Hà Nội sẽ đổi tên Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, hợp nhất hai bệnh viện mắt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo dự thảo Đề án về việc kiện toàn lại cơ cấu tổ chức của Sở Y tế Hà Nội, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) sẽ đổi tên thành Chi cục Dân số.
Bệnh viện Mắt Hà Đông sẽ được hợp nhất vào Bệnh viện Mắt Hà Nội

Bệnh viện Mắt Hà Đông sẽ được hợp nhất vào Bệnh viện Mắt Hà Nội

Thực hiện kết luận chỉ đạo của Thành ủy và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội vừa xây dựng dự thảo Đề án về việc kiện toàn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế trình UBND TP phê duyệt.

Về tổ chức bộ máy, Sở Y tế được giao nhiệm vụ tổ chức lại Chi cục DS - KHHGĐ thuộc Sở Y tế; rà soát chức năng, nhiệm vụ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; thúc đẩy tiến độ hợp nhất Bệnh viện Mắt Hà Nội và Bệnh viện Mắt Hà Đông thành Bệnh viện Mắt Hà Nội theo Quyết định số 4042/QĐ-UBND ngày 27/8/2021 của UBND TP.

Theo đề án, Sở Y tế Hà Nội đề xuất giữ nguyên Chi cục DS - KHHGĐ Hà Nội nhưng thay tên gọi thành Chi cục Dân số Hà Nội. Về tổ chức vẫn giữ nguyên số lượng 03 phòng chức năng và đề nghị đổi tên: Phòng tổ chức – hành chính thành phòng Hành chính tổng hợp; Phòng Kế hoạch – Tài vụ thành phòng Nghiệp vụ và Chất lượng dân số; Phòng Truyền thông – Nghiệp vụ thành phòng Truyền thông dân số.

Đối với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, chuyển nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về Thanh tra Sở Y tế thực hiện. Về tổ chức có 04 phòng bao gồm 3 phòng hiện có và bổ sung thêm 01 phòng là Phòng Quản lý sản phẩm thực phẩm.

Lý giải về sự cần thiết phải giữ nguyên Chi cục DS - KHHGĐ, đề án của Sở Y tế Hà Nội nêu rõ, ngày 15/8/2022, Bộ Y tế đã có văn bản 4348/BYT-TCDS gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc ổn định tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở địa phương.

Lý do là trong giai đoạn tới đây, công tác dân số cần phải triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, trong đó việc củng cố, ổn định tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp thực sự quan trọng. Bộ Y tế cũng khẳng định việc giữ ổn định mô hình tổ chức Chi cục DS- KHHGĐ thuộc Sở Y tế là cần thiết. Hiện nay, có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang duy trì mô hình Chi cục DS-KHHGĐ trực thuộc Sở Y tế.

Tại Chương trình 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025 giao 9/27 chỉ tiêu cho Sở Y tế.

Trong số đó có 4 chỉ tiêu hiện nay Chi cục DS - KHHGĐ Hà Nội đang thực hiện, bao gồm: tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh 4 bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất (đạt 85%); tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất (đạt 90%); tỷ lệ tuổi thọ trung bình 76,5; mức sinh thay thế (bình quân số con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) đạt 2,1.

Bên cạnh đó, chất lượng dân số và số năm sống khỏe mạnh của người dân còn chưa cao, vì vậy cần giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế- xã hội.