Hà Nội: Kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, không giải ngân được

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, việc tháo gỡ khó khăn, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên, liên tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp

Sáng 5/7, HĐND TP Hà Nội khai mạc kỳ họp thứ 7 - kỳ họp thường kỳ giữa năm 2022 của HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, cho biết, trong điều kiện tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, Hà Nội đã kịp thời ứng phó thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; chú trọng phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống của người dân với tinh thần “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP Quý II tăng 9,49% (cả nước tăng 7,72%), cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm (6,4-6,9%), tính chung 6 tháng đầu năm GRDP tăng 7,79% (cả nước tăng 6,42%), gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (6,02%)…

Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ; nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt; Quản lý và phát triển đô thị tiếp tục chuyển biến tiến bộ; hạ tầng đô thị được duy trì, quản lý đất đai và tài nguyên môi trường được tăng cường.

Đáng chú ý, tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội thông qua và ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với tỷ lệ thống nhất rất cao (95,18%).

Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và rất cấp bách, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường; tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng không những đối với Thành phố Hà Nội và các tỉnh có đường vành đai đi qua mà còn thúc đẩy phát triển của các tỉnh trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng lưu ý, công tác giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức chung của cả nước và thấp hơn so với kỳ vọng; đến nay thành phố còn 01chỉ tiêu không đạt kế hoạch, đó là số trường công lập đạt chuẩn quốc gia (hiện đạt 73 trường, theo kế hoạch là 80 trường); Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 10%, số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 13%)…

Nhiều tồn tại, hạn chế lâu nay chưa được khắc phục triệt để, như: ùn tắc giảo thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, nước thải, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu bền vững, một số khu vực nông thôn còn chưa được thu gom và xử lý triệt để, việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt/cụm công nghiệp/làng nghề chậm tiến độ; tình trạng vi phạm quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng; việc quản lý các công trình nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị tại khu vực nội đô lịch sử, công tác quản lý tài sản công trên địa bàn còn nhiều bất cập…

Do vậy, tại kỳ họp này, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị các vị đại biểu HĐND TP tập trung thảo luận, phân tích thấu đáo, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, nhằm phát huy mọi nguồn lực của Thành phố, khắc phục những hạn chế, yếu kém, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của 6 tháng còn lại và cả năm 2022.

Về giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu Thành uỷ Hà Nội cho rằng, cần tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công đảm bảo đạt mức cao nhất; kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được, hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước, các dự án có khả năng giải ngân tốt… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Đây là nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên, liên tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực. Thành phố cần xác định lấy nội dung này làm tiêu chí đánh giá mức độ thi đua hoàn thành nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị, cá nhân trên địa bàn Thành phố.

Tại kỳ họp này, HĐND TP cũng sẽ xem xét, quyết định rất nhiều nội dung quan trọng, là cơ chế chính sách để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững xứng đáng với niềm tin và hy vọng của Thủ đô và cả nước.

“Tôi đề nghị các vị đại biểu HĐND TP cần tiếp tục phát huy cao nhất các kết quả đã đạt được của HĐND TP trong thời gian vừa qua, nâng cao hơn nữa chất lượng kỳ họp; nhất là chất lượng thảo luận, chất vấn, trả lời chất vấn theo hướng: Tập trung vào những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm;

Những vấn đề lớn, vấn đề khó để bàn đưa ra các giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là cơ hội để thành phố được tiếp thu những ý kiến đóng góp của cử tri và nhân dân Thủ đô, từ đó đưa ra những giải pháp tích cực, phù hợp, thích ứng trong tình hình mới” – Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.