Thi tuyển lãnh đạo công khai sẽ đảm bảo tính minh bạch, công bằng
(Ảnh minh họa)
Tham gia kỳ thi thí điểm tuyển lãnh đạo lần đầu tiên với 2 chức danh kể trên tại tỉnh Quảng Ninh có tổng cộng 11 thí sinh. Trong đó, có 6 người thi vào chức danh Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long và 5 người thi vào chức danh Phó Giám đốc Sở TT-TT. Đương nhiên, các đối tượng đăng ký dự tuyển phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên; 2 năm liền kề thời điểm thi được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; đảm bảo độ tuổi bổ nhiệm lần đầu, nói chung còn 10 năm công tác (ít nhất đủ 5 năm) và có đủ sức khỏe để thực hiện tốt nhiệm vụ... Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở.
Các thí sinh đánh giá cuộc thi tuyển là công bằng, khách quan, minh bạch. Nhiều người bày tỏ mong muốn mô hình này được tỉnh Quảng Ninh nhân rộng để các cán bộ trẻ được trưởng thành nhanh hơn. Đánh giá cao các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Phạm Minh Chính cho biết, qua kỳ thi, Quảng Ninh kỳ vọng tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, qua đó tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục áp dụng ra diện rộng nhằm thu hút được những cán bộ trẻ, có năng lực trình độ, có triển vọng phát triển để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.
Tại Hà Nội, nội dung thi tuyển lãnh đạo cấp sở cũng đã nằm trong Kế hoạch cải cách hành chính năm 2013. Cụ thể, UBND TP đã giao Sở Nội vụ xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo ở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố” trong quý II-2013. Tại cuộc họp sáng 15-1, bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015” cũng lưu ý Sở Nội vụ về vấn đề này. Bà Ngô Thị Doãn Thanh chỉ đạo Sở Nội vụ sớm hoàn thành đề án để triển khai. Bà Ngô Thị Doãn Thanh nói: “Danh sách cán bộ về hưu năm 2013 Sở Nội vụ đã có, trong đó có khá nhiều sở quan trọng. Chúng ta muốn thực hiện thí điểm thi lãnh đạo thì cũng cần có thời cơ, không nên để giám đốc về hưu mới hình thành đề án thì sẽ không có đất để thực hiện”. Thực ra, cách đây vài năm, Hà Nội đã từng có hình thức gần như là thi tuyển để lựa chọn vị trí giám đốc một sở quan trọng của thành phố. Tuy nhiên, khi đó, chỉ có 2 ứng viên tham gia là 2 vị phó giám đốc sở.
Cũng liên quan tới đội ngũ cán bộ, công chức của Hà Nội, bà Ngô Thị Doãn Thanh cho biết, chủ trương chung là tinh giản biên chế song nhiều năm nay, Hà Nội chưa làm được việc này một cách hiệu quả. Điều đáng nói là thực tế kiểm tra cho thấy, nhiều đơn vị có chỉ tiêu nhưng không thể thực hiện được (được giao biên chế nhưng không tuyển dụng hết). Theo Chủ tịch HĐND TP, tinh giản biên chế chỉ có thể giải quyết tốt khi việc sắp xếp, bố trí công việc hợp lý, phân công đúng người, đúng công việc. Thực tế hiện nay, khi xin biên chế, nơi nào cũng kêu thiếu song tỷ lệ cán bộ làm việc hiệu quả lại rất thấp.
Cũng tại cuộc họp sáng 15-1, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh nhắc lại, năm 2013 đã được chọn là năm kỷ cương hành chính của Thủ đô. Do đó, bên cạnh yếu tố con người, TP sẽ tiếp tục rà soát lại cơ chế, chính sách để điều chỉnh hoặc bãi bỏ những quy định rườm rà, không còn phù hợp. Hiện nay, thủ tục hành chính còn có sự chồng chéo, không chỉ khó cho dân mà còn khó cho cơ quan quản lý. Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị cần mạnh dạn xã hội hóa dịch vụ công bởi hiện nay cơ quan hành chính vẫn “ôm” nhiều quá. “Đã đến lúc mạnh tay bỏ bớt những cán bộ “hữu danh vô thực”, để đội ngũ bớt đi sự cồng kềnh” – ông Vũ Hồng Khanh nói.