Hà Nội phòng, chống dịch bài bản, khoa học, thích ứng linh hoạt với thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 21-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu thảo luận Tổ, sáng 21-10

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu thảo luận Tổ, sáng 21-10

Các đại biểu cũng thảo luận ở Tổ về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2022 - 2024.

Thảo luận ở Tổ về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, với đặc thù là Thủ đô của cả nước, nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng rất cao nên công tác phòng, chống dịch của thành phố cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Đặc biệt, trong đợt dịch lần thứ tư với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng Hà Nội vẫn kiên định chủ trương không để các F1, F0 cách ly, điều trị tại nhà, bởi hệ thống y tế của Thủ đô vẫn đáp ứng được.

“Với đặc thù là địa phương có nhiều nguy cơ, đa nguồn lây nên công tác phòng, chống dịch của Hà Nội cũng được triển khai một cách bài bản, khoa học nhưng hết sức linh hoạt với tình hình thực tiễn. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, an ninh - an toàn cho Thủ đô. Vì thế, cả hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc một cách quyết liệt, chủ động rà soát và triển khai các kịch bản phòng, chống dịch cao hơn thực tế để không bị động. Nhờ đó, tình hình dịch trên địa bàn Thủ đô đã cơ bản được kiểm soát” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết và đánh giá, thành công lớn của thành phố trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua chính là việc huy động sức dân, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia trực chốt, duy trì Tổ Covid-19 cộng đồng để bảo vệ các “vùng xanh” an toàn. Cùng với đó, thành phố đã triển khai chiến dịch tiêm phủ vaccine quy mô lớn và xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao; đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để không bị “đứt, gãy” chuỗi cung ứng.

“Thời gian tới khi Hà Nội mở cửa trở lại các trường đại học thì lượng sinh viên ngoại tỉnh, người lao động về thành phố cao. Đây là nguy cơ bùng phát dịch lớn, vì thế thành phố tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, giải pháp tốt nhất phải là từ cơ sở, sự chung sức đồng lòng của mỗi người dân. Cùng với đó, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm trả mũi 2 vaccine cho người dân; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền song song với xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định phòng, chống dịch để tạo sức răn đe” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

“Thành công lớn của thành phố trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua chính là việc huy động sức dân, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia trực chốt, duy trì Tổ Covid-19 cộng đồng để bảo vệ các “vùng xanh” an toàn. Cùng với đó, thành phố đã triển khai chiến dịch tiêm phủ vaccine quy mô lớn và xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao; đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để không bị “đứt, gãy” chuỗi cung ứng”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Đoàn TP Hà Nội): Cần sớm có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi

Chống dịch không được phép chạy theo tình huống mà cần có chiến lược bài bản với phương châm “chống dịch như chống giặc”. Từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch của thành phố thời gian qua, đại biểu kiến nghị việc triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ cần tính đến các giải pháp mang tính tổng thể, trong đó cần sớm có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi. Cùng với đó là các giải pháp thích ứng của nền kinh tế khi nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn còn, cũng như các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài chịu tác động của đại dịch.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP Hà Nội): Nâng cao năng lực hệ thống y tế để thích ứng với dịch bệnh

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua đã cho thấy năng lực của hệ thống y tế Thủ đô, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến địa bàn dân cư. Về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian tới, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị Chính phủ sớm có chiến lược tiêm vaccine trong năm 2022, trong đó có vaccine cho học sinh, để có thể mở lại trường học.

“Để sống thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới phải nâng cao năng lực hệ thống y tế trong công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó là sự thống nhất trong thông điệp truyền thông từ Trung ương đến địa phương để tạo đồng thuận trong nhân dân khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, Bộ Y tế cũng như Chính phủ cần tăng cường dự trữ nguồn lực quốc gia để bổ sung kịp thời cho các địa phương khi dịch bệnh bùng phát” - đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị.