Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm 20 lãnh đạo chủ chốt

ANTĐ - Hôm qua, 8-1, Thành ủy Hà Nội đã khai mạc Hội nghị lần thứ 11 BCH Đảng bộ TP. Một trong những nội dung quan trọng nhất của Hội nghị lần này là thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với 20 cán bộ lãnh đạo chủ chốt của TP.

Các đồng chí Thành ủy viên bỏ lá phiếu tín nhiệm chiều 8-1

Ngày 8-1, Thành ủy Hà Nội là cấp ủy đầu tiên trong cả nước thí điểm thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý TP. Theo đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, lần này, đối tượng được nhận xét, lấy phiếu tín nhiệm tập trung vào các chức danh cán bộ chủ chốt, là những người đứng đầu cơ quan, đơn vị của thành phố và một số sở, ngành.

Cụ thể, BCH Đảng bộ TP lấy phiếu tín nhiệm đối với đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội; các Phó Bí thư Thành ủy, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; các Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Chủ tịch HĐND TP. Tiêu chí để đánh giá, nhận xét cán bộ lần này tập trung vào hai tiêu chí cơ bản nhất, hình thành nên uy tín của người cán bộ. Đó là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao và phẩm chất tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cá nhân cán bộ. Thông qua bỏ phiếu kín, phương thức đánh giá cán bộ sẽ bảo đảm dân chủ, công khai và minh bạch hơn. Người tham gia đánh giá không ngại bị va chạm, mất lòng, tránh được tình trạng nể nang, xuôi chiều; đồng thời, không sợ bị trù úm, định kiến nên việc đánh giá sẽ khách quan, thực chất hơn.

Để đánh giá mức độ tín nhiệm đối với mỗi chức danh cán bộ, trên phiếu lấy ý kiến sẽ có 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Qua đó, người tham gia đánh giá biểu thị thái độ của mình. Sau khi lấy phiếu, kết quả đánh giá sẽ được công bố công khai tới những đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo cấp trên theo quy định. Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, kết quả đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm cùng với những nguồn thông tin sẽ là kênh thông tin quan trọng khác để đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác. Lấy phiếu tín nhiệm cũng là cụ thể hóa yêu cầu phát huy dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò giám sát của tập thể và cá nhân đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu cấp ủy địa phương, đơn vị. 

Tiếp sau đây, Thành ủy sẽ chỉ đạo tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với giám đốc, phó giám đốc của 7 sở, ngành: CATP, Nội vụ, QH-KT, KH-ĐT, TN-MT, Xây dựng, LĐ-TB&XH. Đối với các chức danh HĐND TP sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội khi Nghị quyết có hiệu lực. Như vậy, nhiều đồng chí  lãnh đạo có thể sẽ được đánh giá hai lần hoặc hơn.

Phát biểu sau khi kết thúc cuộc lấy phiếu tín nhiệm, đồng chí Bí thư Thành ủy nói: “Kết quả cho thấy, mỗi đồng chí đều có thể tự mình đưa ra được nhận xét đánh giá chung cũng như với từng người được lấy phiếu. Cách làm của chúng ta là công khai, dân chủ và tôn trọng quyền biểu quyết, đánh giá của mỗi đồng chí về từng cá nhân. Đồng chí nào cũng có cả 3 ô đánh giá. Đồng chí nào cũng có phần lưu ý, nhắc nhở (từ 1 phiếu trở lên). Không có đồng chí nào 100% tuyệt vời, xuất sắc, nhưng cũng không có đồng chí nào cả năm nỗ lực làm việc trách nhiệm mà bị đánh giá là yếu kém. Như thế là rất khách quan, thẳng thắn. Không có gì bất thường, không có gì khiên cưỡng”.

Nhấn mạnh “đây là thử thách mà mỗi người phải vượt qua”, Bí thư Thành ủy cho biết: “Đây là kết quả mở đầu để Hà Nội vững tin, nhân rộng, tiến hành làm thường xuyên việc lấy phiếu tín nhiệm. Căn cứ kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Thành ủy sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình để triển khai thống nhất trong toàn thành phố.”

Tự soi lại mình để sửa

Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm 20 lãnh đạo chủ chốt ảnh 2

Phóng viên An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, một trong 20 lãnh đạo chủ chốt của thành phố trước giờ được lấy phiếu tín nhiệm. Ông Lê Văn Hoạt nói:

- Tôi hoàn toàn nhất trí với việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Cá nhân tôi mong muốn từ lâu rồi, vì bằng cách này, chúng ta có được thông tin tham khảo rất tốt trong đánh giá cán bộ, nhất là với các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Tới đây, thực hiện Nghị quyết Quốc hội, HĐND TP cũng sẽ triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo do HĐND bầu.

- PV: Khi lấy phiếu tín nhiệm ở phạm vi rộng hơn, thì sẽ ảnh hưởng như thế nào tới bộ máy hành chính?

- Ông Lê Văn Hoạt: Tôi nghĩ lấy phiếu tín nhiệm chỉ có lợi, giúp chúng ta nhìn lại đội ngũ cán bộ. Từ đó, có định hướng để tổ chức sắp xếp cho phù hợp hơn. Sự thực là có những đồng chí được bố trí chưa thật phù hợp, có những đồng chí tận tâm nhưng năng lực chưa đủ. Tuy nhiên, không hẳn những đồng chí có phiếu tín nhiệm thấp là kém cả. Có thể họ kém về năng lực, kém về phẩm chất, có thể cả hai. Qua lấy phiếu tín nhiệm, chúng ta sẽ có đầy đủ thông tin về những vấn đề này. 

- Thực tế có người làm việc tốt nhưng tính tình nóng nảy hoặc bộc trực, có những ý kiến gai góc, vậy những cán bộ này có sợ bị mất phiếu?

- Đây là cả tập thể cho ý kiến chứ không phải cá nhân. Có thể sẽ bị mất vài phiếu do ai đó không ưa nhưng tôi tin là người bộc trực, làm việc tốt sẽ được số đông ủng hộ, tín nhiệm. Ở đây, chúng ta đánh giá dựa trên 2 tiêu chí lớn là năng lực chỉ đạo, điều hành và phẩm chất đạo đức cán bộ chứ không phải cá tính.

- Nếu có ai hoài nghi kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, ông sẽ nói gì với họ?

- Không ai thoát ra khỏi cái bóng của mình. Nhưng nếu chỉ một hai người đánh giá thì có khi chưa đầy đủ, thậm chí rơi vào phiến diện. Đây là tập thể đánh giá thì sẽ chính xác, toàn diện hơn rất nhiều. Có thể nói đó là kết quả đánh giá có độ tin cậy rất cao.

Lấy phiếu càng rộng càng tốt

Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm 20 lãnh đạo chủ chốt ảnh 3

“Qua lấy phiếu tín nhiệm, sẽ đánh giá chất lượng cán bộ chính xác hơn. Đây là khâu đặc biệt quan trọng, bởi nếu đánh giá không đúng thì không bố trí cán bộ hiệu quả được. Quan điểm riêng của tôi là càng lấy phiếu tín nhiệm sớm và rộng càng tốt. Tôi tin là các đồng chí Thành ủy viên sẽ có đánh giá khách quan, công bằng về những đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm trên tinh  thần vì sự nghiệp chung, vì chất lượng của Đảng bộ TP. Khi đã là người lãnh đạo, đứng đầu các cấp ủy thì cần xem việc lấy phiếu tín nhiệm là quy luật cho sự tồn tại và phát triển. Nếu ai đủ tín nhiệm thì tiếp tục công việc hiệu quả hơn, không đủ thì nên rút lui, nhường vị trí cho người xứng đáng hơn. Thực tế, nếu đã không đủ uy tín thì cũng chẳng lãnh đạo, chỉ đạo được ai nữa”.

Bí thư Đảng ủy khối du lịch Trịnh Huy Thành

Loại bỏ yếu tố cá nhân để lá phiếu có giá trị

Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm 20 lãnh đạo chủ chốt ảnh 4

“Đánh giá người đứng đầu phải bắt đầu từ hiệu quả, chất lượng điều hành công việc và khả năng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Khi đánh giá, phải loại trừ những vấn đề cá nhân ra thì lá phiếu mới thực sự khách quan, có giá trị. Cá tính từng đồng chí là khác nhau. Đôi khi, sự nóng tính, bộc trực lại được việc, đối lập với cái né tránh, không có chính kiến. Khi lấy phiếu tín nhiệm, chưa chắc các đồng chí cứ cao là tốt mà đôi khi phải va chạm mới là tốt, nhất là “tư lệnh” các ngành. Đó là những đồng chí chịu trách nhiệm và chỉ đạo trực tiếp ở cơ sở, dứt khoát phải va đập, đụng chạm, được lòng người này nhưng có khi mất lòng người kia. Vì vậy, khi đánh giá, phải cân nhắc, suy nghĩ thận trọng trên cơ sở cái chung, từ hiệu quả công việc.

Bí thư Quận ủy Long Biên Vũ Đức Bảo

Không e ngại khi được lấy phiếu 

Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm 20 lãnh đạo chủ chốt ảnh 5

“Là một trong 7 sở dự kiến sẽ được lấy phiếu tín nhiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng, không có lo lắng hay e ngại. Vấn đề là phải tự nhận thức được việc đó chỉ giúp sở, ngành mình tốt hơn bởi sẽ rút ra được những kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, xem mình làm đã đạt hay chưa đạt, đã đáp ứng được yêu cầu chưa và sau đó sẽ phải tiếp tục cố gắng như thế nào... Tất nhiên, không phải chờ tới khi lấy phiếu tín nhiệm xong thì mới phục vụ nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn mà phải xem đó là công việc thường xuyên. Phải tự mình kiểm tra, đánh giá công việc hàng ngày, theo tuần, tháng. Đây là dịp để đánh giá, xem xét lại một cách khách quan công việc của mình. Hôm nay, anh làm như vậy nghĩ đã tốt rồi nhưng yêu cầu của xã hội ngày càng cao hơn chứ không dừng ở một chỗ”.

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng