnh viện Nam Thăng Long (Bệnh viện) được thành lập ngày 16-1-2006 theo Quyết định số 151/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Đây là bệnh viện đầu tiên trực thuộc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, hoạt động theo hình thức công ty mẹ, công ty con của Bộ Giao thông vận tải và thực hiện khám chữa bệnh cho công nhân viên chức trong ngành giao thông vận tải, nhân dân địa phương (bờ Nam sông Hồng - Từ Liêm) và những nơi khác.

Bệnh viện Nam Thăng Long tọa lạc tại phố Tân Xuân (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) chật, hẹp và đông đúc người qua lại

Bệnh viện Nam Thăng Long tọa lạc tại phố Tân Xuân (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) chật, hẹp và đông đúc người qua lại

Hàng năm, bên cạnh việc khám chữa và điều trị cho gần 80.000 bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện, hiện Bệnh viện còn hợp đồng hợp tác chăm sóc sức khỏe, trực y tế cho hơn 10 công ty thuộc khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Hà Nội.

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, ngày 3-8-2007 Bệnh viện khai trương trung tâm lọc thận khởi đầu với 5 trên 10 dàn máy hiện đại do đối tác Nhật Bản và Bệnh viện liên kết đầu tư, được thẩm định đủ điều kiện đưa vào hoạt động. Qua đó đã giảm tải cho các trung tâm lọc thận nhân tạo ở nội thành Hà Nội và được UBND TP Hà Nội tôn vinh: “Bông hoa đẹp của Thủ đô”.

Ngày 28-6-2013, Bệnh viện Nam Thăng Long được chuyển giao nguyên trạng từ Tổng Công ty xây dựng Thăng Long về Cục Y tế Giao thông vận tải theo Quyết định số 1837/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Thực hiện Quyết định số 1922/2020/QĐ-TTg ngày 25-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lại Cục Y tế Giao thông vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải và Quyết định số 6430/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc tiếp nhận Bệnh viện Nam Thăng Long thuộc Cục Y tế Giao thông vận tải - Bộ Giao thông vận tải, ngày 30-1-2024, Sở Y tế TP Hà Nội đã tiếp nhận Bệnh viện Nam Thăng Long từ Cục Y tế Giao thông vận tải và chính thức quản lý Bệnh viện kể từ ngày 1-2-2024.

Tiếp đó, ngày 17-12-2008 tại Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội, Bệnh viện đã khai trương cơ sở 2 với diện tích 1.000m2 có trang thiết bị khá hiện đại và đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng có chuyên môn. Cơ sở 2 phục vụ bệnh nhân là cán bộ và công nhân viên của Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, nhân dân 4 xã phía Nam huyện Đông Anh và khu công nghiệp bờ Bắc Thăng Long. Với thành tích đạt được, ngày 27-2-2009, Bệnh viện đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích hoạt động Y tế giai đoạn 2003 - 2008.

Đặc biệt, những năm gần đây, Bệnh viện đã hợp tác với các bệnh việnvà các chuyên gia đầu ngành của Trung ương và TP Hà Nội, như: Bệnh viện E Trung ương; Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn... Thực hiện ký thỏa thuận hợp tác, phối hợp với chuyên gia chuyên môn và quản lý, nhất là trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật. Từ các hoạt động hợp tác, cán bộ nhân viên Bệnh viện đã thực hiện cập nhật thường xuyên kiến thức, quy trình kỹ thuật chuyên môn tiên tiến, nghiên cứu ứng dụng vào hoạt động của Bệnh viện.

Khoa Nhi của Bệnh viện rất chật hẹp

Khoa Nhi của Bệnh viện rất chật hẹp

Bệnh viện Nam Thăng Long là đơn vị sự nghiệp y tế công lập thuộc Sở Y tế TP Hà Nội, là Bệnh viện đa khoa hạng II, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế TPHà Nội, có chức năng khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn và các vùng lân cận TP Hà Nội (Quyết định số 1372/QĐ-UBND ngày 12-3-2024 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội). Đồng thời, Bệnh viện Nam Thăng Long được phân loại là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2). Tuy nhiên, trên thực tế trong nhiều năm qua, Bệnh viện hoạt động tự đảm bảo cả chi thường xuyên và chi không thường xuyên.

Cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu

Hiện nay, Bệnh viện Nam Thăng Long hiện có 21 khoa, phòng, (bao gồm 6 phòng chức năng; 14 khoa lâm sàng - Cận lâm sàng; 1 phòng khám đa khoa) với 252 cán bộ, viên chức, người lao động và được giao 260 giường kế hoạch. Tổng số lượt khám bệnh năm 2024 đạt 66.213 lượt người.Cùng với đó,Bệnh viện đang chạy thận nhân tạo (lọc máu chu kỳ) cho hơn 200 bệnh nhân ngoại trú là công dân các quận/huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đông Anh, Chương Mỹ, Đan Phượng, Tây Hồ... Mặc dù vậy, hiện nay, Bệnh viện chỉ được giao diện tích đất sử dụng là 1.519,44m2 và khoảng 4.425m2 sàn xây dựng.

Đông đảo người dân đến Bệnh viện khám, chữa bệnh

Đông đảo người dân đến Bệnh viện khám, chữa bệnh

Trong khi đó theo quy định, tiêu chuẩn về diện tích đất xây dựng bệnh viện đa khoa, đối với bệnh viện có quy mô từ 250 - 350 giường, diện tích đất tối thiểu cần có phải đạt 27.000m2 (Căn cứ tiêu chuẩn 365-2007 TCXDVN ban hành ngày 15-5-2007) và tiêu chuẩn về diện tích sàn xây dựng tối thiểu là 50m2/giường bệnh. (Căn cứ Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30-12-2023). Như vậy, về hiện trạng diện tích đất và diện tích sàn xây dựng của Bệnh viện Nam Thăng Long là chưa đạt được mức tối thiểu so với các quy định, tiêu chuẩn xây dựng bệnh viện đa khoa.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Nam Thăng Long tọa lạc trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm - nơi có quy mô dân số khoảng 340.605 người. Với số lượng dân cư đông và mật độ dân số ngày càng gia tăng, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong quận và các khu vực lân cận là rất lớn. Trước nhu cầu đó, Bệnh viện cần phải gấp rút mở rộng quy mô, bao gồm việc tăng đáng kể chỉ tiêu giường bệnh và đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Việc mở rộng số lượng giường bệnh kéo theo yêu cầu cấp thiết về cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhằm mở rộng diện tích sàn sử dụng và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật do cơ quan chức năng quy định.

Cơ sở vật chất hiện nay của Bệnh viện Nam Thăng long gồm các tòa nhà(văn phòng, buồng bệnh, phòng khám…)hầu hết được xây dựng từ những năm 1990 và đầu năm 2000 (thời kỳ đơn vị thuộc Tổng công ty xây dựng Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải), hiện nay đã xuống cấp, nhiều hạng mục bị nứt, vỡ, ngấm mốc, dột nát nghiêm trọng. Mặc dù Bệnh viện đã cố gắng khắc phục trong phạm vi khả năng, nhưng không hiệu quả do công trình đã có tuổi đời lâu năm. Hồ sơ xây dựng, cải tạo nhà hiện bệnh viện không lưu trữ do không được bàn giao từ thời điểm các tòa nhà được xây dựng xong theo đúng quy định.

Tuy nhiên, theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” và Quyết định số 6632/QĐ-UBND ngày 2-12-2015 của UBND TP Hà Nội về việc “Phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị H2-1 tỷ lệ 1/2000” thì chức năng sử dụng đất của Bệnh viện Nam Thăng Long tại địa chỉ hiện tại (số 38 Tân Xuân, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) nằm trong khu vực được xác định chức năng cây xanh” (Công văn số 6244/QHKT-P1 ngày 18-9-2017 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội). Do vậy, bệnh viện không thể mở rộng diện tích đất hoặc cải tạo nâng cấp trụ sở nhằm tăng diện tích sàn xây dựng để đạt được các tiêu chuẩn xây dựng bệnh viện đa khoa.

Bệnh viện Nam Thăng Long nằm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, theo Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 8-9-2021 của UBND TP Hà Nội thì Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 chỉ tiêu về tỉ lệ giường bệnh/vạn dân là 30-35 giường bệnh/vạn dân. Với dân số khoảng 340.605 người thì quận Bắc Từ Liêm phải đạt được từ 1.020 - 1.190 giường bệnh. Vì vậy, trong giai đoạn 2026 - 2030, Bệnh viện Nam Thăng Long cũng cần phải xây dựng kế hoạch nâng chỉ tiêu giường bệnh để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh rất lớn tại địa phương.

Ngoài ra, theo Đề án vị trí việc làm của Bệnh viện Nam Thăng Long năm 2024 và giai đoạn 2024 - 2026, đã được Sở Y tế phê duyệt, đến năm 2026 số lượng viên chức, người lao động dự kiến làm việc tại Bệnh viện là 270 người, sẽ tăng 49 người so với hiện tại. Do số lượng nhân sự có tăng lên, vì vậy trong tương lai gần Bệnh viện rất cần mở rộng thêm diện tích để có không gian làm việc.

Cần cơ sở vất chất để phục vụ người dân tốt hơn

Thực hiện Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12-12-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tại Phụ lục XV của Quyết định trên Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch xây dựng mới Bệnh viện Nam Thăng Long (khu mới) tại quận Bắc Từ Liêm.

Người dân chờ khám bệnh tại Khoa của Bệnh viện

Người dân chờ khám bệnh tại Khoa của Bệnh viện

Đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tại Văn bản số 793/UBND-KT ngày 7-3-2025 về việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp trên địa bàn Thành phố. Ngày 14/04/2025, Sở Y tế TP Hà Nội phát hành văn bản số 1664/SYT-KHTC về việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở của Bệnh viện Nam Thăng Long. Trong đó, Sở Y tế đã đề xuất Sở Tài chính xem xét, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định bố trí các trụ sở dôi dư sau khi sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính các cấp cho Bệnh viện Nam Thăng Long tại một trong các địa điểm như Lô C khu Liên cơ quan, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội (ô quy hoạch GS2-1) hiện đang là khu liên cơ quan của quận Bắc Từ Liêm, bao gồm: Đảng ủy, HĐND, UBND quận Bắc Từ Liêm và các tổ chức xã hội khác; hoặc Lô A khu Liên cơ quan, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội (ô quy hoạch GS2-1) hiện đang là 4 trụ sở của cơ quan, đơn vị đang sử dụng tại đây gồm: Bảo hiểm xã hội quận Bắc Từ Liêm; Ngân hàng chính sách xã hội TP Hà Nội - PGD Bắc Từ Liêm; Trung tâm y tế quận Bắc Từ Liêm và Trung tâm chính trị quận Bắc Từ Liêm.

Khuôn viên bên trong Bệnh viện chật hẹp, không có cây xanh

Khuôn viên bên trong Bệnh viện chật hẹp, không có cây xanh

Như vậy có thể thấy, việc bố trí trụ sở làm việc mới cho Bệnh viện Nam Thăng Long không chỉ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn mà còn góp phần cải thiện điều kiện làm việc của viên chức, người lao động trong Bệnh viện.

Do vậy, Bệnh viện kính đề nghị các cấp có thẩm quyền của TP Hà Nội xem xét, tạo điều kiện bố trí trụ sở mới cho Bệnh viện. Bệnh viện Nam Thăng Long cam kết sẽ sử dụng hiệu quả cơ sở được giao, đúng mục đích, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Y tế Thủ đô, một lãnh đạo của Bệnh viện Nam Thăng Long chia sẻ.

Trong thời gian diễn ra dịch Covid -19, Bệnh viện Nam Thăng Long đã tích cực tham gia công tác phòng chống dịch trên địa bàn, như: Hỗ trợ tiêm chủng và nhân lực phục vụ khu cách ly Kiều Mai cho Trung tâm tâm Y tế Bắc Từ Liêm; thành lập 3 đoàn Test nhanh Covid theo kế hoạch đảm bảo cho “lái xe luồng xanh” tại Bến xe Nước ngầm (quận Hoàng Mai), đầu cầu Phù Đổng (huyện Gia Lâm), phòng khám đa khoa cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh); cử đoàn 3 nhân viên y tế hỗ trợ phòng chống dịch tại miền Nam theo chỉ đạo của Bộ GTVT và UBND TPHà Nội... Đặc biệt, tháng 1-2022, trong dịp Tết Nguyên đán, Bệnh viện cũng đã cử 01 kíp tham gia hỗ trợ Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 198 - Bộ Công an tiếp nhận và chạy thận nhân tạo chu kỳ cho người bệnh do các cơ sở y tế trên bị phong tỏa.