Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh trái cây

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - UBND TP Hà Nội vừa có Kế hoạch về triển khai Đề án tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn TP Hà Nội trong năm 2024.

Cửa hàng kinh doanh trái cây phải được quản lý

Kế hoạch nhằm định hướng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây thực hiện đúng quy định pháp luật về an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, sơ chế, cung ứng ra thị trường và tới tay người tiêu dùng...

Vì vậy, kế hoạch xác định, trong năm 2024 phấn đấu 100% cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố có đăng ký kinh doanh; 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% cửa hàng kinh doanh thuộc đối tượng của Đề án được cấp biển nhận diện “Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn”, có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây, bảo đảm chất lượng lưu giữ trái cây tươi theo quy định khi đến tay người tiêu dùng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát bảo đảm trái cây lưu thông trên địa bàn được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, các điều kiện về an toàn thực phẩm...

Kế hoạch cũng nêu rõ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; kết hợp tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật và thành phố về quản lý, kinh doanh trái cây.

Thực trạng kinh doanh trái cây trên địa bàn Hà Nội kiểu "trăm hoa đua nở"

Thực trạng kinh doanh trái cây trên địa bàn Hà Nội kiểu "trăm hoa đua nở"

Thường xuyên rà soát, cập nhật hệ cơ sở dữ liệu các cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc đối tượng của Đề án, nắm bắt thực trạng hoạt động kinh doanh trái cây của các cửa hàng để xây dựng kế hoạch hướng dẫn, hỗ trợ chủ cơ sở, người kinh doanh trái cây bổ sung, hoàn thiện các thủ tục, điều kiện đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Song song đó, duy trì thường xuyên công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm/cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây; cấp biển nhận diện (logo) cho các cửa hàng kinh doanh trái cây mới mở bảo đảm điều kiện quy định tại Đề án. Tăng cường công tác giám sát, cảnh báo nguy cơ về chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm trái cây tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội...

Các cơ quan quản lý Nhà nước của thành phố cũng sẽ công khai danh sách các cửa hàng bảo đảm an toàn thực phẩm được cấp biển nhận diện, các tổ chức, cá nhân, địa điểm kinh doanh trái cây vi phạm quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng nắm rõ, lựa chọn…

Liệu có thành hiện thực?

Hiện nay việc kinh doanh trái cây trên địa bàn TP Hà Nội rơi vào thực trạng không thể kiểm soát được từ nguồn gốc đến xuất xứ cũng như chất lượng. Từ các chợ cóc, chợ dân sinh, siêu thị đến các hàng rong ven đường đều kinh doanh trái cây nhưng lại không được kiểm soát khiến người tiêu dùng vừa ăn vừa lo ngại.

Người tiêu dùng mong mỏi việc quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây từ các Sở, ngành Hà Nội

Người tiêu dùng mong mỏi việc quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây từ các Sở, ngành Hà Nội

Chị Nguyễn Thanh Hòa ở KĐT Kim Văn- Kim Lũ, phường Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Dọc trục đường Nguyễn Xiển mùa nào thức ấy, đủ các loại trái cây bán rong ven đường như dưa hấu, mít, táo, ổi, nho…Thậm chí, nhiều người bán còn trà trộn các loại trái cây Trung Quốc nhưng quảng cáo là hàng Việt như nho, lê, quýt với giá bán rất rẻ. Cũng bởi giá rẻ nên thu hút được rất nhiều người mua dùng. Tôi cũng nhiều lần đắn đo về chất lượng, nhưng thấy mọi người mua dùng nhiều nên cũng có đôi lần mua về ăn. Dù vậy, tôi vẫn rất băn khoăn về chất lượng cũng như không biết có được kiểm soát không”.

Đánh giá về việc quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây của TP Hà Nội nhiều chuyên gia cũng như người tiêu dùng cho rằng, việc này rất thiết thực nhưng làm sao để triển khai trong thực tế, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” hoặc chỉ xây dựng Đề án trên giấy rồi… lại để đấy.

“Tôi rất ủng hộ việc TP Hà Nội công khai rộng rãi danh sách các cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn để người dân được biết, cũng như có việc kiểm soát, hậu kiểm để dần dà đưa việc kinh doanh trái cây trên địa bàn TP Hà Nội được kiểm soát để đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe cho người dân”- ông Nguyễn Bá Thắng ở Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội bày tỏ.

Dù vậy, không ít người tiêu dùng tỏ ra nghi ngại về việc này, bởi nhiều năm qua, TP Hà Nội đều có văn bản chỉ đạo về việc triển khai thực hiện Đề án quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn nhưng đến nay kết quả thực hiện còn khiêm tốn. Thậm chí, phần lớn người dân còn chưa được biết đến Đề án cũng như danh sách các cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng.