Hà Nội: Mô hình nông nghiệp biến tướng thành khu du lịch, xử lý thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giám sát của HĐND TP Hà Nội chỉ rõ một số mô hình nông nghiệp biến tướng thành khu du lịch, nhà nghỉ và đặt câu hỏi: " “Liệu chính quyền địa phương có làm ngơ cho những sai phạm này?”
Toàn cảnh phiên chất vấn

Toàn cảnh phiên chất vấn

Tại phiên chất vấn sáng 12-5, HĐND TP Hà Nội đã trình chiếu phóng sự về việc phát triển nông nghiệp ở Hà Nội với những hình ảnh mới nhất chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và câu hỏi về trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương.

Thiếu quy hoạch, thủ tục hỗ trợ rườm rà

Theo giám sát của HĐND TP, hiện nay, thành phố đang thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được xây dựng từ năm 2012. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nên phần lớn các quy hoạch này đều đã bị biến đổi, điều chỉnh, chồng lấn, có quy hoạch chưa thực hiện được.

Năm 2012, thành phố ban hành Quyết định số 5791 phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 với mục tiêu đạt 85-90% nhu cầu giết mổ trên địa bàn, đảm bảo phần lớn lượng thịt gia súc, gia cầm được giết mổ, bảo quản, chế biến tại các cơ sở giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp đạt từ 60-65% vào năm 2020; tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, Quy hoạch này đã được điều chỉnh 3 lần vào các năm 2013, 2014, 2017, song đến năm 2020 vẫn không thể hoàn thành chỉ tiêu. Toàn bộ 4 quyết định trên được thay thế bởi Quyết định 761/QĐ-UBND ngày 17/02/2020 phê duyệt “Mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn Thành phố” với 29 cơ sở. Tuy nhiên đến nay mới có 11/29 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đang hoạt động, đạt 37,93% theo quy hoạch của thành phố. Còn lại 18/29 cơ sở chưa được đầu tư xây dựng hoặc chưa có nhà đầu tư.

Nhiều cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, thủ công tập trung đa số hoạt động chưa hết công suất.

Điển hình như cơ sở giết mổ Vinh Anh, huyện Thường Tín đầu tư dây truyền giết mổ hiện đại nhưng chỉ hoạt động được 15 - 30% công suất thiết kế; cơ sở Foodex ở huyện Đan Phượng phải tạm ngừng hoạt động giết mổ; cơ sở giết mổ Minh Hiền – huyện Thanh Oai phải chuyển sang giết mổ bán công nghiệp để duy trì hoạt động. Như vậy, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố còn rất xa mới đạt được như quy hoạch ban đầu từ năm 2012…

Ngoài ra, trong lĩnh vực lâm nghiệp, việc khai thác kinh tế, dịch vụ, cảnh quan môi trường từ rừng còn nhiều hạn chế như: Thiếu những quy hoạch, định hướng rõ ràng về tầm nhìn phát triển rừng... Đối với quy hoạch đê điều, thủy lợi, hiện chưa được Trung ương phê duyệt gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý của Thành phố. Quy hoạch chưa hoàn thiện nên giá trị sản xuất/héc ta đất nông nghiệp của Thủ đô nhìn chung còn thấp và hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, giám sát của HĐND TP còn nêu rõ, việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp của Trung ương và thành phố còn chậm trễ, một số nội dung chưa triển khai.

Công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, người dân tiếp cận chính sách còn hạn chế. Nhiều quy định liên quan đến phương thức tổ chức triển khai, thủ tục hành chính để tiếp cận chính sách còn rườm rà nên các đối tượng thụ hưởng không muốn tham gia.

Bên cạnh đó, giám sát của HĐND TP cũng cho thấy, mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp ở Hà Nội chưa hiệu quả. Lúc giá thị trường cao hơn giá thỏa thuận thì người sản xuất không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường; lúc giá thị trường thấp hơn giá thỏa thuận thì doanh nghiệp bỏ không thu mua sản phẩm của người sản xuất, dẫn đến liên kết chuỗi bị phá vỡ. Từ năm 2020 đến cuối 2021, đã có 13 liên kết bị ngừng hoạt động đều rơi vào hình thức liên kết này.

Bên cạnh những bất ổn về chuỗi liên kết xuất phát từ tâm lý người nông dân, cũng có thể thấy cấp ủy, chính quyền địa phương một số nơi chưa thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn về quản lý quy hoạch, vẫn còn tình trạng buông lỏng, tự phát, dẫn đến cung vượt cầu, sản phẩm sản xuất ra không có người mua…và bài toán "giải cứu" nông sản thỉnh thoảng vẫn lặp lại….

Các đại biểu HĐND TP dự phiên chất vấn

Các đại biểu HĐND TP dự phiên chất vấn

Mô hình nông nghiệp biến tướng...

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng là sự đầu tư mạo hiểm với các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất do các cơ quan chức năng và chính quyền chưa có hướng dẫn xây dựng công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong khi rất nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp loay hoay vì không được hướng dẫn xây dựng công trình hạ tầng để làm nông nghiệp công nghệ cao thực sự, thì nghịch lý thay, trên địa bàn Thủ đô hiện lại đang xuất hiện rất nhiều mô hình nông nghiệp nhưng lại không sản xuất, biến tướng thành điểm du lịch, nơi nghỉ dưỡng.

HĐND TP dẫn chứng về dự án trồng hoa cây cảnh tại xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ của Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoa Bay, triển khai năm 2017 trên diện tích 1 ha. Nhưng đến nay, dự án đã biến thành Khu du lịch sinh thái, đặt tên là "Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay", trái với mục đích sử dụng đất được phê duyệt.

Dự án trồng hoa cây cảnh nay đã mọc thêm nhiều công trình, bao gồm khu nhà điều hành, nhà hàng, bể bơi, phòng nghỉ, phòng ăn như một khu du lịch…Chủ đầu tư cũng đã tự ý kè bờ sông kiên cố để bảo vệ các công trình xây dựng trái phép… “Những vi phạm này đã diễn ra vài năm nay, tại sao lại không được chính quyền địa phương xử lý kịp thời?”, HĐND TP đặt câu hỏi.

Tại hợp tác xã du lịch và nông nghiệp Hoa Sơn rộng 7 ha ở xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, để phát triển theo hướng du lịch, ngoài trồng rau hữu cơ, nuôi lợn rừng, dê núi, trang trại này đã sửa chữa, xây dựng nhiều nhà nghỉ để đón các đoàn khách đến nghỉ dưỡng… “Liệu chính quyền địa phương có làm ngơ cho những sai phạm này?”, giám sát của HĐND TP chất vấn.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố, nhiều diện tích đất nông nghiệp nằm trong phạm vi triển khai các dự án phi nông nghiệp, nhưng dự án chưa thực hiện, chưa tiến hành giải phóng mặt bằng, người nông dân giữ đất chờ dự án, không quan tâm đến sản xuất hoặc tình trạng người dân không mặn mà với đồng ruộng mà để đất bỏ hoang, bỏ nghề nông đi làm thợ, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp gặp khó khăn về thủy lợi, nước tưới hoặc nằm trong vùng trũng thấp, thường xuyên bị ngập úng…Mặc dù, các địa phương đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn nhưng đến nay, toàn thành phố vẫn còn hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp bị bỏ hoang, hơn 4.000ha đất canh tác không hiệu quả, chỉ làm một vụ hoặc canh tác mang tính tận dụng.

Có thể nhận thấy, ngành nông nghiệp Thủ đô luôn khẳng định được vai trò quan trọng, vừa tăng cường nguồn nông sản cho thị trường, bảo đảm ổn định giá cả, vừa thúc đẩy sản xuất, duy trì tăng trưởng, đóng góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế Thủ đô.

Một trong những chương trình hành động trọng tâm của Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2025 là đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

Chính vì vậy, việc hoàn thiện quy hoạch; xây dựng được các vùng, sản phẩm chủ lực cùng với những chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn rất cần được thực hiện kịp thời, bài bản, hiệu quả hơn, để có những bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Các cơ chế, chính sách cần hướng về cơ sở, hướng về người nông dân, đi vào thực tiễn, hướng tới gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững. Đặc biệt là khơi thông nguồn lực, hỗ trợ sát sườn cho hơn 4 triệu người dân nông thôn trên địa bàn Thủ đô....

Nền nông nghiệp 2 tỷ USD của Thủ đô

Là Thủ đô, là đô thị đặc biệt nhưng Hà Nội có một nền nông nghiệp gần 2 tỉ USD. Các quy hoạch lớn của Thủ đô đang được triển khai đều xác định trọng tâm, trọng điểm đầu tư, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Với việc chủ động, tích cực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố đã góp phần duy trì mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp Thủ đô trung bình trong giai đoạn 2016-2020 đạt 2,53%; từ năm 2021-2022 đạt trên 3%, trước mắt đảm bảo mục tiêu tăng trưởng từ 2,5-3,0% của nhiệm kỳ 2021-2025.

Đến nay, Thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 (đạt 100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; 111 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện.

Toàn Thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 2.167 sản phẩm OCOP đã được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên, đứng đầu cả nước; hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp được quan tâm, dần đi vào hiệu quả...