Hà Nội “nóng” vì... hàng lậu

(ANTĐ) - Đợt cao điểm, tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội do Bộ Công an phát động chính thức triển khai vào ngày 15-12; nhưng với lực lượng Chống buôn lậu - Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CATP Hà Nội, “tinh thần cao điểm” đã bắt đầu trước đó cả tháng. “Sức nóng của hàng lậu ngày càng rõ rệt, từ biên giới phía Bắc về, từ phía Nam ra, và trên đủ các tuyến đường bộ, đường sắt, hàng không. Hà Nội vừa là điểm trung chuyển, vừa là thị trường tiêu thụ lớn của hàng lậu”, chỉ huy đội Chống buôn lậu khẳng định.

Hà Nội “nóng” vì... hàng lậu

(ANTĐ) - Đợt cao điểm, tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội do Bộ Công an phát động chính thức triển khai vào ngày 15-12; nhưng với lực lượng Chống buôn lậu - Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CATP Hà Nội, “tinh thần cao điểm” đã bắt đầu trước đó cả tháng. “Sức nóng của hàng lậu ngày càng rõ rệt, từ biên giới phía Bắc về, từ phía Nam ra, và trên đủ các tuyến đường bộ, đường sắt, hàng không. Hà Nội vừa là điểm trung chuyển, vừa là thị trường tiêu thụ lớn của hàng lậu”, chỉ huy đội Chống buôn lậu khẳng định.

Bài 1: “Chạy sô” bắt hàng lậu

Hàng lậu bị Đội QLTT số 1 thu giữ
Hàng lậu bị Đội QLTT số 1 thu giữ

Phối hợp nhịp nhàng

Chiều 10-12, tìm đến trụ sở Đội QLTT số 3, dù đã “nhẵn mặt” nhau qua những buổi đến lấy thông tin các anh xử lý hàng lậu, hàng giả, tôi vẫn nhận được cái bắt tay... “tiễn khách” hết sức tế nhị: “Bọn tớ đang họp với các anh bên 15 (Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - tg) một tí, đầu giờ chiều anh em mình gặp nhau nhé”.

Liếc nhanh vào phòng của chỉ huy đội, bắt gặp bóng dáng mấy trinh sát Đội Chống buôn lậu đang kẻ vẽ, bàn thảo rất khẩn trương. 2 ngày sau, đúng 13h, điện thoại di động tôi réo liên hồi.

Màn hình hiện số của chỉ huy Đội Chống buôn lậu. “Đê Nguyễn Khoái, phường Bạch Đằng, nhà báo đến ngay có việc hay nhé”. Hộc tốc phóng xe ra phường Bạch Đằng, phải hỏi thăm “gãy lưỡi” tôi mới đến được địa chỉ “có việc”. Đó là ngôi nhà 3 tầng nằm trên mặt đê Nguyễn Khoái, giữa mấy cơ sở sản xuất than tư nhân.

Trước cửa, 2 xe tải trọng 500kg chờ chuyển hàng về kho. Trái với vẻ ngoài cũ kỹ, chật kín 3 tầng của ngôi nhà này toàn đồ thể thao như quần áo, giày, vợt tennis... trị giá tới cả tỷ đồng. Tất cả đều là hàng do Trung Quốc sản xuất và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Một thanh niên trông còn khá trẻ, tên Tuấn, đứng ra nhận là chủ số hàng trên. Ghê thật, từng ấy hàng được chuyển về Hà Nội từ Lạng Sơn, Móng Cái bằng xe khách, rồi xé lẻ xuống “xe ôm” theo kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”, nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, lối ăn hàng du kích này đã bị trinh sát Đội Chống buôn lậu và QLTT số 3 phát hiện. Mất hơn 1 tuần để các anh dò ra điểm tập kết của các đối tượng; 2 ngày để xác định thời điểm hàng về nhiều và chuẩn bị được đưa đi tiêu thụ tại một số shop lớn ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. 13h ngày 12-12, phương án cất vó được triển khai.

19h cùng ngày, tôi rẽ qua trụ sở Đội Chống buôn lậu, đọc được sự phấn khởi và cả những giọt mồ hôi trên gương mặt chỉ huy đội cùng trinh sát. Tổng cộng 84 kiện hàng! Một ngày làm việc vất vả, nhưng chưa kết thúc. Thấy dáng tất bật của đồng chí Trung tá Đội trưởng cùng chiếc điện thoại di động nóng ran vì những cuộc gọi, tôi đoán lại có “việc hay” sắp diễn ra.

Y như rằng vừa về đến nhà, một đồng nghiệp nhắn tin: “Qua ngay 319 Tây Sơn, có vụ kiểm tra nhà hàng kinh doanh rượu ngoại”. Vẫn là tổ trinh sát tôi gặp hồi chiều ở đê Nguyễn Khoái, đồng phục chưa kịp thay. Những cái gật đầu thay cho lời chào, rồi mỗi người một việc. Nhà hàng DiamonD-D này mới khai trương hơn 2 tháng, lượng khách ra vào khá đông.

Tại Diamon D-D, tổ công tác Đội Chống buôn lậu và Đội QLTT 13 kiểm tra, phát hiện hơn 200 chai rượu ngoại không có giấy tờ hợp lệ, thậm chí tem nhập nhẩu trên mỗi nắp chai có dấu hiệu bị quay vòng. Một thùng pháo hoa lễ hội với hơn 100 quả cũng được tìm thấy trong khuôn viên nhà hàng này. Toàn bộ số tang vật vi phạm đã bị tạm giữ, lập biên bản. Lúc ấy đã gần 24h.

Biến tấu... hàng lậu

Đa phần hàng lậu về Hà Nội có xuất xứ từ Trung Quốc. Hành trình ấy có bao nhiêu cung đường, phương tiện, lính chống buôn lậu nắm cả. Nhưng không vì thế mà dễ dàng quờ tay sẽ tóm được cả nắm. Hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu ngày càng chuyên nghiệp, có đường dây tổ chức, thậm chí có cả yếu tố nước ngoài. Chúng thiết lập được quy trình khép kín từ vận chuyển, cất giấu và lợi dụng sự tiêu cực của một bộ phận nhỏ cán bộ, nhân viên cơ quan chức năng của Nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra, kiểm soát.

Thời điểm này, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV xác định, có tới 20 tuyến, tụ điểm, địa bàn đang cực “nóng” về hoạt động buôn lậu, mà ở đó, tàu hỏa, xe khách, thậm chí cả máy bay đều “bị” lôi vào cuộc. Hôm đến trụ sở đội QLTT số 1 ở đường Trần Quang Khải khai thác tin bắt giữ 1 xe chở hàng lậu, tôi không tin vào mắt mình. Chiếc xe BKS: 14M-4817 bề ngoài rõ ràng là xe khách, nhưng “nội thất” bên trong đã được cải tạo hoàn toàn; gầm xe được cơi nới để phục vụ chứa hàng.

Một chi tiết sau đó tôi mới nhận ra, kính chiếc xe này được chủ định lắp màu đen để tránh sự để ý từ bên ngoài. Hành vi vận chuyển hàng lậu của lái xe chỉ bị phát hiện do hành trình kỳ quái của nó; xe khách gì mà về đến Hà Nội không chịu vào bến, toàn dừng đỗ ở các khu vực buôn bán đông đúc. Hôm bị “lộ sáng”, hàng trên xe dỡ xuống kín chặt toàn bộ một gian trụ sở Đội QLTT số 1.

Có hệ thống và bài bản của hoạt động vận chuyển hàng lậu phải kể đến vụ thu giữ gần 10 tấn hàng tại ga Hà Nội bị liên ngành Đội Chống buôn lậu, Đội QLTT số 4 và lực lượng bảo vệ ga Hà Nội thực hiện. Từng ấy tấn hàng, chủ yếu là hàng may mặc, đồ gia dụng, linh kiện máy tính… chất kín khoang B41341 đoàn tàu Thống Nhất hành trình Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh.

6h sáng, một tiếng trước khi tàu chạy, hàng hóa đã được xếp lên toa xe và ga Hà Nội đã niêm phong kẹp chì, lực lượng liên ngành thông tin với lãnh đạo ga, đề nghị “cắt” toa B41341 vì có dấu hiệu chở hàng lậu. Kết quả kiểm tra xác định 90 bao đựng hàng hóa và 9 bộ hóa đơn chứng từ (gồm tờ khai hàng gửi, hóa đơn, biên lai giao nhận) có dấu hiệu sửa chữa, không trùng khớp hàng hóa. 19 chủ hàng sau đó đã bị phạt hành chính với số tiền gần 328 triệu đồng.

Một thời gian ngắn sau vụ việc trên, lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời đường dây buôn lậu qua đường hàng không. 10 bao tải với hàng nghìn chiếc điện thoại di động kèm linh kiện không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc được Công ty Cung ứng và xuất nhập khẩu lao động hàng không (Alsimexco), trụ sở khu Đầm Trấu, phường Bạch Đằng, đứng ra nhận vận chuyển.

Số hàng khi chuyển đến điểm giao nhận đều không ghi rõ địa chỉ của người gửi và người nhận. Và dự kiến sau khi được đưa lên máy bay, các chủ hàng tại Hà Nội sẽ liên lạc với “đối tác” phía Nam ra sân bay nhận theo các ký hiệu riêng được ghi trên từng kiện hàng…  

(Còn nữa)             

Hoàng Quân